Định hướng nghề nghiệp sau tốt nghiệp THPT

Vẫn chưa hạn chế được nạn “sính bằng cấp”

05:07 | 18/07/2015
Đến hẹn lại lên, cứ vào thời điểm này hàng năm, mối quan tâm hàng đầu của các gia đình có con em vừa tốt nghiệp THPT là việc chọn trường ĐH nào để theo học chứ không phải là chọn học nghề gì cho phù hợp với năng lực bản thân. Chính vì thế, dù năm nay có đổi mới thi cử nhằm sàng lọc và phân loại chất lượng học sinh nhưng vẫn không dễ gì hạn chế được tình trạng học sinh tốt nghiệp THPT ồ ạt đăng ký vào các trường ĐH bằng mọi giá…
Giải ảo đại học
Chưa hẳn do tại chức
Có nên giấu bằng khi xin việc?
Bằng giỏi là điều kiện cần chứ chưa đủ khi xin việc
Khi bằng cấp không là yếu tố tiên quyết!

Hướng nghiệp hay tiếp thị?

Nằm trong số những trường có khối lượng học sinh lớp 12 đông nhất nhì thành phố, trường THPT Việt Đức thường xuyên tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Ông Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, rất nhiều trường ĐH trong và ngoài nước đến trường để tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho học sinh, nhà trường thường phải lựa chọn những trường ĐH có uy tín. Trong đó, những trường được học sinh quan tâm và gửi nhiều thắc mắc là ĐHQG Hà Nội, Học viên Ngoại giao, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội... “Nhà trường cũng yêu cầu các trường phải tổ chức tư vấn diện rộng về các ngành nghề, giải đáp các thắc mắc cho học sinh chứ không chỉ đơn thuần là chỉ giới thiệu về trường mình” – ông Bình cho biết.

“Từ đầu mùa tuyển sinh, ngày nào nhà trường cũng tiếp đại diện các trường ĐH đến đặt vấn đề tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Mặc dù còn phải tập trung vào các hoạt động chuyên môn nhưng vì quyền lợi của học sinh nên chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các trường ĐH để đem thông tin đến cho học sinh” – bà Bùi Thị Minh Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường THPT Trần Phú, cho biết. Những trường nhận được sự quan tâm của học sinh chủ yếu là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH RMIT, Học viện Ngoại giao, FPT... “Các trường khối xã hội cũng đăng ký tư vấn. Tuy nhiên, khảo sát của chúng tôi cho thấy, các em ít quan tâm đến những trường này, đặc biệt là khối sư phạm thì càng hiếm. Cả trường chỉ có 1, 2 học sinh có dự định đăng ký vào ngành này” – bà Nga cho hay. Còn thầy Nguyễn Đức Hải - Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy cho biết. “Xu hướng lựa chọn năm nay của học sinh lớp 12 của trường vẫn chủ yếu vào khối ngành kinh tế và một số trường đặc thù như công an, quân đội còn sư phạm thì không có học sinh nào đăng ký”.

Vẫn chưa hạn chế được nạn “sính bằng cấp”
Ảnh minh họa

Điều này cho thấy, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp ở các trường THPT những năm gần đây diễn ra rầm rộ và bước đầu có sự chuyển biến trong cách lựa chọn ngành nghề của học sinh THPT. Thế nhưng, hoạt động này chủ yếu vẫn hướng các em lựa chọn ngành học ở một trường ĐH, CĐ nào đó mà chưa thực sự quan tâm đến việc tư vấn nghề phù hợp với năng lực bản thân HS trong tương lai. Bên cạnh đó, các trường tổ chức định hướng (chủ yếu là các trường ĐH) tập trung quảng bá, tiếp thị cho các ngành đào tạo nhà trường mở chứ chưa thực sự quan tâm chọn người học phù hợp với ngành đào tạo hay dự báo cho người học về nhu cầu thị trường lao động đối với ngành nghề đó sau khi người học ra trường…

Đề xuất giải pháp cho tình trạng trên, theo GS Hoàng Tụy, hàng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) học sinh vào THPT như hiện nay, còn lại là vào trung học nghề. Cả hai loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình trường đó học sinh đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ.

Chỉ nên học ĐH khi có đủ năng lực

Đó là lời khuyên của ông Trần Duy Long - Giám đốc Công ty cổ phần Sống Bền tại một buổi tham gia tư vấn tuyển dụng cho sinh viên. Theo ông Long, hiện nay doanh nghiệp thì vất vả kiếm thợ lành nghề trong khi hàng vạn cử nhân, kỹ sư ra trường lâm vào cảnh thất nghiệp. Điều đó dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ ra trường, sau một thời gian xin việc không được, đành ngậm ngùi cất bằng để nhận các công việc phổ thông với mức lương chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Trong khi đó công nhân lành nghề ngành cơ khí, chế biến có thể đạt mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng. Tình trạng thừa thầy thiếu thợ đang ngày càng gay gắt. Việc đó không chỉ gây lãng phí tiền bạc và thời gian của người học cũng như gia đình mà còn tác động tiêu cực tới sự phát triển của xã hội. “Đã đến lúc cần thay đổi từ tư duy hình thức sang tư duy cung cầu, phù hợp với sự vận động và phát triển của xã hội. Câu hỏi “có nên học ĐH hay không?” không có câu trả lời chung cho tất cả, vì còn phụ thuộc vào năng lực, hoàn cảnh gia đình của mỗi người. Nếu thí sinh có năng lực tốt thì vẫn nên thi ĐH, còn lại thì nên học nghề để vừa học vừa làm được” – ông Long tư vấn.

Chia sẻ về câu chuyện định hướng nghề nghiệp, thầy Nguyễn Khải - Giảng viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân kể: “Tôi có một học trò khá đặc biệt. Cậu ấy thi đậu ĐH ngành tài chính kế toán. Tuy nhiên quá trình học cậu hay bỏ học, chán nản. Khi hỏi thăm, tôi được biết cậu học ngành này là do bố mẹ muốn, chứ bản thân cậu thích vẽ, thiết kế. Sau khi học hết học kỳ thứ 2, cậu quyết định ngừng học và lén đi học ngành thiết kế đồ họa của một trường trung cấp. Thỉnh thoảng gặp tôi, cậu say mê nói về các dự định cho tương lai, đó là sẽ mở một doanh nghiệp nhỏ về in ấn, thiết kế vì nhu cầu thực tế của nghề này đang rất cao. Quả nhiên, chưa đầy 2 năm sau, cậu đã làm chủ một xưởng in với mức thu nhập mà nhiều bạn trẻ bằng tuổi phải mơ ước”.

Đề xuất giải pháp cho tình trạng trên, theo GS Hoàng Tụy, hàng năm chỉ nên có một tỷ lệ nhỏ (1/5) học sinh vào THPT như hiện nay, còn lại là vào trung học nghề. Cả hai loại hình này đều học trong thời gian 3 năm. Mỗi loại hình trường đó học sinh đều có quyền được học một trình độ học vấn cao hơn THCS, đủ để có thể làm nghề hay học tiếp ĐH, CĐ. Tuy nhiên, loại hình trường trung học nghề thì nên có nhiều nghề cho học sinh lựa chọn, tốt nghiệp ra trường là đã có một nghề thực sự có thể làm việc được hoặc có thể tiếp tục học lên cao hơn tùy nhu cầu và khả năng của từng người.

Hữu Thành

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này