Thay đổi giá cước taxi

Thay đổi giá cước taxi: Không thể “chạy” theo giá xăng

10:39 | 24/09/2015
Nhiều ý kiến cho rằng, giá cước taxi hiện nay ở Việt Nam (VN) vẫn còn cao, chưa bắt kịp với sự thay đổi giá xăng dầu. Còn một số doanh nghiệp (DN) taxi cho biết, DN không thể chạy kịp giá xăng, đặc biệt là sự lên xuống thất thường với biên độ dao động hẹp như hiện nay, bởi mỗi lần điều chỉnh cần phải có lộ trình phù hợp. Vậy đâu là giải pháp?.
Sau hai lần giảm giá xăng, giá cả hàng hóa vẫn chưa hạ
Điều chỉnh giá xăng, dầu: Tăng nhảy vọt, giảm nhỏ giọt
Giá cước taxi rục rịch tăng 500 - 1.000 đ/km

Giá cước taxi đã thực sự phù hợp?

Việc giá xăng tăng thêm 620đ/lít, ngày 18/9 vừa qua, sau khi giảm giá gần 1.200đ/lít ngày 3/9, từ đầu năm đến nay giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng tổng cộng 5 lần (tăng thêm 5.660đ/lít), trong khi đó giá xăng cũng được điều chỉnh giảm giá đến 7 lần (hạ được 5.586đ/lít). Việc giá xăng dầu liên tục được điều chỉnh, khiến nhiều DN kinh doanh vận tải lo ngại phải điều chỉnh thay đổi giá theo giá xăng, bởi biên độ tăng giá xăng dầu quá ngắn, cùng những thủ tục rườm rà, gây tốn kém.

Thay đổi giá cước taxi: Không thể  “chạy” theo giá xăng
Xăng dầu tăng giảm liên tục khiến điều chính giá cước taxi gặp khó

Taxi, một trong những loại hình kinh doanh dịch vụ vận tải, đang chịu sự tác động thay đổi liên tục của giá xăng dầu. Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, hiện tại giá cước taxi trung bình ở VN vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, mặc dù giá cước mở cửa thấp hơn.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, DN luôn đảm bảo quyền lợi giữa khách hàng, DN và lái xe, sao cho giá cả phù hợp và cạnh tranh nhất. Trước thời điểm giá xăng giảm gần 1.200đ/lít ngày 3/9, một số DN đã chủ động giảm giá cước như Taxi Ba Sao, Thành Công, Vic. Gần đây nhất, hãng taxi Mai Linh đã giảm cước nhưng chỉ mới thực hiện giảm giá cước từ Hà Nội – Nội Bài. Số còn lại đã thực hiện và tính toán phương án giảm giá cước, phù hợp với sự thay đổi của giá xăng dầu. Tuy nhiên, vấn đề bất cập chính là việc giá cước taxi chưa kịp giảm, giá xăng dầu lại tăng lên, khiến DN trở tay không kịp.

Ngoài ra, ông Liên cũng cho biết, không thể cứ xăng dầu giảm 10%, thì buộc cước vận tải cũng phải giảm xuống 5% theo cam kết. Giá vận tải là theo thị trường, chúng ta nên quản lý giá theo cách khoa học, không nên quản lý theo tư duy cũ và buộc giá cước phải thay đổi theo giá xăng. Trước đây, một số DN taxi tăng cước sau khi giá xăng tăng, ngay sau đó giá xăng giảm họ cũng đã điều chỉnh giá cước. Đối với DN vẫn giữ nguyên giá cước, khi xăng dầu tăng thì không thể bắt họ giảm được, đặc biệt là biên độ tăng giá xăng quá gần nhau.

Doanh nghiệp kêu khó

Sự “đỏng đảnh” lên xuống của giá xăng dầu thời gian qua, đó là sự tác động giữa nhiều nhân tố trên thị trường, trong đó có cả yếu tố địa lý, kinh tế, chính trị… Nhiều mặt hàng, đặc biệt là giá cước taxi “lao đao” thay đổi theo giá xăng, khiến DN gặp khó. Trả lời báo LĐTĐ, ông Nguyễn Khương Duy – Giám đốc Taxi Thành Công, cho biết: “Doanh nghiệp vận tải chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì sự bất ổn của giá xăng, vừa giảm lại tăng. Vì thế, việc điều chỉnh giá cước vận tải không thể theo kịp sự thay đổi của giá xăng. Mỗi lần điều chỉnh giá cước thường mất khoảng 15 ngày, từ khâu thẩm định giá sao cho phù hợp, chuẩn bị giấy tờ, kẹp chì… Do tốn kém và mất thời gian nên điều chỉnh cũng cần phải có lộ trình”.

Theo ông Duy, vì DN có sự cạnh tranh về giá, dịch vụ chăm sóc…, nếu như doanh nghiệp không tự điều chính giá, khách hàng sẽ quay lưng. Đối với taxi Thành Công, hiện tại chưa có sự thay đổi về giá, bởi hãng đã thực hiện điều chỉnh giá xuống thêm 1.000đ/1km vào cuối tháng 8, trước khi có đợt giảm giá ngày 3/9. Hiện nay mức giá mở cửa là 6000đ/1km với những km đầu. Bên cạnh đó, việc giá xăng vừa tăng thêm 620đ/lít, chưa có tác động nhiều nên giá cước vẫn chưa có sự điều chỉnh mới.

“Không thể bắt ngành vận tải tăng giảm cước lắt nhắt. Giá cước vận tải cũng muốn ổn định, tuy nhiên, việc ổn định hay không lại phụ thuộc vào giá thành đầu vào, vào sự quản lý, giám sát của Cục Quản lý giá. Vì thế, nên quản lý phần gốc để ổn định giá xăng dầu, hơn là việc giải quyết phần ngọn (giảm giá cước) như hiện nay. Có như vậy ngành vận tải mới phát triển bền vững được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Việc giá xăng lên xuống trong khoảng thời gian quá ngắn, đã ảnh hướng rất nhiều đến tâm lý của các DN, gây tốn kém trong việc in giá vé, chỉnh đồng hồ, lợi nhuận giữa DN – lái xe – khách hàng, vì thế theo ông Duy, cũng như một số DN taxi khác, nên để giảm giá cước taxi theo lộ trình 6 – 12 tháng, còn việc buộc giá cước taxi thay đổi theo giá xăng như hiện nay là quá bất cập.

Đánh giá vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thế Sơn cho rằng, với sự thay đổi thất thường của giá xăng dầu, không thể đưa giá cước vận tải vào việc bình ổn giá như các mặt hàng khác được. Đây là loại hình cần khuyến khích phát triển, tăng đầu tư, tạo sự cạnh tranh, giá thành sẽ tự giảm. Hiện tại chúng ta chưa có được môi trường cạnh tranh cho loại hình dịch vụ này, thì nên tăng cường sự kiểm tra, giám sát tránh trường hợp DN “bắt tay” giữ giá. Bên cạnh đó, các nhà quản lý cần tăng cường nghiên cứu, khảo sát thực tế về giá cước, khấu hao, chí phí…

“Không thể bắt ngành vận tải tăng giảm cước lắt nhắt. Giá cước vận tải cũng muốn ổn định, tuy nhiên, việc ổn định hay không lại phụ thuộc vào giá thành đầu vào, vào sự quản lý, giám sát của Cục Quản lý giá. Vì thế, nên quản lý phần gốc để ổn định giá xăng dầu, hơn là việc giải quyết phần ngọn (giảm giá cước) như hiện nay. Có như vậy ngành vận tải mới phát triển bền vững được”, ông Sơn nhấn mạnh.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này