Thực hiện đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”

Có việc làm ổn định nhờ học nghề nấu ăn

10:14 | 11/08/2015
Chị Nguyễn Thị Thanh Tâm, sinh năm 1985, là một trong nhiều phụ nữ tổ 11, phường Phú Lương, quận Hà Đông đã có công việc làm thu nhập ổn định sau khi tham gia học lớp nấu ăn theo đề án 1956 “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.
Chung tay đào tạo nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Có giải quyết được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp?
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Mỹ Đức: Chú trọng đầu ra sau mỗi khóa học

Chị Tâm là con gái đầu trong gia đình có ba chị em. Bố chị làm nghề tự do, lúc có việc lúc không, mẹ chị tuy có công việc nhưng thu nhập thấp lại phải lo chi phí ăn học cho ba con nên cuộc sống rất khó khăn. Học chưa hết cấp ba, chị Tâm đã phải bỏ giữa chừng để giúp gia đình lo kinh tế. Chị đã loay hoay nhiều nghề như bán hàng rong, đi làm công nhân, lại cắt tóc, gội đầu và mở cửa hàng nhưng thu nhập bấp bênh, không ổn định.

Năm 2008, chị kết hôn, cuộc sống càng khó khăn hơn khi chị có thêm hai con. Vì thu nhập không có cộng với chi phí sinh hoạt, học hành của hai con nên không ít lần vợ chồng chị “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Có việc làm ổn định nhờ học nghề nấu ăn
Lớp học nghề nấu ăn theo đề án 1956

Đầu năm 2013, Hội Phụ nữ phường Phú Lương thông báo mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 với các nghề như: Nấu ăn, trang điểm, trồng cây cảnh... chị Tâm đã đăng ký lớp học nấu ăn nhằm tăng thêm hiểu biết về kiến thức nấu ăn. Sau khi tốt nghiệp khóa học, thấy mình có chút năng khiếu chị Tâm tiếp tục đăng ký học nấu ăn tại Trường Cao đẳng nghề Bách Khoa, mong muốn tìm được công việc ổn định. Ra trường chị đã xin vào làm tại nhà bếp của Trường mầm non Phú Lương 1. Hàng ngày chị và các đồng nghiệp nấu ăn cho khoảng hơn 1.000 cháu. “Công việc không quá vất vả lại có thu nhập ổn định, nhất là có nhiều thời gian chăm sóc con cái nên tôi rất yên tâm và sẽ gắn bó lâu dài với nghề nấu ăn này”, chị Tâm bộc bạch.

Bà Nguyễn Thị Thanh, tổ trưởng tổ 11, phường Phú Lương, quận Hà Đông, cho biết: Chị Tâm là một trong rất nhiều chị em ở phường có được việc làm ổn định nhờ vào đề án 1956. Nhiều trường hợp sau khi học xong khóa học 3 tháng đã tự mở công ty, thu hút nhiều chị em học cùng về làm. Số còn lại đi học tiếp chuyên ngành nấu ăn và xin đi làm ở các nhà hàng, khách sạn. “Có thể khẳng định các khóa đào tạo nghề cho lao động nông thôn do UBND quận Hà Đông phối hợp với các ban ngành tổ chức rất hiệu quả, sau mỗi khóa học có khoảng 80% học viên có được việc làm ổn định”, bà Thanh chia sẻ.

Phần khởi trước việc nhiều học viên đã có việc làm và thu nhập sau mỗi khóa học nghề, bà Nguyễn Thị Thảo, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Hà Đông, chia sẻ, đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách rất phù hợp với tình hình nông thôn mới hiện nay. Thể hiện sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. “Khi đề án đi vào thực tế đã thu hút được đông đảo người dân tham gia hưởng ứng. “Nhiều lao động có việc làm, thu nhập ổn định, chúng tôi rất phấn khởi”, bà Thảo cho biết.

Thu Trang

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này