TH True Milk: “Nợ” dân một lời hứa?

17:09 | 30/07/2015
Mặc dù dự án trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) - Tập đoàn TH đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, song những cư dân bao đời sinh sống tại hai thôn Đông Lâm, Tân Lâm (xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An), thuộc diện phải di dời do nằm sát với trang trại bò sữa này, hàng ngày phải đối mặt với ô nhiễm vẫn mòn mỏi trông ngóng chính sách tái định cư, hỗ trợ di dời từ chính quyền và doanh nghiệp.
Công ty của bà chủ TH True Milk: Cho thuê đất vàng vô tội vạ
TH Truemilk: "Chúng tôi đã nộp thuế đầy đủ và không bị cưỡng chế hải quan"
Hiểu sữa TH True milk qua ba yếu tố: Tươi, sạch, hiện đại

Thế nhưng, theo phản ánh, các hộ dân tự nguyện di dời cũng như các hộ dân thuộc diện tái định cư cho đến thời điểm này vẫn chưa hề nhận được tiền hỗ trợ di dời từ phía Tập đoàn TH. Đứng trước quyền lợi sát sườn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình, người dân nơi đây không khỏi băn khoăn đặt dấu hỏi, liệu rằng lời hứa của người đứng đầu Tập đoàn TH - bà Thái Hương với họ bao giờ mới được thực hiện?

TH True Milk: “Nợ” dân một lời hứa?
Khu vắt sữa tại trang trại TH True Milk

Đắng lòng sống cạnh trang trại nuôi bò

Theo phản ánh của một số hộ dân tại thôn Đông Lâm, Tân Lâm nằm ngay sát Cụm 1 (gồm 3 trang trại nuôi bò sữa) của TH True Milk thì họ đang phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm từ mùi hôi thối của nước thải, phân bò, côn trùng lây bệnh từ các trang trại của TH True Milk.

Một người dân đang sống tại thôn Đông Lâm cho biết, gia đình anh thuộc diện tái định cư do ở gần và chịu ảnh hưởng nhiều từ trang trại của TH True Milk, tuy nhiên vẫn còn phải chờ. Theo người dân ở đây cho biết thì những ngày bình thường họ đã phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc cùng với bụi, bẩn từ phân bò, nước thải được vận chuyển từ xe téc chuyên dụng từ nhà máy chạy rơi rớt, vương vãi khắp các cung đường tại các địa điểm có các cụm nuôi bò sữa – nơi hiện vẫn có rất nhiều hộ dân đang sinh sống.

Tuy nhiên, đó chưa phải là nỗi khiếp sợ nhất của người dân nơi đây phải hứng chịu. Nỗi ám ảnh của cư dân sống sát các trang trại bò sữa của TH True Milk gặp phải những hôm thời tiết oi bức, nắng nóng gay gắt, gặp trận gió Đông thì dân nơi đây không dám bước ra đường. Ngồi trong nhà đóng kín cửa, bịt khẩu trang cả ngày thì chẳng khác nào sự tra tấn.

Không những vậy, nguồn nước từ các giếng nước trước đây rất sạch, có thể dùng để ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng từ khi trại bò được xây dựng phía trên, nguồn nước bơm lên thường sủi bọt, vẩn đục và có mùi tanh lợm. Người dân ở đây chỉ dùng nước giếng để tắm, giặt, còn nước dùng cho ăn uống phải đi xin ở nơi khác.

Cũng nằm trong tình cảnh bị ảnh hưởng từ trang trại bò sữa, ông Trần Văn C, xóm 1, Nghĩa Chính, Nghĩa Lâm nhà chỉ cách trang trại có vài bước chân cho biết, khu vực xung quanh đây hàng ngày phải hứng chịu mùi hôi thối từ phân bò trong các trại chăn nuôi và từ các hố xử lý chất thải của TH True Milk. Có những ngày đến bữa ăn phải ngồi trên giường bỏ màn xuống vì không đuổi được ruồi.

Được biết, gia đình ông Trần Văn C cũng nằm trong diện tái định cư, cách đây hơn 2 năm các đơn vị cũng vào kiểm đếm để phục vụ cho việc tái định cư. Tuy nhiên, việc di dân tái định cư này vẫn chưa thể triển khai được, gia đình ông vẫn dài cổ đợi đến ngày tái định cư.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có một thực tế hiển hiện ở nơi đây, bên cạnh sự hoành tráng về quy mô chăn nuôi bò sữa hiện đại tiên tiến bậc nhất thế giới được TH True Milk quảng bá rầm rộ thì vẫn còn đó những mong mỏi, kiến nghị rất thực tế của người dân địa phương này về môi trường sống, chính sách di dời, tái định cư…Và mong mỏi ấy đã kéo dài nhiều năm mà nay vẫn chưa được thực hiện, khiến cuộc sống của người dân nơi đây thấp thỏm, bấp bênh thậm chí là lo ngại.

Hẳn là những lo ngại ấy có cơ sở khi mà nhiều người dân nơi đây vẫn còn nhớ như in sự việc sáng ngày 30/9/2013, do ảnh hưởng cơn bão số 10 trời mưa to tầm tã đã khiến cho bờ đê hố chứa phân thải từ các trang trại nằm trên đồi Cù Lăng vỡ, khiến toàn bộ chất thải tuôn ào xuống Khe Cạn tràn qua ao cá, san lấp lúa, hoa màu, cây cối nhà cửa của dân gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại lớn về tài sản.

TH True Milk: “Nợ” dân một lời hứa?
Hố chứa chất thải của TH True Milk trên đồi Đông Lâm

“Lời hứa” có được thực hiện?

Đem những thắc mắc, băn khoăn của người dân nơi đây chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Thanh Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm được bà Vinh cho hay: Về vấn đề ô nhiễm đến nay khắc phục cũng nhiều, thời gian đầu nhà máy vừa làm, vừa triển khai thanh lý đất của nông trường, thiết bị chưa đảm bảo nên ô nhiễm ra trực tiếp. Sau đó người dân phản ánh nhà máy đã phần nào khắc phục, hiện tại họ có nhà máy xử lý phân và nước thải tại trang trại bò.

Trên đồi Đông Lâm, là nơi TH True Milk xử lý phân bò, theo bà Vinh, xã cũng trao đổi với TH True Milk, trước khi đưa phân bò ra họ xử lý hóa chất trong trang trại, “đó là công ty họ nói thế”- bà Vinh cho hay.

Liên quan đến việc tái định cư và hỗ trợ tiền di dời cho các hộ dân, bà Vinh cho biết: Trước đây xóm Đông Lâm, Tân Lâm, Nghĩa Chính, Cuồn Đá của Nghĩa Lâm; xóm Sơn Hạ, Sơn Trung của Nghĩa Sơn, xóm Làng Bé của xã Nghĩa Yên là 7 xóm của 3 xã nằm trong khu di dời dân cư. Sau đó một thời gian xét thấy có 2 xóm phải di chuyển toàn bộ là xóm Đông Lâm và Tân Lâm của xã Nghĩa Lâm. 2 xóm có 160 hộ dân trong đó có 25 hộ tự lo chỗ ở, và Nhà nước tạo điều kiện cho họ ra đi từ 2013. Hiện tại ở Tân Lâm, đợt 2 có 7 hộ, đợt 3 có 24 hộ làm đơn tự lo chỗ ở. Còn lại các hộ không tự lo được, chờ đi theo khu dân cư mới.

Theo Chủ tịch xã Nghĩa Lâm, bà Thái Hương có hứa mỗi hộ dân ra đi sẽ được nhận 25 triệu đồng để hỗ trợ tiền vận chuyển đến nơi ở mới nhưng hiện nay 25 hộ ra đi có đơn kiến nghị chưa được nhận…

Trước những băn khoăn, kiến nghị của người dân về việc họ chưa được nhận tiền di chuyển đến nơi ở mới, ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cũng xác nhận đến thời điểm này người dân thuộc diện tái định cư ở Nghĩa Lâm vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ 25 triệu đồng từ Tập đoàn TH True Milk.

“Tái định cư đối với các hộ tại Nghĩa Lâm mới được 25 hộ, vì xóm đó nằm thấp hơn trang trại chăn nuôi của TH True Milk khi mưa lượng nước chảy xuống, dân đề xuất tái định cư sớm, hỗ trợ 25 triệu hiện nay đối với các hộ chưa được hỗ trợ, TH True Milk trả lời trong tháng 8 sẽ giải quyết. Còn các hộ trong các diện tái định cư, huyện cũng đang đề xuất UBND tỉnh xử lý” - Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết. Về vấn đề ô nhiễm theo đánh giá khách quan của ông Lê Hồng Sơn về cơ bản vấn đề lớn đã giải quyết.

Trao đổi với phóng viên Thời báo Doanh nhân, lãnh đạo của TH True Milk cho biết để giải quyết vấn đề môi trường một cách triệt để, hiện nay Công ty đang xử lý hệ thống biogas ở cụm 2. Hệ thống này được triển khai từ năm 2014 và cố gắng hoàn thành vào năm 2016.

Trước phản ánh của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng cùng doanh nghiệp sớm giải quyết nguyện vọng chính đáng để người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Theo lời của Chủ tịch xã Nghĩa Lâm, bà Thái Hương có hứa mỗi hộ dân ra đi sẽ được nhận 25 triệu đồng để hỗ trợ tiền vận chuyển đến nơi ở mới nhưng hiện nay 25 hộ ra đi có đơn kiến nghị chưa được nhận…

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này