Cải cách hành chính thuế: Doanh nghiệp vẫn kêu khó!

07:25 | 15/08/2015
Mặc dù ngành Thuế đang nỗ lực trong việc cải cách hành chính thuế, giảm tải những thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Thế nhưng, tại hội thảo công bố kết quả khảo sát sự hài lòng của doanh nghiệp (DN) với thủ tục hành chính thuế vừa qua, không ít doanh nghiệp vẫn kêu giời.
Khẳng định vai trò của Công đoàn trong cải cách hành chính
Cải cách hành chính khó hiệu quả nếu bộ máy cứ cồng kềnh
Bộ trưởng Thăng: Cải cách hành chính đừng sợ Nhà nước hết việc

Phải “lót tay” để không bị làm khó

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), một năm DN thực hiện đăng ký thuế một lần và thông thường mất 8 giờ chuẩn bị hồ sơ. Thời gian, kể từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được kết quả, thông thường mất 7,5 giờ. Tuy nhiên, có 20-30% DN ở một số địa phương phải mất hàng trăm giờ để hoàn thành thủ tục thuế vì gặp phiền hà. Trong đó, phiền hà lớn nhất mà DN gặp phải là các biểu mẫu hay thay đổi. Tiếp đến, cán bộ thuế yêu cầu DN cung cấp các thông tin, giấy tờ không cần thiết. Riêng DN có vốn đầu tư nước ngoài thì gặp phiền phức ở thời gian giải quyết thủ tục thuế quá dài lại không được cán bộ thuế hướng dẫn đầy đủ, tận tình thủ tục thuế. Trong 5 thủ tục thuế, thủ tục hoàn thuế khiến DN “oải” nhất khi mất tới 157 giờ/năm, riêng DN có vốn nước ngoài mất tới 182 giờ/năm. Cụ thể, đối với hoàn thuế giá trị gia tăng, có tới 26% DN được khảo sát cho biết họ không làm thủ tục hoàn thuế vì quá phức tạp.

Không những thế, công tác thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng vẫn còn chồng chéo nên doanh nghiệp luôn cảm thấy bị phiền hà vì thời gian đón tiếp các đoàn cũng ảnh hưởng đến tâm lý và hoạt động của doanh nghiệp. Thực tế, DN càng lớn thì càng bị thanh tra, qua khảo sát của VCCI, có 60% DN có doanh thu trên 50 tỷ đồng bị thanh tra, kiểm tra thuế. Dù công tác thanh tra, kiểm tra đúng thời gian và quy định, nhưng phần lớn DN cho rằng, công tác này cần phải cải thiện, tránh trùng lặp.

Cải cách hành chính thuế: Doanh nghiệp vẫn kêu khó!
Hà Nội đang nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính thuế

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, có tới 32% DN đã phải “lót tay” cho cán bộ thuế, trong đó nhiều nhất là DN có vốn nước ngoài với 41%. “25% DN cho biết nội dung thanh tra thường chồng chéo, trùng lặp và 31% DN cho biết thanh tra có xu hướng áp dụng khoản bất lợi cho họ. Báo cáo cũng cho biết, số lượng các DN lớn thường phải đón tiếp các đoàn thanh tra nhiều hơn. Do đó, đại diện đơn vị tài trợ khảo sát là Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đặt vấn đề với chúng tôi: Có phải chính vì ngại việc bị thanh tra quá nhiều nên các DN không chịu lớn lên?”, ông Tuấn nói.

Doanh nghiệp bức xúc

Phải có quy định các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của nhau

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, để không có chuyện chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra phải có quy định các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng kết quả thanh tra, kiểm tra của nhau. Khi ngành Thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế rồi thì các cơ quan khác như Kiểm toán Nhà nước có thể lấy luôn kết quả đó, chứ không thể vào làm lại từ đầu, xem hết chứng từ sổ sách của DN. Nếu làm được điều này sẽ đỡ hơn cho DN rất nhiều.

Tại hội thảo, bà Vũ Thị Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Nam Thanh (Hà Nội) cũng nêu ra vướng mắc về chính sách mà doanh nghiệp của mình gặp phải. Bà đã rất nhiều lần gửi kiến nghị bằng văn bản tới Cục Hải quan Hà Nội, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan... về việc nộp 1,3 tỷ đồng thuế GTGT cho lô máy nhập khẩu, nhưng không nhận được hồi âm. Cụ thể, năm 2011, khi nhập lô máy trị giá 13 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, doanh nghiệp phải lo 1,3 tỷ đồng nộp thuế VAT. Do đã phải cố hết sức khi nhập máy móc nên số tiền để nộp thuế VAT doanh nghiệp không biết trông vào đâu, trong khi theo bà Thanh, chỉ với các máy móc, thiết bị hiện đại như vậy thì doanh nghiệp Nam Thanh mới tồn tại được nên bà đã làm đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền để xin cho phép DN treo thuế GTGT cho các lô hàng nhập máy móc thiết bị về để sản xuất, khi máy móc đi vào hoạt động rồi thì gỡ thuế đó đi nhưng 3 năm vẫn không nhận được phản hồi từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Cũng tỏ ra búc xúc không kém, ông Trương Đình Vấn, Phó giám đốc Công ty dệt may Châu Giang (Hà Nam) cho biết, công ty mới nhận được kết luận Kiểm toán Nhà nước về kiểm tra thu chi ngân sách tỉnh Hà Nam trong hai năm 2013 và 2014 có nêu: Công ty Châu Giang chưa nộp thuế nhà thầu đối với hai lô hàng nhập khẩu máy móc, thiết bị năm 2012. Thông tin này khiến công ty Châu Giang “giật mình” vì hàng năm, Cục Thuế đều kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại công ty nhưng không phát hiện bất cứ vấn đề nào, cũng không có bất cứ nhắc nhở hay lưu ý nào về việc thực hiện nghĩa vụ thuế của DN. Sau khi thanh tra, Cục thuế Hà Nam ra quyết định truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng đối với hai lô hàng nhập khẩu nói trên nhưng không quyết định phạt chậm nộp. “ Điều này cho thấy, đội ngũ công chức ngành Thuế còn rất nhiều yếu kém về chuyên môn. Chúng tôi cần ngành Thuế phải đồng hành cùng DN, cập nhật thông tin chính sách thuế mới tới các DN chứ không phải chỉ làm mỗi việc là đi thu thuế”, ông Vấn bức xúc.

Cần tăng cường ứng dụng CNTT

Được biết, chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế (do VCCI khảo sát và vừa công bố) năm 2014 đạt 7,11 theo thang điểm 10, hay trên 71% theo thang điểm 100; 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực, trong đó thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất. Đây quả là con số thực sự ấn tượng, khẳng định sự đổi mới tích cực của ngành thuế.

Thế nhưng Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, cũng chỉ ra hàng loạt vấn đề cần tiếp tục cải cách, như hóa đơn chứng từ vẫn quá phức tạp, Việt Nam vẫn “sùng bái” hóa đơn, gây khó cho doanh nghiệp trong khi các nước đã chuyển sang quản lý theo luồng tiền… Ngành Thuế cũng cần tăng cường ứng dụng CNTT, giảm tiếp xúc giữa người nộp thuế và cán bộ thuế để giảm tiêu cực… “Tôi được biết, việc ứng dụng CNTT được Cục Thuế TP. Hà Nội đang thực hiện khá tốt. Tính đến nay có khoảng trên 92.000 doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng đạt trên 90% doanh nghiệp trên địa bàn khai thuế qua mạng, trên 95% hồ sơ người nộp thuế đã được khai thành công qua mạng, giúp giảm thiểu nhiều chi phí cho doanh nghiệp và cơ quan thuế. Các địa phương khác cũng nên phát huy hiệu quả này, giảm tải được việc lót tay của DN với cán bộ thuế”, bà Cúc nói.

Theo kết quả khảo sát mà VCCI vừa công bố, chỉ số đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp đối với cải cách thủ tục hành chính thuế năm 2014 đạt 7,11 theo thang điểm 10, hay trên 71% theo thang điểm 100; 92% doanh nghiệp cho biết, pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực, trong đó thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp được đánh giá là có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.

Trước đó, ngành Thuế cũng khẳng định, tới nay đã giảm được 420 giờ trong số 537 giờ nộp thuế, đạt và vượt mục tiêu mà Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,1 giờ trong năm 2015.

Thương Huế

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này