Con đường ngắn từ dạ dày tới nghĩa địa

Đột nhập “thủ phủ” thuốc kích thích cho rau

09:24 | 10/12/2015
Đậu xanh chiều tối hôm trước phun thuốc trừ sâu, sáng hôm sau đã hái để đem bán; vườn đu đủ ngày hôm trước còn xanh, nhưng hôm sau bỗng đồng loạt chín đều; cà chua, chuối ngâm hóa chất để chín nhanh và đẹp… Đó là thực tế mà phóng viên báo Lao động Thủ đô được chứng kiến tại một huyện ngoại thành Hà Nội.
Nỗi đau ẩn sau sự ô nhiễm môi trường, thực phẩm
Ung thư, nỗi đau nghiệt ngã
“Sát thủ” mang tên thực phẩm chức năng

“Giờ rau nào chẳng có kích thích”

Hiện nay, ở ngoại thành Hà Nội, có nhiều làng chuyên trồng rau, củ, quả để bán vào nội đô. Nhận thấy nhiều người tiêu dùng “sính hàng đẹp” nên nhiều nông dân ở một số xã thuộc huyện Hoài Đức đã rỉ tai nhau “công nghệ” trồng rau, củ, quả, siêu nhanh, siêu đẹp. Trước thực trạng này, người dân quanh vùng thường tự trồng rau, củ, quả để ăn, hoặc mua những loại có mẫu mã xấu hoặc mua ở gia đình thân quen.

Theo nhiều người nông dân, hiện nay, những hộ trồng rau, củ, quả đều sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích và thuốc kích chín. Chẳng thế mà, người dân đã quá quen thuộc với việc, ruộng rau muống chỉ sau 3 - 4 ngày cắt ngọn đã tiếp tục được thu hoạch, ngọn dài, xanh mơn mởn, đẹp mắt và đều tăm tắp. Ruộng cà chua quả bóng mượt, đỏ chín từ gốc đến ngọn. Cả vườn đu đủ quả chín vàng cùng lúc. Đậu xanh chiều hôm trước phun thuốc, sáng hôm sau đã được hái để đem bán. Hay như chuyện su hào, cải bắp phát triển quá nhanh khiến nhiều cây nứt toác…

Đột nhập “thủ phủ” thuốc kích thích cho rau
Cà chua chín đỏ từ gốc đến ngọn là do sử dụng thuốc kích chín

“Cháu đừng có hái quả ở luống ấy, sang đây mà hái này. Luống đó có thuốc đấy”, Bác Nguyễn Thị Thích ở Vân Côn, Hoài Đức ngăn tôi lại khi tôi định hái cà chua trên thửa ruộng. Sau này hỏi ra mới biết, bác Thích đã mua thuốc “kích chín” có thể phun vào cà chua, nhưng để lại một luống để gia đình ăn. Theo bác tôi, giá mỗi lọ thuốc này là 3.000 đồng, pha vào bình 15l, phun khi cây cà chua bắt đầu héo lá, quả to đều và lác đác thấy quả chín. Chỉ 2 – 3 hôm sau, cà chua sẽ chín đều, bóng mượt, đẹp mắt và có thể thu hoạch được.

“Trồng cà chua mà không dùng thuốc, quả sẽ không chín đều, mẫu mã lại xấu. Đặc biệt, không may gặp phải sương muối thì hỏng hết. Nên tôi mới phải sử dụng thuốc “kích chín”. Khi trồng cà chua, bao giờ tôi cũng bớt lại một luống, không phun thuốc, để gia đình mình dùng”, bác Thích thật thà chia sẻ.

“Tại dùng thuốc kích thích quá liều lượng nên ruộng cải bắp kia mới bị vỡ hết. Còn ruộng su hào kia kìa thì bị nứt toác”, chỉ tay về hướng ruộng su hào, cải bắp, bà Nguyễn Thị Thủy, trú tại Vân Côn, Hoài Đức chia sẻ.

Theo hướng bà Thủy chỉ, tôi đến bên ruộng thì thấy những củ su hào to như bát con, bóng mượt nhưng rất nhiều củ bị nứt nẻ, lá rất nhỏ, cuống dài, còn cải bắp thì bị vỡ toác. Theo người dân địa phương thì đó là nguyên nhân của việc chủ ruộng thích “ăn xổi”, pha thuốc quá liều nên mới vậy.

Đặc biệt, khi thấy tôi về quê, muốn mua ít đỗ xanh đem ra Hà Nội ăn, hầu hết mọi người trong gia đình khuyên không nên mua. Bởi lẽ, dù là đỗ vàng, đỗ xanh, mọi người thường phun thuốc sâu rất nhiều. “Không hiểu sao giống đỗ lại có nhiều sâu đến thế, nếu một ngày không phun thuốc là sâu đục hết quả ngay. Chẳng thế mà, chiều tối hôm trước họ phun thuốc, sáng sớm hôm sau họ đã hái để đem bán rồi”, một người thân trong gia đình tôi cho biết.

Nghe những chia sẻ của người thân trong nhà và những người nông dân trong làng, tôi không khỏi rùng mình trước thông tin “giờ rau củ quả nào chẳng dùng kích thích”. Đó cũng có thể là nguyên dân dẫn tới tình trạng bệnh tật của người dân ngày càng nhiều và nghiêm trọng như thế.

Đột nhập “thủ phủ” thuốc kích thích cho rau
Thuốc tăng trưởng đột biến mà phóng viên mua được.

Đột nhập “chợ” thuốc kích thích

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dân khu vực Hoài Đức thường mua các loại thuốc kích thích tại chợ Vạng, xã Song Phương, Hoài Đức, Hà Nội. Nhờ người thân dẫn đi, không mấy khó khăn, tôi đã có thể mua được những loại thuốc “giết người” này. Tạt xe vào cửa hàng thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật T. H đầu cổng chợ, chúng tôi được người đàn ông tên V. cho biết, có thuốc kích thích, nhưng chỉ còn loại viên sủi giá 4.000 đồng, còn loại thuốc Tàu (Trung Quốc – PV) giá 12. 000/viên thì hết rồi. Muốn mua thì vào chợ, sẽ có rất nhiều loại.

Theo một số chuyên gia, nếu người trồng rau sử dụng thuốc kích thích quá độc, liều cao, gần ngày thu hoạch, không đảm bảo thời gian cách ly thì dư lượng thuốc còn lại trong rau, quả sẽ vượt quá mức cho phép, gây ngộ độc cho người tiêu dùng, kể cả với các loại thuốc kích thích sinh học. Tùy mức độ tồn dư thuốc trong rau mà người dùng có thể bị ngộ độc cấp tính với các biểu hiện như buồn nôn, nhức đầu, chóng mặt, tiêu chảy... hoặc sẽ bị ngộ độc mãn tính, lâu dần tích tụ lại các cơ quan nội tạng gây ra những bệnh nguy hiểm cho cơ thể.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi vào cửa hàng của người đàn ông tên T. Sau khi hỏi mua thuốc kích thích rau củ quả, T. bảo rằng có thuốc, nhưng chỉ có loại giá 40. 000 đồng. Theo T. thì đây là thuốc kích thích phát triển nhanh nhất. Chỉ cần phun một lần, rau, quả sẽ phát triển vùn vụt. “Loại này mới nhanh, chứ loại thuốc sủi của Tàu ăn thua gì”, T nói.

Nói rồi T. đưa cho chúng tôi một gói thuốc Gubber 2SP ghi chữ “tăng trưởng đột biến” có công dụng: Kích thích sinh khối làm dài, rộng lá. Vượt mạnh, lớn nhanh, kích thích ra hoa đồng loạt, nghịch mùa đậu trái cao. Chắc cuống, giảm rụng, lớn trái, bật đọt non, mượt lá, tươi lâu… Giá gói thuốc này là 40.000 đồng pha được 4 bình 16 lít, phun cho 2 sào rau màu. T. dặn, nhớ pha thuốc đúng liều lượng, tránh phun ngày mưa kẻo su hào… nứt toác.

Quả thực khi tôi mua loại thuốc này về nhà để thử nghiệm thì thấy những thông tin quảng cáo là đúng.

Ngô Bảo Chi

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này