Tổng kết 5 năm thực hiện xây dựng Chương trình nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới, xây dựng sức mạnh toàn dân

15:25 | 09/12/2015
Sáng 8/12 tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020.
Tôn vinh 97 tập thể điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới
Nông dân là nòng cốt xây dựng nông thôn mới
Công đoàn góp sức lớn trong xây dựng nông thôn mới
Đan Phượng, huyện điển hình xây dựng nông thôn mới

Theo Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước. Nhiều địa phương đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương. Hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn.

Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của số lượng lớn dân cư nông thôn được nâng cao rõ rệt. Mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010); số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.

Xây dựng nông thôn mới, xây dựng sức mạnh toàn dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị

Theo báo cáo tại buổi tổng kết, tính đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã (14,5%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã. Ở cấp huyện, đã có 11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là: huyện Xuân Lộc, Thống Nhất, thị xã Long Khánh (Đồng Nai), Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè (TP. Hồ Chí Minh), Đông Triều (Quảng Ninh), Hải Hậu (Nam Định), Đơn Dương (Lâm Đồng), Đan Phượng (TP. Hà Nội), Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).

Ngoài ra còn 8 huyện, thị xã đã có Tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận. Báo cáo cũng đưa ra mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt, cụ thể có tới 22 nghìn mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả, đây là cơ sở để chúng ta nhân rộng, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Phát biểu tại buổi tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Những kết quả này tạo điều kiện, tiền đề để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới-một nội dung quan trọng trong nghị quyết tam nông của Trung ương trong 5 năm tới sẽ được thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn”.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những hạn chế của Chương trình cần phải tập trung khắc phục, trong đó có sự chênh lệnh tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỷ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỷ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của Chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền còn có mặt còn hạn chế…

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với Báo cáo sơ kết của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhấn mạnh mục tiêu được xác định trong giai đoạn 2016-2020 là những con số rất cụ thể, đó là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông thông mới…

Xây dựng nông thôn mới, xây dựng sức mạnh toàn dân
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào dựng nông thôn mới

Đồng thời, yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn; Ban chỉ đạo các cấp tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức; nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; phấn đấu nỗ lực hết mình để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 51 xã, thị trấn tiêu biểu trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới.

Cũng tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu và cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy kết quả mới bước đầu đạt được song đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là phong trào được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. “Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng; huy động được sự tham gia của toàn dân và thành công, kết quả đạt được cũng vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng đời sống mới, chăm lo lợi ích thiết thực, nhiều mặt cho người nông dân” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, hệ thống chính trị không phải chỉ có quyết tâm cao mà “phải hành động bằng tất cả tình cảm, con tim của mình” hướng về người nông dân, khu vực nông thôn-một khu vực có tới 70% dân cư sinh sống; đồng thời phải luôn lấy người nông dân làm chủ thể; từ quy hoạch, đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển cho y tế, văn hóa, giáo dục… cũng đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ lòng dân.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này