Chung cư 96A Định Công, quận Thanh Xuân

Hơn 8 năm người dân phải… tự lo

09:02 | 09/07/2015
Tại chung cư 96A Định Công, quận Thanh Xuân, gần 8 năm qua, người dân vẫn không được hồi đáp những vướng mắc của mình và họ cứ phải…tự lo
Nhà ở giá rẻ xuống cấp: Xác định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư
Chung cư dưới 2ha không phải lập qui hoạch xây dựng

Lo mọi thứ cho tới… sinh mạng

Công ty cổ phần Mộc và Xây dựng Hà Nội (gọi tắt là Cty Mộc) là chủ đầu tư của chung cư này. Hơn 8 năm qua, sau khi bàn giao nhà cho người dân, Cty Mộc không những không làm trọn bổn phận, trách nhiệm của mình mà còn cố ý gây ra những khó khăn cho người dân. Không như ở các chung cư khác, ngay cả diện tích để xe, tầng hầm, sàn tầng 1, tầng lửng và tầng 2 cũng bị Cty thâu tóm. Ngày 24-12-2014, Cty Mộc ra Thông báo số 205 /TB, cho biết, Cty đã chuyển nhượng các phần diện tích nói trên cho Cty cổ phần Phát triển và Đầu tư xây dựng hạ tầng Việt Nam.

Đến giờ, phía đơn vị mới đã sử dụng phần chuyển nhượng để cho các công ty khác thuê lại, chiếm dụng cả lối đi vào căn hộ chung cư. Do lực lượng bảo vệ mỏng nên không kiểm soát được người lạ vào chung cư, thậm chí đã có không ít vụ xô xát xẩy ra giữa khách hàng với nhân viên của một công ty đang thuê lại mặt bằng. Bởi thế, không gian sinh hoạt chung của hàng trăm người lớn và trẻ nhỏ rất khiêm tốn, trời oi nóng nhưng quanh đây gió trời cũng chỉ thoảng qua bởi nó đã bị một loạt công trình xây dựng chặn lại. Rồi việc, một chung cư mà người dân phải sở hữu tới hai loại sổ đỏ, một sổ ban đầu và một sổ điều chỉnh cũng đang khiến người dân bất an...

Hơn 8 năm  người dân phải… tự lo
Người dân phải họp tại hành lang.

Tuy nhiên, đấy chưa phải là nỗi lo lớn nhất. Hiện tại, cuộc sống của người dân ở chung cư đang bị đè nặng bởi việc thang máy liên tục bị hỏng và…rơi tự do. Chị Phương, sống tại phòng F11 hai lần cùng các con đi thang máy phải thót tim hứng chịu cảnh thang rơi tự do từ tầng 11 xuống tầng 5. Ngòai ra, hệ thống báo cháy của tòa nhà không có thiết bị báo khói khi có sự cố…

Người dân không được trả lời

Những bức xúc trên thường xuyên được người dân gửi tới Cty Mộc. Nhưng câu trả lời “có cũng như không”. Trong cuộc họp ngày 29/6, ông Khải, người chịu trách nhiệm về kỹ thuật, quản lý vận hành tòa nhà được Cty đã phát biểu hé lộ một sự thật khiến người dân tham dự cuộc họp thất vọng. Theo lời ông Khải, phía Cty đã cắt giảm tối đa nhân sự, trước là 4 người, nay chỉ còn 1. Tổ kỹ thuật có 6 người, nay giảm còn 3. Tiền lương cho mỗi người chia bình quân chỉ hơn 2 triệu/người/tháng nên đây cũng là lý do vì sao tòa nhà luôn nhếch nhác, bộ phận trực kỹ thuật lẫn bảo vệ luôn vắng bóng. Về trách nhiệm trước sự cố thang máy, ông Khải thoái thác rằng, phía Cty đã có hợp đồng với một công ty chuyên sửa chữa bảo dưỡng thang máy nên mọi trách nhiệm thuộc đơn vị này. Phía Cty chỉ lo vận hành và cứu hộ…

Điều 11 của Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng cũng như Điều 8 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành năm 2013 quy định: “ Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị” và từ đó ban quản trị sẽ quản lý vận hành nhà chung cư. Nhưng đã qua 8 năm hoạt động chủ đầu tư đã nhiều lần không hợp tác để tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị.

Bà Lê Thị Minh Châu, đại diện cho các hộ dân chung cư 96A liệt kê một loạt việc làm mà bà và các hộ dân cho rằng Cty CP Mộc đang vi phạm pháp luật. Chẳng hạn, đơn vị này không tuân thủ quy hoạch tổng mặt bằng như Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố Hà Nội phê duyệt; Chiếm dụng trái phép trên 500m2 phần đất cảnh quan công cộng thuộc đầu hồi tòa nhà B và sân chung của 2 tòa nhà để xây nhà 4 - 5 tầng làm trụ sở và kinh doanh. Phá dỡ các bậc thang, thay đổi các lối ra vào của tòa nhà. Mặt khác, chủ đầu tư cũng không tuân thủ nghiêm túc “Giấy phép xây dựng” số 427/GPXD ngày 14-11-2003 do Sở Xây dựng cấp như: Không xây bồn hoa trồng cây xanh mà thay bằng các không gian ngăn che cho thuê kinh doanh trông giữ xe, các trạm ATM ngân hàng ... cản trở giao thông dành cho xe cứu hỏa; Chiếm dụng, thay đổi nhiều chức năng không gian kiến trúc ở sảnh tầng 1; Bỏ 02 cầu thang bộ xuống tầng hầm, ngăn chia lại giao thông; Chiếm nhiều diện tích (~100m2) làm văn phòng, phòng kỹ thuật, cho thuê kinh doanh, thu nhỏ không gian đại sảnh chung của căn hộ; Bỏ phòng thu rác; Chiếm dụng, thay đổi không gian kiến trúc ở tầng lửng và tầng 2; Thay đổi chức năng các phòng kỹ thuật tầng 19 tòa nhà thành 04 căn hộ; Xây thêm 01 tầng trên mái để sử dụng riêng làm hội trường (tầng 20)…

Điều 11 của Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng cũng như Điều 8 của Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành năm 2013 quy định: “Trong thời hạn không quá 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư được đưa vào khai thác, sử dụng, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị” và từ đó ban quản trị sẽ quản lý vận hành nhà chung cư. Nhưng đã qua 8 năm hoạt động chủ đầu tư đã nhiều lần không hợp tác để tổ chức hội nghị nhà chung cư bầu ban quản trị.

Mỏi mắt chờ các cơ quan chức năng

Đến giờ, bất chấp chỉ đạo của chính quyền mọi chuyện vẫn không được giải quyết. Đến thang máy hỏng đe dọa từng giây, từng phút đến tính mạng người dân còn bị chủ đầu tư câu giờ thì những vấn đề khác không có hồi đáp cũng chẳng có gì khó hiểu. Còn nhớ, vào thời điểm năm 2012, khi làm việc với báo chí, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc, đã hướng dẫn: Người dân thoát hiểm bằng cách, khi có hỏa hoạn, người dân sau khi chạy từ tầng trên xuống đến tầng 3 thì… chạy ngược vào cầu thang bộ trong tòa nhà để xuống tầng một”. Không lẽ, mọi sự lại được giải quyết cũng theo cách này. Người dân ở đây đang từng ngày, từng giờ chờ các cơ quan chức năng lên tiếng!

Hồ Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này