Những “bảo mẫu” gieo chữ ở Trường Sa

10:29 | 24/11/2015
Giữa Trường Sa xa xôi đầy nắng và gió, có những thầy giáo trẻ không quản khó nhọc ngày đêm cần mẫn dạy chữ cho các em học sinh. Ở nơi gian khó ấy, họ vừa là giáo viên, vừa là “bảo mẫu đặc biệt”, vừa là chiến sĩ. Niềm vui của họ là ngày ngày đứng trên bục giảng - một công việc không kém nhọc nhằn và thầm lặng nơi tiền tiêu tổ quốc.
20/11 không hoa của thầy cô hàng chục năm cắm bản
Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng” năm học 2015-2016
Gieo chữ nơi lưng chừng trời

Nói đến dạy học ở Trường Sa, không thể không nói đến những thầy giáo trẻ “ba trong một”. Gọi là “ba trong một” bởi vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, vừa là chiến sĩ.

Một ngày đối với thầy giáo Lê Xuân Quyết ở đảo Song Tử Tây là báo thức lúc 5 giờ 30 phút tập thể dục, 7 giờ sáng dạy chữ cho các em học sinh, 11 giờ cho các em về nhà, chiều đón các em tới lớp. Hết giờ học chiều, thầy Quyết lại cùng các em vui chơi, đá bóng, hoặc hướng dẫn các em trồng rau xanh. Hơn hai năm gieo chữ ở đảo Song Tử Tây, thầy Quyết trở thành “bảo mẫu đặc biệt” cho bọn trẻ. “Những lúc các em giận bố mẹ, tôi lại dỗ dành, cưng nựng để các em vui. Trong giờ học các em gọi thầy xưng con, ngoài giờ các em gọi chú xưng cháu. Có đứa lém lỉnh còn gọi là anh nữa. Những ngày đầu nghe các em gọi “anh Quyết”, tôi ngượng quá, nhưng rồi cũng thấy vui vui. Là thanh niên trẻ, việc dạy dỗ các em cũng nhiều bỡ ngỡ, nhưng dần rồi quen”, thầy Quyết chia sẻ.

Những “bảo mẫu”  gieo chữ ở Trường Sa
Thầy giáo Đồng Minh Hiệp cùng các học sinh trên đảo Song Tử Tây

Cùng đồng hành với thầy Quyết trên đảo Song Tử Tây, thầy giáo Đồng Minh Hiệp cũng nguyện gắn bó với Trường Sa. Cũng như “bảo mẫu” Quyết, “bảo mẫu” Hiệp liên tục bận rộn như có con mọn. Sau một ngày dạy học, Hiệp trở về căn phòng riêng của mình phía đầu hồi trường học. Chỉ có chiếc giường cá nhân, cái bàn soạn giáo án đơn sơ. Mỗi đêm, trong căn phòng nhỏ ấy, thầy Hiệp cần mẫn soạn giáo án, chấm bài cho các em. Trong khoảng lặng giữa biển trời tổ quốc, thầy Hiệp nhớ về đất liền, nơi ấy có bố mẹ và bao người thân ngóng đợi. Anh không thể nào quên được những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Tuy đã xác định tốt tư tưởng là công tác ở đây lâu dài, nhưng những đêm đầu tiên anh không kìm được xúc động vì quá nhớ đất liền. Những ngày sau đó anh thường ra bờ biển ngóng về phía chân trời tìm hình bóng một con tàu nào đó. “Bây giờ đã quen lắm rồi. Có tụi nhỏ như thêm niềm vui. Tiếng khóc, tiếng chào làm cho đảo rộn rã như ở đất liền”, Hiệp chia sẻ

Cũng gieo chữ ở “chân trời” tổ quốc, hai thầy giáo Lê Đức Anh và Nguyễn Ngọc Hạ ở đảo Sinh Tồn chẳng kém vất vả, khó khăn. Ngày đầu tiên đến đảo Sinh Tồn, thầy Hạ mắt đỏ hoe nhìn lên cột mốc chủ quyền. Hai tiếng Trường Sa, hình ảnh người lính Sinh Tồn tuần tra canh đảo, cùng ánh mắt những em bé thơ ngây khát khao học chữ làm thầy xúc động: “Được dạy học ở Trường Sa là một vinh dự. Ngoài dạy chữ, dạy kiến thức, tôi còn dạy các em về tinh thần hi sinh vì tổ quốc, lòng dũng cảm khi tổ quốc gọi tên. Lúc dạy học, tôi là thầy giáo, khi đảo thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, tôi là chiến sĩ Trường Sa”, thầy Hạ chia sẻ.

Trường Sa đã từng ngày thay da đổi thịt. Ở giữa đại dương bao la ấy, có những thầy, cô giáo trẻ vẫn ngày đêm cần mẫn gieo chữ cho các em học sinh. Đến đảo Trường Sa lớn, nghe tiếng các em đọc vần ê a phát ra từ lớp học; đến đảo Song Tử Tây được nghe tiếng giảng bài ấm áp của thầy Quyết, thầy Hiệp; đặt chân lên đảo Sinh Tồn, xúc động bởi sự nhiệt tình hết lòng vì học sinh thân yêu của thầy Hạ, mới thấy được sự cống hiến, thầm lặng hi sinh của những người gieo chữ ở đây. Các thầy, cô đang làm công việc với tất cả tinh thần, nghị lực và đức hi sinh, vì thế hệ học sinh của Trường Sa hôm nay và mai sau, đang được chính lòng nhiệt huyết của các thầy, cô nuôi dưỡng ở “doi cát vàng” nhỏ bé mang hồn thiêng tổ quốc đặc biệt này.

Mai Thắng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này