Dệt may là ngành được lợi từ việc tham gia hiệp định TPP

12:36 | 10/10/2015
Tại cuộc họp báo của Bộ Công thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - cũng là Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam cho biết, tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Tham gia TTP: Cơ hội nào cho lực lượng lao động?
Tham gia TPP: Cơ hội và thách thức
“TPP là cơ hội nghìn năm một thuở mới có của Việt Nam”
Cơ hội và thách thức: Từ câu chuyện dệt may

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là TPP) có thể chính thức có hiệu lực từ 18 tháng 2 năm tới; sau ít nhất 1 tháng kể từ khi kết thúc đàm phán (hôm 5/10) Hiệp định này sẽ được 12 nước thành viên công bố về nội dung một cách rộng rãi, nhất quán và cùng thời điểm để lấy ý kiến sau đó mới tiến hành ký kết.

Đây cũng được xem là Hiệp định công phu và có phạm vi điều chỉnh rộng nhất, điển hình trong số các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nội dung của Hiệp định TPP sẽ bao gồm 30 chương, trong đó có các nội dung quan trọng như: Mở cử dịch vụ và đầu tư; thuế xuất, nhập khẩu; Thương mại và môi trường; Mua sắm của các cơ quan Chính phủ; Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; Doanh nghiệp Nhà nước; Minh bạch hóa và chống tham nhũng,...

Dệt may là ngành được lợi từ việc tham gia hiệp định TPP
Dệt may là ngành được lợi từ việc tham gia hiệp định TPP

Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Theo các nghiên cứu này, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Ca-na-đa giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn. Riêng ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới.

Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.

Tương tự dệt may, các mặt hàng giày dép của Việt Nam cũng sẽ có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.

Nội dung cam kết liên quan đến doanh nghiệp nhà nước (DNNN) điều chỉnh hoạt động của DNNN, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: TPP yêu cầu các DNNN phải hoạt động theo cơ chế thị trường, không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư. Các DNNN phải minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; Nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.

Tuy nhiên, các cam kết trong TPP chỉ quy định áp dụng đối với các DNNN mà nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ và có doanh thu vượt quá một ngưỡng nhất định thì mới chịu sự điều chỉnh của hiệp định.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, thách thức đối với nền kinh tế Việt nam cũng không hề nhỏ. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông sản, chăn nuôi, sức ép cạnh tranh là khá lớn khi thuế NK nông sản các nước được đưa về 0%. Một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta như giấy, thép, ô tô.

Tuy nhiên, đánh giá của đoàn đàm phán Việt Nam là có cơ sở để cho rằng sức ép cạnh tranh sẽ không lớn vì sản phẩm của ta hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Phương Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này