Nội dung quy định tố tụng lao động: Cán bộ CĐ và NLĐ khó tiếp cập

04:52 | 10/10/2015
Các nội dung quy định về tố tụng lao động nằm rải rác ở một số chương, điều trong Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi khiến cán bộ CĐ và người lao động khó tiếp cận. Cùng với đó, thủ tục tố tụng lao động lại nhiêu khê, phức tạp làm ảnh hưởng đến vai trò của CĐ khi tham gia tố tụng lao động cũng như thiệt thòi quyền lợi của NLĐ.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ: Cần đổi mới nội dung, phương pháp
Tạo nguồn cán bộ chất lượng cho CĐCS

Đó là những vấn đề được nêu ra tại hội thảo lấy ý kiến về các nội dung tố tụng lao động trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Viện FES tổ chức mới đây. Theo Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính, đây là dự thảo lần thứ 5 được đưa ra lấy ý kiến và cũng là lần lấy ý kiến cuối cùng của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước khi dự thảo được trình, xem xét, “bấm nút” thông qua tại kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Cần xây dựng chương riêng về tố tụng lao động

Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cho biết, quan điểm của Tổng LĐLĐ Việt Nam là tố tụng lao động có đặc thù, đặc trưng riêng biệt của quan hệ lao động. Trong quan hệ lao động dù có xảy ra tranh chấp thì hai bên có thể vẫn duy trì mối quan hệ nhưng một bên của quan hệ lao động là NLĐ luôn ở thế yếu (do bị chi phối bởi mối quan hệ chủ - thợ). Đặc biệt, chỉ trong tố tụng lao động mới có sự tham gia của các cấp CĐ- đại diện cho NLĐ và tập thể lao động mà tố tụng dân sự không có. Chính vì thế, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhiều lần đề nghị xây dựng riêng Bộ luật Tố tụng lao động nhưng đến giờ vẫn chưa xây dựng được.

Nội dung quy định tố tụng lao động: Cán bộ CĐ và NLĐ khó tiếp cập
Nhiều ý kiến đề xuất sửa luật để bảo vệ tốt hơn quyền lợi NLĐ

Tổng LĐLĐVN rất muốn có chương riêng về phần tố tụng lao động nằm trong Bộ luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, trong dự thảo trình Quốc hội lần này vẫn chưa có một chương riêng về tố tụng lao động mà các quy định nằm rải rác ở một số điều, một số chương. “Bộ luật Tố tụng dân sự có nhiều điều, nhiều chương. Để NLĐ và cán bộ CĐ tìm ra những điều liên quan đến mình là hết sức khó khăn. Các vị thẩm phán mà cầm đến còn gặp khó khăn chứ chưa nói gì đến NLĐ và cán bộ CĐ. Trong trường hợp dự thảo được thông qua trong kỳ họp Quốc hội sắp tới, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục kiến nghị Quốc hội xây dựng luật riêng về tố tụng lao động”, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nói.

Thủ tục tố tụng phải được đơn giản hóa

Phát biểu tại hội thảo, ông Erwin Scheweisshelm, Trưởng đại diện Viện FES tại Việt Nam cho rằng, trong tranh chấp lao động, người lao động luôn ở thế yếu, nên thủ tục tố tụng lao động cần dễ hiểu với người lao động để họ dễ nắm bắt. Trong khi đó, trên thực tế, thủ tục tố tụng trong giải quyết các tranh chấp về lao động còn nhiêu khê, phức tạp. Hầu hết các vụ khởi kiện ra tòa trong lĩnh vực LĐ đều được giải quyết như các vụ kiện dân sự. Trước khi khởi kiện ra tòa, NLĐ phải trải qua các cuộc hòa giải (từ hội đồng hòa giải lao động cơ sở đến hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh, thành phố), không thành công mới ra tòa.

Tuy nhiên, hội đồng hòa giải cơ sở thực tế hoạt động ít hiệu quả, không đảm bảo khách quan. Cũng vì thủ tục nhiêu khê, phức tạp, nên nhiều NLĐ mặc dù biết chủ DN vi phạm, nhưng nhiều khi không đòi quyền lợi của mình. Số còn lại thì chọn phương án ngừng việc, vì đấy là cách nhanh nhất để thương lượng về quyền lợi với chủ doanh nghiệp. “Tôi từng được NLĐ ủy quyền tham gia vào một số vụ án lao động. Có những vụ tôi phải theo đuổi tới 3 năm do thủ tục nhiêu khê, mất nhiều thời gian. Mình là cán bộ CĐ, được hưởng lương còn theo được, chứ NLĐ khi mất việc, họ phải tìm cách kiếm sống, làm sao theo đuổi được? Đó là lý do khiến các vụ tranh chấp cá nhân vừa qua ít được ra tòa. Thủ tục tố tụng lao động phải đơn giản để NLĐ dễ tiếp cận và rút ngắn thời gian xử án”, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính nói.

Đồng tình với quan điểm này, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) Trần Thị Thanh Hà cho rằng, việc xử án cần nhanh chóng, rút gọn để NLĐ sớm trở lại làm việc cũng như tạo điều kiện cho cán bộ CĐ đại diện bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Đề xuất có ủy quyền tập thể

Theo thống kê của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong 2 năm gần đây, các cấp CĐ đã tham gia giải quyết khoảng 47.034 vụ tranh chấp lao động cá nhân, giải quyết quyền lợi cho 109.088 người lao động và đoàn viên công đoàn. Hơn 95% số lượng các vụ việc công đoàn tham gia tố tụng đều thắng kiện, mang lại nhiều quyền lợi thiết thân cho người lao động và đoàn viên CĐ.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu còn nêu thực tế dù Bộ luật Tố tụng dân sự đã quy định về ủy quyền cho CĐ giải quyết tranh chấp lao động nhưng thủ tục ủy quyền trong những vụ tranh chấp lao động tập thể vẫn còn phức tạp. Khi CĐ đại diện cho hàng chục, thậm chí hàng trăm NLĐ, có cùng nội dung tranh chấp lao động thì vẫn phải xin ủy quyền của từng cá nhân tại các địa phương. Quy định này làm cho quá trình tố tụng phức tạp, gây khó khăn cho NLĐ, làm chậm tiến độ xử lý các vụ án lao động. Từ thực tế này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất trong trường hợp nhiều NLĐ, đoàn viên CĐ có cùng nội dung tranh chấp, trong cùng đơn vị, tập thể NLĐ có quyền ủy quyền cho một đại diện CĐ.

Ví dụ, tập thể NLĐ làm đơn ủy quyền cho LĐLĐ tỉnh, sau đó, LĐLĐ tỉnh sẽ ra văn bản cử một cá nhân đại diện theo ủy quyền cho tập thể NLĐ. Ngoài ra, về quy định áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 316 của dự thảo), Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị bổ sung tòa áp dụng thủ tục này đối với số loại vụ việc tranh chấp LĐ cá nhân có tình tiết đơn giản, rõ ràng hay các vụ án nợ, chiếm đoạt BHXH, BHYT, kinh phí CĐ. Tổng LĐLĐVN cũng đề nghị bổ sung quy định cấm xuất cảnh đối với người sử dụng LĐ nợ lương của NLĐ và nợ BHXH.

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Mai Đức Chính đề nghị Ban Quan hệ LĐ tiếp thu các ý kiến đóng góp, tổng hợp, báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam để Đoàn Chủ tịch trao đổi với các đại biểu Quốc hội là cán bộ CĐ có cơ sở tham gia ý kiến khi Quốc hội xem xét thông qua dự thảo, giúp những ý kiến đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam được đưa vào Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi).

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này