Xe buýt không trợ giá

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nội đô

05:39 | 19/07/2015
Ý tưởng xây dựng một số tuyến xe buýt nội đô không trợ giá của Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận. Đây là một ý tưởng có tính khả thi cao nhưng để thực hiện hiệu quả thì cần có giải pháp phù hợp.
Đề xuất Hà Nội lập tuyến xe buýt không trợ giá
Nguy hiểm vẫn rình rập ở nhiều Trạm trung chuyển xe buýt
Miễn phí xe buýt cho trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật từ 1/7

Từ nhu cầu thực tế

Hiện tại, xe buýt tại Hà Nội đang tồn tại hai loại hình, gồm tuyến xe buýt nội đô và tuyến xe buýt liên tỉnh, liên huyện. Nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng để giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân, hàng năm TP trích một phần ngân sách dành để trợ giá cho các tuyến buýt nội đô. Riêng xe liên tuyến, liên huyện thì không được trợ giá, nhưng DN được xây dựng giá cước kinh doanh. Tuy nhiên, có một thực tế, tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá của Hà Nội đều đang thực hiện quy định cấm mang theo hành lý lớn, hàng hóa lên xe. Quy định này gây khó khăn không nhỏ cho nhiều hành khách, nhất là học sinh, sinh viên, người lao động ở tỉnh xa hoặc các vùng ngoại thành, những đối tượng cần được hỗ trợ nhất. Bởi lẽ xuất phát từ thực tế cuộc sống cũng như thói quen, rất đông hành khách từ ngoại thành, tỉnh xa về Hà Nội luôn lỉnh kỉnh bên mình những va li, túi xách, thậm chí là bao tải, thùng hòm… đựng đồ.

Có mặt tại bến xe Mỹ Đình sáng 15/7, theo quan sát của PV, có đến quá nửa số hành khách tại các tuyến liên tỉnh, liên huyện đều mang theo hành lý cồng kềnh. Sinh viên Vũ Thanh Tùng (đại học Bách Khoa, Hà Nội) cho biết, nhà Tùng ở Phú Thọ, đi gần 200 cây số chỉ hết hơn 100.000 đồng, nhưng do mang theo quà quê, gạo, rau, hoa quả… nên em lại phải mất thêm 100.000 đồng nữa để đi taxi hay xe ôm về phòng trọ, trong khi nếu đi xe buýt thì chỉ mất có 7.000 đồng. Hôm nay em cố lách lên xe buýt với hy vọng sẽ gặp “may” nhưng phụ xe buýt đã yêu cầu xuống xe vì các bao tải quà”, Tùng chia sẻ.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải nội đô
Hành khách mang hành lý cồng kềnh sẽ vẫn được lên xe buýt

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, mới đây, Sở GTVT và Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài đã tổ chức thêm 3 tuyến xe buýt “cho phép” hành khách mang theo hành lý, hàng hóa mà không trợ giá nhằm mục đích phục vụ tốt hơn nhu cầu của hành khách đi máy bay khi đáp xuống sân bay, với hành lý cồng kềnh thay vì di chuyển bằng taxi. Vì vậy, hành khách có thể tiết kiệm chi phí khi lựa chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển vào nội đô. Các tuyến buýt này có cùng lộ trình, điểm đón, trả khách cố định với các tuyến buýt cũ, vừa không gây phát sinh chi phí, vừa tạo thuận lợi cho hành khách.

Có nên đa dạng hóa dịch vụ

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết, ý tưởng xây dựng một số tuyến xe buýt nội đô không trợ giá của HHVT TP Hà Nội hướng tới 2 mục đích chính, đầu tiên là giảm bớt gánh nặng ngân sách trợ giá cho xe buýt của TP, sau đó là đáp ứng nhu cầu đi lại của một bộ phận lớn hành khách mang theo hành lý cồng kềnh.

Mới đây, nhằm khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt như khuyến khích đầu tư phương tiện; hỗ trợ hoạt động khai thác vận tải; trợ giá cho người sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng... (Chính sách sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7).

Thực tế, nhiều năm trở lại đây, Hà Nội đều phải dành một khoản ngân sách không nhỏ để bù lỗ cho các hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt. Tại bản kiến nghị với UBND thành phố về cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2015, số tiền ngân sách được Sở GTVT đề xuất thành phố phê duyệt trợ giá xe buýt năm 2015 là 1.389 tỷ đồng (tăng so với năm 2014 gần 400 tỷ), trong đó hơn 1.000 tỷ đồng là chi cho các tuyến trợ giá. Xuất phát từ nguyên nhân nói trên, kết hợp cùng với những thành công từ công tác xã hội hóa bến xe, nhiều chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng nên nghiên cứu xã hội hóa dịch vụ vận tải hành khách công cộng và đa dạng hóa hình thức phục vụ.

Trao đổi với PV báo LĐTĐ về lý do đưa ra ý tưởng đề xuất thực hiện xe buýt nội đô không cần trợ giá, mà vẫn có thể phục vụ được các hành khách mang theo hành lý cồng kềnh, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, cho biết, ý tưởng xây dựng một số tuyến xe buýt nội đô không trợ giá của HHVT TP Hà Nội hướng tới 2 mục đích chính, đầu tiên là giảm bớt gánh nặng ngân sách trợ giá cho xe buýt của TP, sau đó là đáp ứng nhu cầu đi lại của một bộ phận hành khách mang theo hành lý cồng kềnh. Các tuyến buýt này không đề nghị trợ giá, chỉ xin có các cơ chế, quy định đặc thù để hỗ trợ, như được vay vốn ưu đãi, được sử dụng hạ tầng xe buýt hiện có của TP… “Sau khi được phép, HHVT sẽ tiến hành khảo sát, xây dựng đề án trình Sở GTVT, UBND TP Hà Nội xem xét thí điểm tại một số tuyến. Chúng tôi tin rằng, loại hình xe buýt này ra đời sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho TP, đáp ứng sự mong mỏi của người dân”, ông Liên cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, ý tưởng này cơ bản nhận được sự đồng thuận của cả Bộ GTVT và Sở GTVT, tuy nhiên từ ý tưởng, đến xây dựng đề án, triển khai và đi vào hoạt động còn cần nhiều thời gian cũng như giải pháp điều chỉnh cho phù hợp. Hy vọng, đề xuất này sẽ đem lại thêm nhiều lựa chọn cho hành khách cũng như góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách nội đô.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này