Tăng lương phải giúp tăng mức sống của NLĐ

14:13 | 11/09/2015
Hội đồng Lương quốc gia lựa chọn mức tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4% (tăng từ 250.000 - 400.000 đồng tùy theo vùng) để đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ CĐ, doanh nghiệp và người lao động. 
Chú trọng cải thiện điều kiện làm việc của NLĐ
Công đoàn Thủ đô: Nỗ lực bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho NLĐ

Dù bày tỏ tinh thần sẵn sàng chia sẻ với những khó khăn của DN đối với việc tăng lương tối thiểu, cũng như trân trọng mọi mức tăng “chỉ một đồng cũng quý”, song nhiều CNLĐ vẫn lo lắng, việc tăng lương sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thì đời sống của họ vẫn chưa thể bớt phần khó khăn.

Tăng lương phải đi cùng với kiểm soát giá

Hơn hai tháng qua, CNLĐ ở các doanh nghiệp nói chung, và nhất là CNLĐ trong các doanh nghiệp thuộc KCN và CX Hà Nội nói riêng, hồi hộp dõi theo các phiên họp thảo luận về tăng lương tối thiểu năm 2016 của Hội đồng Lương quốc gia. Lương sẽ tăng bao nhiêu và việc tăng lương có thể giúp tăng được mức sống hay không là những chủ đề được CNLĐ bàn tán sôi nổi. Khi được biết, Hội đồng Lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu năm 2016 là 12,4% (tăng 250.000-400.000 đồng tùy theo từng vùng) để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, hầu hết CNLĐ đều tỏ ra phấn khởi.

Tăng lương phải giúp  tăng mức sống của NLĐ
NLĐ lo lắng tăng lương sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng tiêu dùng

Anh Phạm Văn Thành, công nhân Sumitomo Heavy Industries Viet Nam- KCN Bắc Thăng Long, bày tỏ: “Người lao động thu nhập chỉ trông chờ vào lương nên cứ được tăng thêm đồng nào là quý đồng ấy. Hàng ngày chúng tôi phải tằn tiện từng ngàn đồng một, được thêm 400 ngàn đồng rõ ràng là có thêm một khoản”. Cũng phấn khởi khi nghe tin năm tới mức lương tối thiểu sẽ được tăng, Nguyễn Thị Hương, công nhân KCN Sài Đồng, cho biết: “Thực tế hiện nay, công ty đã trả lương cho công nhân cao hơn mức lương tối thiểu mà Chính phủ quy định. Tới đây, việc đóng bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ trên thu nhập thực tế của người lao động, nên tăng lương cũng sẽ đồng nghĩa với mức đóng BHXH của người lao động cũng được tăng lên”. Trong khi đó Nguyễn Thị Mai, công nhân KCN Vĩnh Tuy, lại đồng tình với mức tăng lương tối thiểu năm 2016 mà Hội đồng Lương quốc gia lựa chọn bởi lý do khác: “Trong bối cảnh hiện nay, mức tăng lương 12,4% là chưa thấm vào đâu, chưa thể giúp cuộc sống của CNLĐ bớt khó khăn, chật vật, song, chúng tôi cũng hiểu trách nhiệm của mình phải chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn”.

Phấn khởi vì sẽ được tăng lương, song hầu hết CNLĐ cũng không tránh khỏi sự băn khoăn lo lắng về giá cả sẽ tăng. “Khi có thông tin tăng lương là giá cả các dịch vụ, hàng hóa, nhất là giá nhà trọ, điện nước, các nhu yếu phẩm, lại đồng loạt tăng theo nên lương tăng chẳng được bao nhiêu mà chi tiêu lại tốn kém hơn nhiều”, Nguyễn Văn Thiện, công nhân KCN Bắc Thăng Long, bộc bạch. Anh Thiện đề xuất: "Cùng với quyết định tăng lương, nhà nước cần có những giải pháp kiểm soát về thị trường, nhất là giá nhà trọ, điện nước để bảo đảm mức sống của người lao động tăng lên. Tăng lương mà chi phí khác tăng thì việc tăng lương không còn giá trị đối với người lao động”.

Cải thiện mức sống toàn diện cho NLĐ

Vấn đề tăng lương kéo theo tăng giá luôn gây ra bức xúc của CNLĐ và cũng là bức xúc của chính quyền các cấp hiện nay. Lương chưa tăng thì giá đã tăng rồi, nhất là giá nhà trọ, điện nước, các mặt hàng thiết yếu với NLĐ.

Vì thế CĐ kiến nghị với nhà nước cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó, như ngành Thương mại cần bình ổn giá điện, kiểm soát giá nhà trọ cho thuê tại các khu công nghiệp để công nhân bớt khổ sau khi được tăng lương”, Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần nói.

Đánh giá về mức tăng lương tối thiểu năm 2016, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đặng Minh Thuần, thành viên Hội đồng Lương quốc gia, cho biết: Tuy chưa đạt như mục tiêu đặt ra ban đầu của Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng như kỳ vọng của NLĐ, song mức tăng này cũng có thể chấp nhận được, bởi nó vừa đảm bảo nâng mức thu nhập, nâng quyền lợi của NLĐ đồng thời cũng thể hiện sự chia sẻ với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong điều kiện còn có những khó khăn về sản xuất kinh doanh, việc làm. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần cũng thừa nhận, từ trước tới nay, việc tăng lương luôn kéo theo tăng giá các dịch vụ, mặt hàng thiết yếu.

“Vấn đề tăng lương kéo theo tăng giá luôn gây ra bức xúc của CNLĐ và cũng là bức xúc của chính quyền các cấp hiện nay. Lương chưa tăng thì giá đã tăng rồi, nhất là giá nhà trọ, điện nước, các mặt hàng thiết yếu với NLĐ. Vì thế CĐ kiến nghị với nhà nước cần tăng cường công tác quản lý để đảm bảo bình ổn giá thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ngành như ngành Thương mại cần bình ổn giá điện, kiểm soát giá nhà trọ cho thuê tại các khu công nghiệp để công nhân bớt khổ sau khi được tăng lương”, Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần nói. Là người đã trực tiếp tới nhiều khu nhà trọ để tiếp xúc, nắm bắt tình hình đời sống công nhân, Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần cũng cho rằng, ngoài vấn đề thu nhập, đời sống công nhân hiện nay còn vô vàn những khó khăn khác.

Chẳng hạn như vấn đề nhà ở, nhà trẻ, trường học cho con em công nhân, các dịch vụ công cộng, các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống công nhân vẫn còn vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn. Chính bởi vậy theo Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần, tăng lương cũng chỉ là một khía cạnh của vấn đề cải thiện đời sống của người lao động. Cùng với tăng lương, nhà nước và các cơ quan chức năng cần có những giải pháp xúc tiến, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng công cộng như trường học, nhà trẻ, đường giao thông, các cơ sở y tế, các thiết chế văn hóa, vui chơi giải trí phục vụ cho CNLĐ mới có thể thực sự cải thiện, tăng mức sống cho NLĐ.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này