Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX

Người thợ cả đam mê sáng tạo

06:30 | 04/07/2015
LTS: Nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân Anh hùng lao động, Chiến sĩ thi đua, các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của tổ chức CĐ, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước trong CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX vào các ngày 4-5/7/2015 tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô. Tại đại hội, sẽ có 486 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua do tổ chức CĐ phát động gồm 103 tập thể, 383 cá nhân được tôn vinh. Trong đó, đoàn đại biểu LĐLĐ thành phố Hà Nội tham gia đại hội có 3 tập thể, 12 cá nhân. Báo Lao động Thủ đô giới thiệu một trong số các tấm gương cá nhân điển hình của đoàn đại biểu LĐLĐ thành phố Hà Nội tham gia đại hội. 
Bác sĩ sản khoa yêu nghề
Tạo nguồn cán bộ chất lượng cho CĐCS
Tôn vinh 486 điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ
HN biểu dương “Điển hình tiên tiến”, “Công nhân giỏi” Quận Thanh Xuân
Những gương mặt Điển hình tiên tiến và Công nhân giỏi Thủ đô 2015
Vinh danh 1.200 “người tốt việc tốt”

55 tuổi, hơn 30 năm làm thợ, song niềm đam mê nghề nghiệp và nhiệt huyết sáng tạo của anh Nguyễn Đức Cường, Tổ trưởng tổ Thiết bị, phân xưởng Thiết bị Công nghệ, Cty TNHH MTV Điện cơ Thống Nhất, chưa bao giờ phai nhạt. Nhắc đến anh, từ những người thợ trẻ đến lãnh đạo trong công ty đều quý mến sự nhanh nhẹn, hoạt bát, trách nhiệm trong công việc và đặc biệt bởi những sáng kiến, sáng tạo đem lại lợi ích không nhỏ cho tập thể.

Người thợ cả đam mê sáng tạo
Người thợ cả Nguyễn Đức Cường

Công ty TNHH điện cơ Thống Nhất chuyên sản xuất cơ khí, điện, các chi tiết bán sản phẩm liên quan đến công nghệ đột, đúc, gia công cơ khí, ép nhựa, sơn tĩnh điện, lắp ráp... Công ty có tới 500 máy móc, thiết bị, trong đó nhiều thiết bị đòi hỏi độ chính xác cao, giá trị 4 - 5 tỉ đồng/chiếc. Các thiết bị phải vận hành liên tục nên cần được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ. Ngoài các thiết bị nhập khẩu, Công ty còn tự chế các thiết bị phục vụ sản xuất. Do vậy rất cần đội ngũ có kỹ thuật, trình độ chuyên môn cao.

Ý thức được điều này nên ngay từ khi mới vào làm việc tại công ty (năm 1977) cho đến nay, khi đã là thợ sửa máy công cụ bậc 6/7, anh Cường không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ tay nghề. Anh thường tìm mua và nghiên cứu các loại sách kỹ thuật, kết hợp trau dồi tay nghề trong thực tiễn, từ đó có thể tiếp cận với công nghệ sản xuất mới, thiết bị máy móc hiện đại đáp ứng tốt nhu cầu đổi mới công nghệ. Cũng từ ý thức với công ty và niềm đam mê nghề nghiệp ấy, anh Cường đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Cty.

Với sự phấn đấu không ngừng nghỉ, người thợ cả Nguyễn Đức Cường nhiều năm liền được vinh danh "Người tốt việc tốt" cấp thành phố, liên tục được UBND TP.Hà Nội tặng bằng “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô” (2010, 2012), LĐLĐ TP.Hà Nội công nhận “Công nhân giỏi Thủ đô” (2011, 2012, 2014), danh hiệu “Điển hình tiên tiến trong CNVCLĐ Thủ đô” (2015), giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh của Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2013. Tại Đại hội Thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX này, anh được Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

Cụ thể, từ năm 2010-2015, trong điều kiện Cty khó khăn về vật tư do nhiều thiết bị cũ, không có phụ tùng thay thế, anh Cường chủ động và chỉ đạo các thành viên trong tổ tự nghiên cứu các phương án đại tu, thực hiện sửa chữa nhiều thiết bị hỏng nặng như: Hệ thống điều khiển thủy lực máy mài vô tâm, máy ép nhựa TTI-350, máy đúc áp lực, máy đột cao tốc, máy nén khí… đạt hiệu quả cao. Rồi sáng kiến cải tạo lại hệ thống thủy lực của máy ép 135T đã rút ngắn thời gian máy chạy không tải và tăng được lực ép, không có sản phẩm sai hỏng phù hợp với công nghệ dập vuốt của công ty để gia công bầu quạt công nghiệp 650/670. Một sáng kiến khác có giá trị của anh Cường và anh em trong tổ là tự chế máy ép thủy lực tự động 20 tấn, thay vì phải nhập máy ép của nước ngoài. Đây là sáng kiến làm lợi lớn, bởi chi phí để làm ra 1 máy tự chế của anh Cường và anh em trong tổ chỉ 25 triệu đồng, trong khi giá mua từ nước ngoài là 200 triệu đồng.

Giỏi nghề và không chỉ phấn đấu cho bản thân, anh Nguyễn Đức Cường còn rất tâm huyết với những lao động trẻ. Ở tổ sửa chữa thiết bị có nhiều lao động trẻ học vấn cao nhưng kinh nghiệm chưa nhiều. Anh luôn sẵn sàng giúp đỡ khi họ cần. Tôn trọng, khâm phục tay nghề và khả năng sáng tạo của người tổ phó này, những người thợ trẻ làm việc cùng tổ đã trân trọng gọi anh bằng hai tiếng “Thầy Cường”. Bằng tình cảm đồng nghiệp, sự tận tâm và tôn trọng lẫn nhau, anh và các thành viên của tổ đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Nhờ vậy, tổ sửa chữa thiết bị đã quản lý, khai thác hiệu quả khoảng 600 đầu máy, thiết bị, giúp công ty đạt lợi nhuận. Ngoài ra, anh Cường luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua do CĐ Cty phát động.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này