Lao động nữ di cư: Những câu chuyện đằng sau vấn đề thu nhập

14:43 | 15/11/2015
Theo số liệu mới nhất của Tổng LĐLĐVN, hiện cả nước có khoảng 2,4 triệu LĐ làm việc trong các KCN-KCX. Trong đó, lực lượng LĐ nữ chiếm khoảng 60 - 70% và đa số là LĐ nhập cư từ khắp nơi trên cả nước. Đằng sau nhu cầu về việc làm, thu nhập, vẫn có một khoảng “sâu thẳm” trong mỗi người - đặc biệt đối với nữ thanh niên - là nhu cầu về tình cảm, giao lưu với những người cùng trang lứa…
Ưu đãi cho lao động nữ vào kỳ “đèn đỏ”
Hỗ trợ việc làm cho gần 1 triệu lao động nữ
Hà Tĩnh: Nhiều lao động nữ tham gia các CLB CNVCLĐ
Lao động nữ di cư: Những câu chuyện đằng sau vấn đề thu nhập

Thay đổi “không khí”

Gặp Bùi Thị B, quê Thanh Hóa, đang cùng dăm cô bạn nữa “chen chúc” trong căn phòng chừng 6 - 7 mét vuông thuê trọ ở KCN Nam Sách (Hải Dương), B cho biết: Chúng em vừa từ Thanh Hóa ra, xin vào học nghề ở Cty ADel vì nghe cô bạn đồng hương đang làm việc ở đây nói được trả lương khá cao. Lao động chân tay như bọn em, cứ thêm được đồng nào, quý đồng ấy. Nhưng quan trọng hơn là đi làm ở đây có chị, có em, được giao lưu, vui hơn ở nhà. Với lại, chị cứ về các làng quê mà xem, nam thanh niên cũng bỏ quê đi làm xa hết. Chúng em ở nhà chịu chân lấm, tay bùn và… chết già sao? Cách đây 4 năm, em cũng theo bạn bè vào Bình Dương làm và ở đó, em đã gặp được chồng em bây giờ, cũng người cùng quê. Nay, chúng em đã có con. Em cho con về với ông bà, ra đây làm việc, không vào Bình Dương nữa để gần con hơn…”.

Ma Thị T (21 tuổi), làm việc tại Cty Foster (KCN Hải Dương) cho biết, cô cũng không thích làm việc tại quê nhà (Thái Nguyên), vì ở đó, tuy gần nhà nhưng ngoài thời gian làm việc, về đến nhà, cô cũng cảm thấy rất buồn chán vì nhiều nam, nữ thanh niên ở quê cũng bỏ đi làm ăn ở xa. Thế là cuộc sống sinh hoạt hàng ngày chỉ quanh quẩn từ nhà đến nơi làm việc. Vì thế, cô quyết định đi làm xa nhà để được sinh hoạt tập thể với nhiều bạn, từ nhiều vùng khác nhau… Trước đây, cô đã từng làm ở KCN Từ Sơn (Bắc Ninh)… “Sang bên này, đông vui hơn và thu nhập cũng có tăng hơn…” - T bổ sung.

Có lẽ trong sâu thẳm của những nữ CNLĐ như B, như T, bên cạnh nhu cầu kiếm tiền sinh sống, nguyên nhân hối thúc họ rời xa quê, di cư đến nơi khác làm ăn còn là nhu cầu về đời sống tinh thần. Thế nhưng, trên thực tế, không ít người phải “trả giá” cho điều tưởng như rất bình thường và chính đáng ấy.

“Vỡ mộng”!

Nữ CNLĐ các KCN chủ yếu là làm việc trong ngành dệt, may, điện tử, giầy da... những ngành đòi hỏi và “ngốn” khá nhiều thời gian vào việc làm thêm giờ. Theo khảo sát gần đây nhất của Viện Công nhân và Công đoàn (CN&CĐ), có khoảng 20% CN bức xúc phải làm thêm giờ nhiều và 25% bức xúc về trả lương làm thêm giờ thấp... Tuy nhiên, vì đồng lương thấp, lại phải chi trả một số khoản khác khi phải sống xa gia đình như thuê phòng trọ với giá điện, giá nước cao; sinh hoạt đắt đỏ ở địa bàn có nhiều NLĐ... nên phần lớn CNLĐ đều chấp nhận việc làm thêm giờ, tăng ca. Thậm chí coi đó là một “cứu cánh” để tồn tại. Vậy là dù muốn hay không, cuộc sống của họ lại rơi vào vòng quay: Đi làm; ăn, ngủ lấy lại sức; đi làm... Chả còn thời gian đâu mà nghĩ đến chuyện vui chơi, giải trí. Hơn nữa, cũng theo khảo sát nói trên của Viện CN&CĐ, hiện nay, chỉ một số DN quan tâm đến đời sống tinh thần nhằm giữ chân CN. Số còn lại không tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và không có khu vui chơi thể thao, nhà sinh hoạt văn hóa cho CN: 74,9% CN được hỏi cho biết không có sân chơi thể dục, thể thao; 85,1% CN bức xúc nơi ở không có nhà văn hóa...

Có thể nói, phần lớn công nhân rất “đói” về văn hóa tinh thần. Làm việc quần quật cả ngày, trở về căn nhà trọ xập xệ, điều kiện sinh hoạt với nhiều cái “không” (không tivi, không sách báo, không có thời gian và điều kiện giao lưu, vui chơi, giải trí...). Trong hoàn cảnh đó, không ít LĐ nữ rơi vào cạm bẫy bị dụ dỗ lao vào những trò giải trí thiếu lành mạnh, vô bổ hoặc bị rơi vào cạm bẫy làm thêm ở những quán karaoke, massage không lành mạnh...

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này