Để công đoàn là chỗ dựa tin cậy

Phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động

10:31 | 17/12/2015
Trong xu thế hội nhập, tổ chức Công đoàn (CĐ) Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động và đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ quyền lợi cho người lao động (NLĐ). Đó là ý kiến được nêu ra tại hội thảo “Cơ hội và thách thức đối với lao động, CĐ khi Việt Nam tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới” do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây.
Hanhud đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Thủ tướng chỉ đạo phải bảo vệ quyền lợi cho người lao động

Sửa đổi pháp luật lao động cho phù hợp

Theo các đại biểu, việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt Việt Nam đối diện nhiều thách thức. “Gia nhập TPP, quyền lợi của người lao động (NLĐ) sẽ được bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, để tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế thì pháp luật lao động Việt Nam phải được sửa đổi cho phù hợp” - bà Phạm Thị Thanh Việt - Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận xét.

Phải bảo vệ tốt nhất quyền lợi cho người lao động
Đại diện Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phát biểu tại hội thảo.

Theo bà Việt, với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động, lương tối thiểu... thì hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định đầy đủ, cơ bản phù hợp với các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cũng như cam kết trong TPP. Việc thực hiện những cam kết về lao động trong TPP cũng chính là tiếp tục thực hiện các quy định của ILO mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, với những vấn đề liên quan đến lao động và CĐ (quyền tự do lập hội, quyền thương lượng tập thể, đình công ngoài phạm vi doanh nghiệp), thì vẫn còn “độ vênh”. “Việc sửa đổi phải xác định mục tiêu rõ ràng, trong đó cần lưu ý đến đặc thù văn hóa Việt Nam; bảo đảm mối tương quan giữa các đạo luật cần sửa đổi như Bộ luật Lao động, Luật CĐ. Bên cạnh đó, việc sửa đổi đòi hỏi tổ chức CĐ phải nâng cao vị trí, vai trò đại diện của mình thông qua cải cách bộ máy nhân sự, đặc biệt là đổi mới phương pháp và nội dung hoạt động, trong đó trọng tâm là đối thoại, thương lượng tập thể”- bà Việt khuyến nghị.

Đồng tình với nhận định này, ông Lê Đình Quảng - Phó Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) - đặt vấn đề: “Pháp luật Việt Nam hiện chỉ cho phép đình công trong doanh nghiệp, còn tiêu chuẩn của ILO lại cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và đình công phản đối chính sách kinh tế- xã hội. Vậy phải ứng xử thế nào?”. Ông Quảng cho biết, Luật CĐ Việt Nam quy định quyền thành lập và gia nhập CĐ chỉ được bảo đảm đối với NLĐ là người Việt Nam. Tuy nhiên, điều 2, Công ước 87 của ILO thì cho rằng, NLĐ nước ngoài không được gia nhập CĐ là trái với tiêu chuẩn lao động quốc tế. Chưa hết, Luật CĐ và Bộ luật Lao động 2012 đưa ra các quy định bảo đảm quyền của NLĐ được “thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ”, nhưng phải “phù hợp với quy định của Điều lệ CĐ Việt Nam”. Tuy nhiên, ILO cho rằng, điều này dẫn đến hệ thống CĐ duy nhất là Tổng LĐLĐ Việt Nam. Do vậy, không bảo đảm tự do liên kết theo đúng nghĩa được nêu trong Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội.

Hoạt động CĐ phải hướng mạnh về cơ sở

Theo các đại biểu, khi Việt Nam gia nhập TPP, lao động và CĐ là lĩnh vực phải chịu thách thức lớn nhất. Năng suất lao động Việt Nam hiện rất thấp so với các nước trong khu vực, vì vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam chỉ có lựa chọn duy nhất là tăng năng suất lao động. “ Năng suất lao động thấp thì NLĐ khó được trả lương cao, chưa kể phải cạnh tranh với lao động từ các nước khác” - ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) - băn khoăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, trong xu thế hội nhập, tổ chức CĐ Việt Nam cần phải đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động và đấu tranh có hiệu quả để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Để làm được điều đó, hoạt động CĐ phải hướng mạnh về cơ sở, vì mục tiêu việc làm, thu nhập và đời sống NLĐ. Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ ký kết hợp đồng với chủ doanh nghiệp; đại diện cho NLĐ xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng quy định; giám sát, kiểm tra và thúc đẩy việc thực hiện những điều khoản đã được ký kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể. Mỗi cán bộ CĐ phải rèn luyện bản lĩnh, nâng cao kỹ năng hoạt động, trong đó ưu tiên hàng đầu là thương thảo, hòa giải.

Văn Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này