Có hay không việc học sinh bị đuổi học vì không ăn bán trú?

08:49 | 29/09/2015
Trước thông tin 4 học sinh ở Trường Tiểu học Đức La (Đức Thọ, Hà Tĩnh) bị đuổi học vì không ở bán trú, lãnh đạo nhà trường nói không, phụ huynh vẫn khẳng định có.
Công tác tuyển sinh đầu cấp: Nếu học bạ sai lệch, sẽ kỷ luật nhà trường
Xót xa bữa ăn bán trú bằng nhái và rau rừng của học sinh miền núi xứ Nghệ

Nhà trường nói không…

Tìm hiểu về sự việc, phóng viên Báo Lao động Thủ đô có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đức La. Ông Lợi cho biết, để thực hiện nhiệm vụ năm học 2015 - 2016, theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện Đức Thọ, nhà trường phải có 85% HS lớp 1 ở bán trú, 70% HS lớp 2 ở bán trú. Trước khi vào năm học, nhà trường đã triển khai họp phụ huynh có con em học mầm non chuẩn bị lên lớp 1 và phụ huynh có con lớp 1 chuẩn bị lên lớp 2 để thông báo kế hoạch ở bán trú của 2 khối lớp này, thuận tiện cho việc các em học ngày 2 buổi.

Có hay không việc học sinh bị đuổi học vì không ăn bán trú?
Cháu Nguyễn Bá Lý phải tự học ở nhà

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm có 80% phụ huynh đồng tình cho con ở bán trú. Ngày 14/9, nhà trường triển khai bán trú, thì có ông Nguyễn Bá Thọ - phụ huynh của em Nguyễn Bá Lý (lớp 2) đến trình bày hoàn cảnh khó khăn xin không ở bán trú, trường đã vận động gia đình cho cháu ở bán trú sẽ tốt hơn, nếu quá khó khăn thì trường sẽ hỗ trợ chi phí ăn bán trú. Nhưng phụ huynh này không chấp nhận bán trú, đã cương quyết đòi nhà trường trả lại hồ sơ và nói sẽ chuyển cháu học ở trường khác, sau đó không cho cháu Lý đi học vào ngày 16 và 17/9.

Ông Lợi cho rằng thông tin nhà trường đuổi 4 em học sinh vì không ở bán trú là sai sự thật. Trường hợp em Lý, nhà trường không đuổi mà phụ huynh bức xúc rồi tự đưa con về. Còn 2 trường hợp khác là em Nguyễn Mai Phương học lớp 1 và Hoàng Xuân Phong học lớp 2, tự nghỉ học vào mấy ngày mưa lũ chứ nhà trường cũng không hề đuổi học vì không ở bán trú.

Theo ông Lợi, toàn trường hiện có 5 lớp, 107 học sinh. Đến thời điểm này lớp 1 có 15/17 HS bán trú; lớp 2 có 17/24 HS bán trú. Nhà trường đang tích cực vận động phụ huynh cho con em ở bán trú để trường đạt chỉ tiêu số học sinh ở bán trú theo quy định. "Thực tế, nhà trường cũng chỉ biết tuyên truyền, vận động chứ không có quy định nào áp đặt bắt phụ huynh cho con ở nội trú cả. Do vậy, chúng tôi rất mong phụ huynh hiểu, thứ nhất vì quyền lợi con em mình, thứ hai cũng là hiểu và chia sẻ với nhiệm vụ của nhà trường" - ông Lợi nói.

Phụ huynh bảo có

Trái ngược với thông tin này, ông Nguyễn Bá Thọ xóm 4, xã Đức La, huyện Đức Thọ là phụ huynh của em Nguyễn Bá Lý cho biết: “Ngày 14/9 nhà trường bắt đầu chương trình bán trú cho học sinh. Biết là chương trình ăn bán trú là tốt nhưng vì điều kiện gia đình tôi không đủ để cho cháu ăn bán trú nên mong muốn gia đình đón cháu về nhà ăn. Nhưng nhà trường không cho đón cháu và thầy Nguyễn Ngọc Hà – Phó hiệu trưởng nhà trường có lời lẽ thiếu tôn trọng phụ huynh”.

Có hay không việc học sinh bị đuổi học vì không ăn bán trú?
Trường tiểu học Đức La, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh)

Sự việc được chị Bùi Thị Minh Tâm mẹ học sinh Nguyễn Bá Lý kể lại, ngày 14/9 nhà trường bắt đầu chương trình bán trú cho học sinh, nhưng gia đình chị không đủ điều kiện cho con học bán trú nên 10h30 phút bố cháu tới trường xin được đón cháu về ăn cơm trưa cùng gia đình nhưng nhà trường khóa cửa không cho phụ huynh vào. Sau đó gia đình vẫn đón cháu về ăn trưa. 1h30 phút cùng ngày, anh Nguyễn Bá Thọ đưa con tới trường thì thầy hiệu phó tuyên bố từ hôm nay Bá Lý bị đuổi học.

Ngày 16/9 chị Tâm tiếp tục tới trường đón con về ăn cơm trưa thì được cô chủ nhiệm bảo: “Mẹ muốn đón cháu về thì mời mẹ lên gặp ban giám hiệu nhà trường”. Nhưng khi chị gặp và trình bày lý do, thầy Phó hiệu trưởng Trần Ngọc Hà không những không cho còn tuyên bố: “Tôi nói với chị này, tôi đã bảo với anh chồng chị rồi, con nhà chị muốn học ở đây thì phải chấp hành bán trú, còn nếu không bán trú chúng tôi không tiếp nhận cháu Nguyễn Bá Lý vào học trường này”.

Được biết tại xóm 4 xã Đức La, huyện Đức Thọ, có 4 trường hợp được cho là bị đuổi học vì phụ huynh không đủ điều kiện cho con em bán trú.

Tương tự với gia định chị Tâm, chị Bùi Thị Hà cũng chung hoàn cảnh. Chị Hà cho biết: “Chúng tôi không phản đối khoản thu nào của trường, riêng việc bán trú cho con tôi không tán thành chỉ vì gia đình không đủ điều kiện. Đồng thời, từ trường tiểu học Đức La về nhà chỉ cách hơn 1 cây số, trừ những ngày mưa gió các em hoàn toàn có thể tự tới trường. Gia đình có 2 con đi học chỉ trông chờ vào vài ba sào ruộng, đối với 18.000/ngày phí bán trú của cháu có thể đủ cho cả nhà trong 1 ngày”.

Chủ trương bán trú cho học sinh và các chính sách hỗ trợ các đối tượng học sinh bán trú của chính phủ và ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực. Thấy rõ các em học sinh cũng như phụ huynh đỡ vất vả hơn trong việc đưa đón, các em có nhiều thời gian hơn tập trung cho việc học, giảm đáng kể việc học sinh bỏ học ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa... Tuy nhiên, để chủ trương này không đi lệch với tính tích cực của nó thì cần nhiều hơn nữa sự linh động của phụ huynh, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục tránh tình trạng ép học sinh bán trú một cách vô lý.

Nguyễn Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này