Phòng bệnh viêm não Nhật Bản là giải pháp tối ưu

09:39 | 25/06/2015
Tại các cơ sở khám chữa bệnh số lượng bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản đến khám và điều trị đang gia tăng. Đáng lo ngại hầu hết bệnh nhi đến khám trong tình trạng bệnh đã nặng khó tránh di chứng. 
4 bệnh nhi viêm não Nhật Bản nguy kịch
Nhận diện sớm bệnh viêm màng não và viêm não
Nắng nóng bất thường: Dễ nhầm lẫn viêm não với các bệnh khác

Cần sớm phát hiện bệnh

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 136 trường hợp mắc viêm não vi-rút, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Tại Bệnh viện Nhi trung ương, theo ThS.BS. Nguyễn Văn Lâm – trưởng khoa Truyền nhiễm, từ đầu năm đến nay khoa tiếp nhận và điều trị 40 ca viêm não Nhật Bản. Hiện tại trong khoa, đang điều trị cho 16 trường hợp. Cháu ít tuổi nhất 6 tháng tuổi và cháu nhiều tuổi nhất 14 tuổi. Các bệnh nhi đa phần đến bệnh viện trong tình trạng bệnh nặng. So với mọi năm tình trạng trẻ bị viêm não Nhật Bản có chiều hướng tăng và bệnh nặng hơn.

Phòng bệnh viêm não Nhật Bản là giải pháp tối ưu
Bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản đang được điều trị tại bệnh viện

Như trường hợp của bé Phạm Thị Khánh Ngân 12 tháng tuổi, ở Yên Thụy, Hải Phòng. Cháu Ngân đã điều trị tại Bệnh viên Nhi trung ương được 10 ngày, và vẫn đang phải điều trị tích cực. Hay trường hợp của cháu Nguyễn Văn Vinh, 8 tuổi, ở Phú Thọ. Biểu hiện ban đầu của cháu sốt cao, đau đầu, ăn vào là nôn, tuy nhiên gia đình đã không đưa cháu đến viện kịp thời.Theo các bác sĩ, cháu Vinh bệnh đã nặng và sẽ phải điều trị lâu dài.

Ngoài hai trường hợp trên, những trường hợp bệnh nhi đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi trung ương đều trong tình trạng nặng. Nhiều trường hợp phải sử dụng máy thở và điều trị tích cực. Theo Th.S - BS Đỗ Thiện Hải - Phó trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi trung ương, sở dĩ có những trường hợp bị mắc nặng là do phụ huynh nhầm tưởng bệnh viêm não Nhật Bản với các bệnh khác. Khi có biểu hiện cảm, sốt virus thì các gia đình cần đưa con đi khám để được chẩn đoán sớm, tránh trường hợp trẻ khi nhập viện đã bị rối loạn tri giác. Nhiều trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Và tiêm chủng đầy đủ

Theo Th.S - BS Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Nhi Trung ương, sở dĩ có những trường hợp bị mắc nặng là do phụ huynh nhầm tưởng bệnh viêm não Nhật Bản với các bệnh khác. Khi có biểu hiện cảm, sốt virus thì các gia đình cần đưa con đi khám để được chuẩn đoán sớm, sẽ tránh trường hợp trẻ khi nhập viện đã bị rối loạn tri giác. Nhiều trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.

Theo tìm hiểu của phóng viên, đa phần bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản nhập viện tại Bệnh viện Nhi trung ương đều chưa được tiêm vacxin phòng bệnh hoặc có tiêm nhưng chưa đủ mũi. Như trường hợp bé Ngân, 12 tháng tuổi chưa được tiêm vacxin, còn trường của cháu Vinh, 8 tuổi đã được tiêm ba mũi theo chương trình tiêm chủng mở rộng nhưng các mũi nhắc lại thì chưa được tiêm.

Bác sĩ Lâm cho biết: “Hiện nay chưa có thuốc chữa viêm não Nhật Bản, đối phó với vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản thì tiêm vắc xin phòng bệnh được coi là biện pháp an toàn. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vắc xin thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vắc xin hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản. Mũi 1: lúc trẻ được 1 tuổi; Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; Mũi 3: cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Cũng theo bác sĩ bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính, xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt nhóm nguy cơ cao nhất là trẻ em ở lứa tuổi 2-6 (chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh). Biểu hiện lâm sàng là nhiễm trùng và rối loạn thần kinh ở nhiều mức độ khác nhau, đáng ngại hơn cả là bệnh thường để lại di chứng và tỷ lệ tử vong cao như: điếc, mù, động kinh, yếu liệt tay chân…

Đối với các trường hợp đang điều trị viêm não Nhật Bản tại khoa, bác sĩ Đỗ Thiện Hải cho hay: “Nguyên tắc buộc phải tuân thủ là tất cả các bệnh nhân viêm não Nhật Bản đều phải được điều trị tại bệnh viện. Trong khi chờ đợi, trẻ sốt cao phải được uống thuốc hạ sốt như Paracetamon, liều 15mg/kg cân nặng/lần, tối đa uống 4 lần/ngày. Có thể phối hợp chườm khăn mát ở trán và bẹn, chú ý tuyệt đối không chườm đá lạnh. Do đó, khi trẻ có các biểu hiện sốt cao, nhức đầu, nôn ói hoặc co giật… thì cha mẹ nên đưa ngay trẻ tới bệnh viện. Việc đưa trẻ tới bệnh viện và được xử lý kịp thời sẽ giảm thiểu tối đa các di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản. Vì vậy, việc phòng bệnh sẽ là giải pháp tối ưu”.

Trang Thu

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này