Xây dựng sân chơi cho trẻ em: Có cần tiền tỷ?

09:47 | 10/07/2015
 Với dân số đã vượt ngưỡng 7,2 triệu người, TP Hà Nội đang chịu nhiều áp lực về hạ tầng đô thị, nổi bật là tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ. Câu chuyện về sân chơi dành cho trẻ đã làm nóng nghị trường HĐND thành phố trong những ngày qua.
Sân chơi bổ ích cho người lao động
Sân chơi bổ ích của học sinh, sinh viên trường nghề

Chờ giải pháp

Theo báo cáo của Sở Quy hoạch Kiến trúc, hiện trên toàn thành phố Hà Nội có khoảng 200 điểm vườn hoa, sân chơi công cộng. Trong đó, 4 quận nội đô chỉ có 29 điểm vườn hoa, khu vui chơi công cộng (chưa kể các điểm sinh hoạt cộng đồng và sân chơi tại các khu chung cư, khu tập thể cũ), do đó chưa đáp ứng đủ nhu cầu về số lượng, chất lượng. Lý do là vì khu vực nội đô có số lượng dân cư đông, mật độ xây dựng cao, thiếu quỹ đất, bên cạnh đó, nhiều nơi vốn đã quá tải, chưa được bổ sung thì lại bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích. Điển hình như các khu tập thể cũ Kim Liên, Trung Tự (quận Đống Đa), khu tập thể Thanh Xuân (quận Thanh Xuân), khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), tập thể ở Đội Cấn (quận Ba Đình)…

Đáng lưu ý, hệ thống sân chơi cho trẻ em được xây dựng từ nhiều năm trước đây chất lượng xuống cấp và thiếu hấp dẫn. Trang thiết bị tại các khu vui chơi (sân chơi, vườn hoa) cho trẻ em chất lượng kém, lạc hậu, thiếu hấp dẫn, đặc biệt là khu vực các quận nội đô, khu đô thị cũ. Ngoài ra, tại các khu đô thị mới, chủ đầu tư chưa quan tâm tới việc xây khu vui chơi chung cho trẻ em.

Xây dựng sân chơi cho trẻ em: Có cần tiền tỷ?
Để hút khách, nhiều chủ cho thuê đồ chơi còn thiết kế đường trượt cho trẻ thử thách.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, UBND Thành phố đã có các chủ trương ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng thiết chế văn hóa từ năm 2011. Trong giai đoạn tới, thành phố sẽ ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học, nhà văn hóa ở các tổ dân cư, đất để xây dựng sân chơi, vườn hoa, kể cả sân chơi nhỏ. Đến thời điểm hiện tại, UBND Thành phố đã phê duyệt chấp thuận địa điểm, chấp thuận đề xuất dự án hoặc phê duyệt chủ trương đầu tư cho 26 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, khu vui chơi thể thao với diện tích khoảng 21,47 ha, tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng. Các dự án đang trong quá trình triển khai thực hiện, nhưng nhìn chung chậm so với tiến độ được phê duyệt. “Trước mắt, trong quý III, IV/2015, các sở, ngành của Thành phố sẽ tập trung triển khai và hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, quy chế và các văn bản hướng dẫn đồng bộ để khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực này; phê duyệt danh mục, công bố kêu gọi đầu tư”, ông Hùng cho biết.

Không khó, nếu quyết làm

Trong khi các cấp chính quyền thành phố vẫn loay hoay với những đề án quy hoạch tiền tỷ nhằm xây dựng sân chơi dành cho trẻ, thì chỉ với những khoản đầu tư nhỏ như xe đạp, xích lô mini, giầy trượt patin, ô tô điện... mỗi ngày những người cho thuê đồ chơi xung quanh khu vực công viên, vườn hoa có thể dễ dàng kiếm tiền triệu. Câu hỏi đặt ra là có nhất thiết phải đợi các đầu tư tiền tỷ, hay thay vào đó là tìm những giải pháp giản đơn hơn nhưng thiết thực và để sớm mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ?

Theo tìm hiểu của PV, gần đây ở các khu vực công cộng trên địa bàn TP nở rộ mô hình cho thuê đồ giải trí, thu hút nhiều em nhỏ và các bạn trẻ tham gia. Ở Công viên Cầu Giấy, Công viên Nghĩa Tân, vườn hoa Lý Thái Tổ, tượng đài Lê Nin, trước sảnh các TTTM và nhiều khu đô thị xuất hiện các gian hàng dạng này. Chị Thanh, một chủ cho thuê đồ chơi tại vườn hoa Lý Thái Tổ, bật mí: Giầy trượt patin là đắt khách nhất và ở hầu hết các địa điểm vui chơi đều có. Giá thuê 1 đôi giầy trượt là 30 ngàn đồng mà không giới hạn thời gian trượt. Và để kinh doanh dịch vụ này, cần đầu tư khoảng 30 đôi. “Vốn đầu tư nhiều nhất là ô tô điện và xe máy điện, các loại đồ chơi này thường có giá trên 1 triệu, thậm chí lên đến 2 triệu đồng/chiếc, nếu làm dịch vụ thì mỗi người cũng phải đầu tư ít nhất 10 chiếc xe, như vậy vốn đầu tư vào khoảng hơn chục triệu đồng”, chị Thanh cho biết.

Tại những điểm vui chơi này, để hút khách, nhiều chủ cho thuê đồ chơi còn thiết kế đường trượt cho trẻ thử thách. Theo tính toán, mỗi buổi tối, chỉ cần vài chục người thuê là đã kiếm tiền triệu, riêng những ngày cuối tuần có thể lên đến 2 triệu đồng. Điều đáng nói, loại hình vui chơi này không những nhận được sự yêu thích của các em nhỏ, mà còn được nhiều phụ huynh đồng tình. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Mai Chi (43 Lý Thường Kiệt) cho biết, giá của các loại đồ chơi cũng không quá đắt, tuy nhiên trẻ thường vui chơi được một thời gian ngắn rồi sẽ chán ngay, nên việc bỏ 30 ngàn đồng thuê cho các cháu vừa tiết kiệm lại vừa có khoảng không gian rộng rãi để chơi, khiến chúng thích thú hơn.

Được biết, để cổ vũ phong trào xây dựng sân chơi lành mạnh cho trẻ, từ những vật dụng tái chế, một nhóm kiến trúc sư đã tình nguyện xây dựng nhiều sân chơi cho trẻ được “hồi sinh”. Những ý tưởng mới lạ, hay đơn giản chỉ là một đống rơm vàng giữa phố đều đã tạo nên sức hút với các em. Từ những ví dụ này, rõ ràng việc xây dựng một sân chơi là không quá khó, cái khó là làm thế nào vừa hài hòa được lợi ích cộng đồng với quy hoạch đô thị, điều này rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc.

Tuấn Trần

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này