Xung quanh đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 2016

Các bên đã tăng cường thương lượng, đối thoại

21:20 | 07/08/2015
Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), mức độ chênh lệch trong đề xuất tăng tiền lương tối thiểu (LTT) vùng giữa Tổng LĐLĐ VN và Phòng Thương mại & Công nghiệp VN (VCCI) trong cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia (tổ chức ngày 5/8) đã giảm đáng kể so với cuộc họp của những năm trước. Điều này cho thấy, hai bên đã ghi nhận quan điểm và lợi ích của nhau thông qua việc tăng cường thương lượng.
Chưa chốt được mức tăng lương tối thiểu năm 2016
Tăng lương tối thiểu năm 2016: Buồn vui lẫn lộn

Trao đổi với báo chí về các mức đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2016 khác nhau giữa Tổng LĐLĐ VN và VCCI dẫn đến kết quả cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia chưa đi đến hồi kết, ông René Robert, quyền Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam cho rằng, điều này này là bình thường. “Tổ chức Công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động thường có những đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu rất khác nhau do mỗi bên đều đang đại diện lợi ích cho các thành viên của mình. Sự khác biệt này là phổ biến tại các quốc gia khác trên thế giới”, ông René Robert nhận định.

Các bên đã tăng cường thương lượng, đối thoại
Mức chênh lệch trong đề xuất tăng LTT đã giảm đáng kể

Thậm chí, theo ông René Robert, mức đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 giữa VCCI và Tổng LĐLĐ VN năm nay đã giảm chênh lệnh đáng kể so với những năm trước đây. Cụ thể, ở phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia khi Hội đồng mới thành lập vào năm 2013, Tổng LĐLĐ VN đã đề xuất tăng LTT bình quân 29,5% cho 4 vùng, trong khi VCCI lại đề xuất mức tăng tối đa là 10% (mức chênh lệch tới 19,5%).

Còn tại phiên họp năm 2014 thì mức tăng mà Tổng LĐLĐ VN đề xuất là 22,9% cho 4 vùng, còn VCCI đề xuất từ 10-12%. Khoảng cách trung bình là 10,9 -12,9 %. Còn sau cuộc họp ngày 5/8, mức chênh lệnh trong đề xuất tăng LTT vùng của hai bên chỉ còn dao động từ dưới 10 % (khi Tổng LĐLĐ VN đề xuất mức tăng 15-16%, còn VCCI đề xuất mức tăng ban đầu khi mới bắt đầu họp là 6%, sau tăng lên 10% vào cuối phiên họp). Điều này, theo đánh giá của đại diện ILO Việt Nam là công tác thương lượng năm nay của Hội đồng đã có sự khởi đầu thuận lợi khi cả tổ chức Công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động đều thấy cần phải tăng LTT. Vấn đề còn lại là làm thế nào để đạt được sự cân bằng hợp lý quyền lợi giữa hai bên cũng như cân bằng giữa yếu tố xã hội và kinh tế là một thách thức.

Ông PGS-TS Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng: Mức LTT vùng năm 2016 thấp nhất cũng phải hơn, nếu không cũng phải ngang với năm ngoái là 12%, tăng cao nhất là 400.000 đồng/tháng cho khu vực 1 và thấp nhất là khu vực 4 thêm khoảng 250.000 đồng/tháng”.

Song đây là việc nên được thực hiện thường xuyên và căn cứ trên cả các yếu tố xã hội và kinh tế. Ví dụ, nhu cầu của người lao động và gia đình họ, chi phí sinh hoạt, khả năng chi trả của doanh nghiệp, mức năng suất lao động và mong muốn duy trì việc làm. Ông René Robert cũng ghi nhận, Hội đồng đang xây dựng một lộ trình để tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Điều này sẽ làm tăng tiền lương tối thiểu trong ngắn hạn.

Đồng thời, ILO Việt Nam cũng khuyến nghị Hội đồng Tiền lương quốc gia nên xây dựng sự đồng thuận giữa tổ chức Công đoàn và các tổ chức người sử dụng lao động, tiến hành thêm các phiên họp thương lượng để các bên có đủ thời gian dung hòa lợi ích khác biệt trên cơ sở số liệu khoa học và lập luận thuyết phục.

Trả lời câu hỏi của PV về việc, theo ILO mức đề xuất tăng tiền LTT vùng năm 2016 bao nhiêu thì hợp lý, ông René Robert cho biết: “ILO không có vai trò khuyến nghị mức tăng tiền lương tối thiểu cụ thể. Tuy nhiên, ILO hỗ trợ Hội đồng Tiền lương quốc gia xây dựng khuyến nghị trình Chính phủ về mức lương tối thiểu vùng".

Còn theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc quyết định mức LTT cần phải xem xét 3 yếu tố: CPI, tốc độ tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Theo dự báo của Quốc hội, CPI năm 2015 tăng trưởng trên 5%, năng suất lao động cũng tăng 3,7%. Để khuyến khích người lao động làm việc thì phải tăng tiền lương tối thiểu. Yếu tố tăng lương là điều kiện cần thiết để tăng năng suất lao động. Tôi cho rằng mức tăng từ 10-12% là hợp lý để đảm bảo lợi ích của cả người lao động, DN, nhà đầu tư và lợi ích của nhà nước.

Và để cho mức tăng lương tối thiểu sớm đạt được lộ trình bằng nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2018, mức tăng 16% như Tổng LĐLĐ VN đưa ra thì đời sống người lao động được cải thiện, nhưng sẽ tác động đến sự tăng trưởng của DN. Nếu tăng thấp dưới 10%, đời sống của người lao động sẽ rất khó khăn và không khuyến khích được tăng năng suất lao động.
Được biết, cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về đề xuất tăng LTT vùng năm 2016 sẽ được tái họp sau 2 tuần nữa. Nếu qua nhiều lần thương lượng, bỏ phiếu mà các bên vẫn chưa đồng thuận để có kết quả thống nhất thì Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ quyết định và quyết định này sẽ được để trình Chính phủ.

M.Hoàng – H.Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này