Phát triển nông nghiệp cần quy trình sản xuất mới

06:46 | 27/06/2015
Nền nông nghiệp nước ta đang bị đe dọa bởi đô thị hóa, ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong khi dân số đang tăng nhanh.Việc tìm ra phương thức sản xuất mới, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sinh kế cho nông dân vừa phải giảm thiểu sự lãng phí lương thực, giảm thiểu sự tác động của môi trường là vấn đề bức thiết.
Nới rộng chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn
Muốn thành cường quốc nông nghiệp dân phải giàu được bằng nghề

“Đơn độc” sản xuất

Khi nhu cầu trên thế giới có xu hướng gia tăng thì các mặt hàng nông sản ngày càng có tầm quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, dù có nhiều tiềm năng nhưng việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các nước liên quan còn đứt đoạn. Đây là nguyên nhân của thực trạng về một nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa có sức hút để kêu gọi đầu tư.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nhìn chung còn nhỏ lẻ, chất lượng không đồng đều, sản xuất không theo quy hoạch; công tác mùa vụ sản xuất không tập trung, dễ nảy sinh tình trạng nguồn cung thay đổi nên khủng hoảng thừa nông sản. Mối liên hệ giữa sản xuất và tiêu thụ rau củ quả chưa được hình thành. Tình trạng được mùa mất giá chưa được khắc phục và tồn đọng hàng hóa lớn vẫn thường xuyên diễn ra hằng năm (dưa hấu, hành tím…). Cũng theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, chế biến và bảo quản sau thu hoạch rau quả của Việt Nam chủ yếu làm thủ công, công nghệ bảo quản yếu, tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch lên đến 30%. Chi phí lưu thông sản phẩm quá cao.

Phát triển nông nghiệp cần quy trình sản xuất mới
Trái cây và nông sản là thế mạnh của nền nông nghiệp Việt Nam

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp có sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là rau quả xuất khẩu đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là những khâu trung gian. Do yếu khâu bảo quản, sơ chế sau thu hoạch khiến chất lượng sản phẩm giảm đi dẫn đến bị động trong việc tiêu thụ. Ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, sản phẩm nho, táo... của tỉnh khi vận chuyển ra đến Hà Nội, qua nhiều công đoạn và bảo quản đã tăng giá lên 70.000 - 80.000 đồng/kg, gấp 3 – 4 lần mức giá tại địa phương khiến người tiêu dùng khó chấp nhận.

Còn theo phản ánh của DN, cước phí vận chuyển nội địa và xuất khẩu, cũng như chi phí bảo quản đối với các sản phẩm nông nghiệp khá cao, chiếm trên 60% giá thành sản phẩm. Ví như, cước hàng không Việt Nam đối với mỗi kg rau quả từ TP Hồ Chí Minh đi Dubai khoảng 3 USD, trong khi giá của hãng hàng không Ermirates xuất phát từ Bangkok hay Jarkarta đi Dubai chỉ 1,5 USD/kg. Điều này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của rau quả đặc sản Việt Nam.

Đại diện một doanh nghiệp của tỉnh Cần Thơ cho biết: “Thực tế, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở Việt Nam ở mức 25%. Do công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp trong nước còn manh mún, rất cần đến sự hợp tác, đầu tư của các doanh nghiệp nông sản nước ngoài tiềm năng”.

Cần cách mạng trong phương thức sản xuất

Theo ông Lê Văn Ánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các khâu trung gian vẫn chưa làm tốt dẫn đến sản phẩm nông sản chưa có sức thuyết phục đối với thị trường quốc tế. Rau quả rất cần bảo quản nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng như kho lạnh, kho mát để giữ hàng hóa được lâu trong quá trình chờ thông quan vẫn chưa được chú trọng.

Từ những khó khăn vướng mắc trên, việc tìm ra một phương thức sản xuất mang lại hiệu quả cao và phù hợp với hoàn cảnh thực tế là vấn đề cấp thiết. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nền nông nghiệp nước ta đang bị đe dọa bởi đô thị hóa, ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu trong khi dân số đang tăng nhanh. Bởi vậy, Việt Nam cần phải có sự thay đổi mang tính cách mạng trong sản xuất, canh tác nông nghiệp.

“Cần tìm ra những phương thức sản xuất mới, vừa nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, sinh kế cho nông dân vừa phải giảm thiểu sự lãng phí lương thực, giảm thiểu sự tác động của môi trường từ nông nghiệp,” ông Lộc nhận xét.

Trên thực tế, ngành nông nghiệp Việt Nam đã từng diễn ra sự chuyển đổi phương pháp sản xuất mang lại kết quả đáng ghi nhận. Trong khuôn khổ buổi tọa đàm “Kinh doanh có trách nhiệm đối với lương thực và nông nghiệp” mới đây, Ông Juan Farinati, Phó chủ tịch Monsanto khu vực châu Á Thái Bình Dương nhận định: “Tại Việt Nam, năm 2013 – 2014, chương trình hợp tác chuyển đổi đất trồng lúa sang canh tác ngô đã giúp hơn 8.000 nông dân đồng bằng sông Cửu Long tăng thu nhập thêm hơn 1 triệu USD nhờ hạt giống năng suất cao, chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến và liên kết thị trường.”

Còn theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, hiện Việt Nam đã triển khai mô hình đối tác công tư trên nhiều ngành hàng. Mô hình đối tác công tư thực hiện trên cà phê đã chứng minh được hiệu quả như: Tăng năng suất sản phẩm, thu nhập người nông dân tăng 14%, tiết kiệm 30% lượng nước, giảm phát thải tới 63%.

Cũng theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mô hình đối tác công tư đang được đẩy mạnh nhân rộng và dự kiến đến năm 2017 sẽ có 500.000 nông dân tham gia vào các dự án hợp tác công tư. Trong thời gian qua, các nhóm công tác đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất theo quy trình mới, nâng cao chất lượng hàng nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo chuỗi giá trị gia tăng và đặc biệt giúp tăng thêm thu nhập cho nông dân, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững.

Tuệ Liên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này