Đề án hỗ trợ đào tạo việc làm cho phụ nữ: Đòn bẩy phát triển kinh tế

10:35 | 30/07/2015
Nhằm phát huy hết thế mạnh và tiềm năng của lao động nữ, đảm bảo bình đẳng giới trong công cuộc CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 295/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010-2015” (đề án 295). Sau 5 năm thực hiện, đề án 295 đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động nữ ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, tạo sự phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho lao động nữ…
Khắc phục hạn chế để chính sách toàn diện
Chính sách mới với lao động dôi dư tuyển dụng trước năm 1998
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Huyện Chương Mỹ: Thiết thực, hiệu quả

Tạo cơ hội việc làm cho lao động nữ

Theo đề án 295, đối tượng được hưởng trợ cấp là lao động nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp. Các đối tượng được ưu tiên nói trên sẽ được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn với mức tối đa là 3 triệu đồng/1 người/khóa.

Luôn xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho phụ nữ, là một nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, đặc biệt sau khi đề án 295 có hiệu lực, các cấp hội phụ nữ trên cả nước, đã tạo cơ hội cho lao động nữ có thêm nhiều điều kiện học tập nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng áp dụng vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập, cải thiện đời sống…Với sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền, các cấp hội phụ nữ cả nước đã tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các hội viên thấy được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc học nghề, việc làm đối với người lao động, cũng như thấy được những chính sách ưu đãi của các đề án dành cho lao động nữ, thông qua các khóa học cụ thể như: Trồng rau an toàn, trồng lúa năng suất cao, nhân giống cây ăn quả, chăn nuôi gà lợn, cắt may, uốn tóc…

Đề án hỗ trợ đào tạo việc làm cho phụ nữ: Đòn bẩy phát triển kinh tế
Cần đa dạng đào tạo nghề để lao động nữ thích nghi với sự phát triển kinh tế, nâng cao cạnh tranh và thoát nghèo.

Theo số liệu thống kê của hội LHPN các tỉnh thành, sau 5 năm thực hiện đề án 295, hàng triệu lao động nữ trên khắp cả nước đã được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao vị thế lao động nữ trong xã hội. Tại T.P Hải Phòng, trong những năm qua đã mở được 68 lớp nghề, cấp chứng chỉ nghề cho 2.396 học viên nữ. Trong đó có 80,5% số học viên sau học nghề có việc làm, tăng thu nhập. Tỉnh Phú Thọ mở được 117 lớp dạy nghề cho gần 4.000 người, trong đó lao động nữ được đào tạo là 3.165 người. Số học viên sau đào tạo làm đúng nghề là 2.769 người, số hội viên thuộc hộ nghèo sau học nghề đã vươn lên thoát nghèo là 301 người. Tỉnh Lào Cai trong năm 2014 tổ chức học nghề cho 5.650 lao động nữ, tỷ lệ người có việc làm sau đào tạo đạt 75%.

Vẫn còn nhiều hạn chế

Ông Lã Xuân Hùng, Giám đốc TT Đào tạo và giới thiệu việc làm Song Phương (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, thực hiện đề án 295, không chỉ các cấp, các ngành, hội LHPN, mà các trung tâm đào tạo việc làm cũng rất sát sao. Hàng năm, trung tâm phối hợp với hội LHPN các cấp tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của chị em, xây dựng kế hoạch mở lớp dạy nghề tại cơ sở cho phù hợp với nhu cầu học nghề của lao động nữ, hướng đến việc đào tạo những công việc có thể làm tại nhà hoặc tại địa phương.

Theo số liệu thống kê của hội LHPN các tỉnh thành, sau 5 năm thực hiện đề án 295, hàng triệu lao động nữ trên khắp cả nước đã được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vươn lên làm giàu chính đáng, nâng cao vị thế lao động nữ trong xã hội.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số đơn vị đào tạo việc làm, bên cạnh những kết quả đạt được, việc đào tạo nghề, việc làm cho phụ nữ trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Một bộ phận lao động nữ chưa xác định được nghề để học và làm, cũng như không xác định học để có nghề và làm nghề đã học; sự nhận biết về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm ở một bộ phận còn chưa đầy đủ, vì vậy, số lượng chị em tham gia chưa nhiều. Một số chị em sau khi học nghề còn lúng túng, chưa biết lựa chọn hay áp dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn.

Đối với những nghề phi nông nghiệp, việc phối hợp tổ chức dạy nghề ở cơ sở còn ít, chưa phát huy được hết khả năng của chị em, cũng như chưa thu hút được nhiều đối tượng, thành phần tham gia. Trình độ, năng lực của lao động nữ còn hạn chế do hoàn cảnh gia đình… dẫn đến khả năng học nghề và cơ hội việc làm, phát huy tay nghề chưa cao.

Đánh giá về đề án 295, chuyên gia kinh tế T.S Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, cho rằng, các sở ban ngành, các trung tâm đào tạo việc làm cần chủ động phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm mới cho phụ nữ… Đa dạng hóa các hình thức dạy nghề cho lao động nữ tại cộng đồng phù hợp với khả năng, trình độ và đặc thù phát triển kinh tế ở địa phương, tạo cơ hội để chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình, có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế của mình trong xã hội. Có như vậy đề án 295 mới thực sự toàn diện và hiệu quả.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này