Con đường ngắn từ dạ dày tới nghĩa địa

Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?

06:00 | 12/12/2015
“Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” - đó là câu nói đầy chua xót và thể hiện rõ sự bất an trước tình trạng mất an toàn thực phẩm hiện nay của một đại biểu Quốc hội. Hiển nhiên, đây cũng là nỗi lo chung của tất cả người dân, khi hằng ngày, hằng giờ phải sử dụng các loại thực phẩm mà họ không biết được nó có sạch hay không. Vậy chúng phải làm gì và làm như thế nào trước hoàng loạt mối nguy hại đó?
Vườn rau mini khắp ngõ phố Hà Nội
Cách đơn giản để biết rau "ngậm" hóa chất hay không
Cần quản lý chặt việc gắn tem rau sạch
TP.HCM: Rau vào siêu thị - liệu có sạch?
Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?
Mới đây có ý kiến cho rằng rau tự trồng trong hộp xốp chưa hẳn đã an toàn?

Từ trước đến nay, nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm kém chất lượng, giá rẻ từ Trung Quốc tuồn vào. Thế nhưng, thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện tại Việt Nam hàng loạt các loại nông sản có sử dụng chất cấm, chất tạo nạc vượt mức cho phép, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, thậm chí còn có nguy cơ gây bệnh ung thư rất cao. Đến lúc này, người dân mới nhận ra rằng, không phải ở đâu xa, mà ở chính đất nước mình, chính người dân chúng ta đang tự đầu độc nhau vì lợi ích cá nhân.

Trước tình trạng nhức nhối về ATVSTP, thời gian qua, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế…đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm cưỡng chế, xử lý triệt để các hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm. Thậm chí, mới đây nhất Bộ NN&PTNT đã công bố đường dây nóng, nhằm tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo của người dân về VSATTP, đồng thời đề ra mức thưởng lên đến 50 triệu đồng cho cá nhân cung cấp thông tin về cơ sở vi phạm hoặc phát hiện vấn đề liên quan đến VSATTP. Tuy nhiên, trước khi vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt được loại bỏ, người tiêu dùng cần phải chủ động làm gì để tự bảo vệ mình? PV báo Lao động Thủ đô đã trao đổi với một số chuyên gia nhằm trả lời câu hỏi này.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội):

Cần thay đổi tư duy tiêu dùng

Thời gian gần đây, không chỉ có bạn đọc báo LĐTĐ mà rất nhiều người dân trong cả nước, quan tâm đến lĩnh vực VSATTP đã điện thoại cho tôi hỏi về vấn đề này. Theo tôi, trước vấn nạn về thực phẩm bẩn, kém an toàn như hiện nay, người dân không nên quá hoang mang, sợ hãi. Chúng ta phải tự bảo vệ mình, mua thực phẩm bằng kiến thức, kỹ năng chứ không nên mua bằng niềm tin, bằng mắt. Trước vấn nạn trên, trước hết người tiêu dùng cần phải bỏ thói quen ăn, uống và sử dụng các loại thực phẩm tạp nham, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chất lượng sản phẩm, không được kiểm tra về VSATTP. Bên cạnh đó, người dân cũng cần phải thay đổi tư duy, cách lựa chọn thực phẩm theo hướng truyền thống. Chúng ta nên lựa chọn thực phẩm có chất lượng, thay vì lựa chọn bằng hình thức, mẫu mã. Nếu kinh tế hạn hẹp, thì nên tiết kiệm bằng cách mua ít, ăn ít nhưng chất lượng. Đừng ham đồ rẻ mà rước họa vào thân.

Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?

Tôi cho rằng, hiện nay thực phẩm có chứa chất cấm, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng ở Việt Nam là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, mức độ sử dụng các loại chất này như thế nào, quản lý chúng ra sao lại tùy thuộc vào ý thức, đạo đức của người chăn nuôi, cơ sở sản xuất, thương lái. Quan trọng nhất đó là sự quản lý của các cơ quan chức năng. Vì thế, khi các chế tài về xử phạt vi phạm, quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ và đủ mạnh, thì người dân phải biết tự bảo vệ mình, tự trang bị kiến thức, kỹ năng lựa chọn các loại thực phẩm để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe.

PGS.TS Lê Đình Roanh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm ung thư):

Nên khám sức khỏe định kỳ

Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?

Theo tôi, hiện nay người dân không những cần thay đổi tư duy trong việc lựa chọn thực phẩm, mà ngay cả việc khám sức khỏe định kỳ cũng cần phải quan tâm và hình thành như một thói quen. Đây là một trong những biện pháp giúp chúng ta phát hiện sớm các căn bệnh hiểm nghèo, phát hiện ung thư sớm để có những phác đồ điều trị thích hợp nhất. Hiện tại, khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác tạo nên ung thư, mà chỉ mới xác định được các yếu tố, nguy cơ có khả năng gây ung thư cao như: Di truyền, biến đổi gen, hút thuốc lá, môi trường. Một yếu tố quan trọng khác không phải là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư, thậm chí không ảnh hưởng đến sức khỏe con người ngay lập tức, nhưng về lâu dài, khi ngấm vào cơ thể con người nó sẽ trở thành một nguyên nhân đáng sợ, khiến chúng ta trở tay không kịp, đó là thực phẩm bẩn.

Chị Đặng Thị Thanh (phường Đức Thắng, Bắc Từ Liêm):

Lỗ hổng từ quản lý

Người tiêu dùng làm gì để bảo vệ mình?

Trước ý kiến của các chuyên gia về việc thay đổi nhận thức trong việc lựa chọn thực phẩm, bằng việc tự nâng cao kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân và gia đình, tôi hoàn toàn nhất trí. Thế nhưng, không phải ai cũng có đủ điều kiện để thay đổi. Ngay bản thân tôi cũng vậy, mặc dù rất muốn tham khảo thông tin về các loại thực phẩm an toàn, nhưng thời gian của tôi hạn chế do tính chất công việc. Mỗi lần đi chợ mặc dù cố gắng lựa chọn kỹ, thế nhưng làm sao tránh khỏi việc mua phải phải đồ kém chất lượng, không an toàn. Bởi lẽ, nếu chỉ dùng mắt thường, chỉ dùng kiến thức trên sách vở thì làm sao lựa chọn được thực phẩm an toàn, khi mà nhiều người bán, người chăn nuôi bây giờ rất khéo che đậy. Thậm chí, để phát hiện ra các chất cấm, cơ quan quản lý cần phải có thời gian kiểm tra, xét nghiệm…chúng tôi thì làm gì có những công cụ ấy.

Bên cạnh đó, không chỉ thực phẩm bẩn, kém chất lượng và không an toàn được bày bán ở vỉa hè, các khu chợ truyền thống…mà tại một số siêu thị, nhà hàng, nhiều, sản phẩm giả kém chất lượng vẫn được bán thường xuyên. Chúng tôi là người tiêu dùng cũng chỉ biết mua bằng niềm tin, bằng phán đoán, để xảy ra vấn đề này là do các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý. Lỗ hổng xuất hiện từ khâu nhập khẩu các chất cấm, tạo thành kẽ hở kinh doanh, khiến một số doanh nghiệp cố tình sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, chế biến và sản xuất nông sản.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này