Giúp người lao động cải thiện cuộc sống

21:27 | 11/08/2015
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, trong những năm qua, hoạt động cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm tiếp tục được nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố, giải ngân hàng trăm ngàn tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng chục ngàn lao động. 
Tạo việc làm bền vững ở Việt Nam: Cần giải quyết những thách thức lớn
Cơ hội cho hàng ngàn lao động hồi hương
Phối hợp bảo vệ quyền lợi của người lao động

Hàng chục ngàn LĐ được vay vốn

Trước đây, gia đình anh Chu Quang Thất, công nhân đội 2, Xí nghiệp dứa Suối Hai (Ba Vì, Hà Nội) kinh tế rất khó khăn do vợ làm nông nghiệp. Đã có lúc, anh chị định bỏ quê đi tìm việc làm khác mới đủ sống. Nhưng rồi, xí nghiệp có chủ trương giao khoán đất, và trên diện tích 1ha đất được giao, vợ chồng anh đã phát triển kinh tế theo mô hình trang trại: Ngoài việc canh tác những cây trồng truyền thống của Cty như dứa, đu đủ... anh chị còn “xen canh, gối vụ” những cây khác như khoai môn, lạc cùng một số cây ăn quả và rau khác, đồng thời nuôi gà, lợn. Với số vốn được vay từ quỹ (20 triệu đồng/2 năm), anh Thất đã mua được gần 1.000 con gà giống lấy trứng, bổ sung vào đàn gà có sẵn khoảng 1.000 con. Nhờ nguồn vốn đó, thu nhập của gia đình anh đã được cải thiện đáng kể. Anh Thất chỉ là một trong số hàng chục ngàn lao động đã thoát khỏi khó khăn kinh tế, nhờ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm.

Giúp người lao động cải thiện cuộc sống
Nhiều người lao động sử dụng vốn vay để mở rộng chăn nuôi

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, tính đến ngày 15/4/2015, số vốn cho vay để giải quyết việc làm trong CNVCLĐ do Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý là 68,18 tỷ đổng. Riêng trong giai đoạn 2011 - 2015, ngân sách Trung ương bổ sung cho Quỹ Quốc gia hỗ trợ việc làm do Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý là 7,38 tỷ đồng. Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thực hiện phân cấp và giao cho 62 LĐLĐ tỉnh, thành phố quản lý nguồn vốn, chủ động trong việc triển khai lập dự án, lựa chọn đối tượng cho vay theo đúng quy định của Nhà nước và của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Các LĐLĐ tỉnh, thành phố đã chấp thuận cho vay khoảng 275.617 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho trên 42.587 người lao động. Từ nguồn vốn vay, người lao động đã tự tạo việc làm, giải quyết được thêm việc làm cho các thành viên trong gia đình đang thiếu việc hoặc chưa có việc làm; góp phần nâng cao và cải thiện đời sống cho người lao động và gia đình họ.

Cần tăng thêm mức vay

Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoạt động cho vay vốn giải quyết việc làm trong CNVCLĐ qua tổ chức CĐ được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng theo các quy định của Nhà nước và của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Trong tổng số vốn vay, số vốn dùng cho tạo việc làm trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chiếm khoảng 23%, sản xuất nông lâm, ngư nghiệp chiếm khoảng 77%.

Các dự án cho vay chủ yếu là loại hình trồng trọt và chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, chiếm tỷ lệ 91,5%. Hầu hết, các dự án đều tận dụng tối đa nguồn vốn, kết hợp với nguồn vốn tự có hoặc nguồn vốn vay khác để lồng ghép trong chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất, kinh doanh, các dự án đều phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập tăng thêm bình quân từ 300.000 – 500.000 đồng/người/hộ. Có những dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt mức bình quân thu nhập tăng thêm từ 400.000 – 800.000/người/hộ.

Nguồn thu nhập tăng thêm không chỉ giúp đoàn viên, CNVCLĐ giải quyết khó khăn trước mắt về đời sống vật chất mà còn làm gia tăng niềm tin của CNLĐ vào tổ chức CĐ, vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chương trình cho vay giải quyết việc làm, thúc đẩy các hoạt động an sinh xã hội. Nhiều địa phương thực hiện tốt công tác cho vay hỗ trợ giải quyết việc làm từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm như: Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh.

Phó chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Đặng Minh Thuần- Trưởng tiểu ban xét duyệt dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của LĐLĐ thành phố cho rằng, mức vay 20 triệu đồng/hộ hiện không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến nhiều dự án kém hiệu quả. Cần tăng mức vay lên 30 triệu đồng/hộ.

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, việc cho vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm qua kênh CĐ hiện còn một số bất cập, nhất là mức vay. Cụ thể, theo cơ chế quản lý, điều hành vốn cho vay của quỹ do Thủ tướng Chính phủ quyết định, thì mức vay tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ gia đình. Mức này ở thời điểm cách đây gần chục năm (khi ban hành quyết định, năm 2005) thì được coi là tạm ổn. Nhưng với sự trượt giá gần chục năm qua, nên mức vốn vay nói trên không “thấm tháp gì" cho đầu tư sản xuất. Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Đặng Minh Thuần- Trưởng tiểu ban xét duyệt dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm của LĐLĐ thành phố cho rằng, mức vay 20 triệu đồng/hộ hiện không còn phù hợp với thực tế, dẫn đến nhiều dự án kém hiệu quả. Cần tăng mức vay lên 30 triệu đồng/hộ.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Đặng Minh Thuần cho biết thêm, hiện số CNLĐ bị mất việc làm do DN giải thể, không có việc cũng tăng. Số vốn từ quỹ cho CNLĐ vay chỉ đáp ứng được từ 30 - 35% nhu cầu để tạo việc làm mới cho NLĐ. Do vậy, LĐLĐ TP Hà Nội đề nghị cấp bổ sung nguồn vốn vay để đáp ứng nhiều hơn nhu cầu vay vốn của NLĐ. Trong khi đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, mặc dù đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan liên quan nhưng nguồn vốn bổ sung hàng năm từ Quỹ Quốc gia hỗ trợ giải quyết việc làm cho Tổng Liên đoàn quá ít so với nhu cầu vay vốn để giải quyết việc làm và cải thiện đời sống của người lao động.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này