Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều: Một phần do quy hoạch yếu

21:54 | 02/06/2015
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên - Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi đã nói như vậy với PV bên hành lang QH, trong câu chuyện liên quan đến việc sinh viên ra trường thất nghiệp ngày một nhiều trong khi mùa tuyển sinh Đại học - Cao đẳng đang đến gần. 
Nỗi lo người lao động thất nghiệp khi giá "đầu vào" tăng cao
Kỹ sư, cử nhân đôn đáo kiếm kế sinh nhai
Vì sao đàn ông thời nay đàn ông thất nghiệp nhiều hơn phụ nữ ?
Nhức nhối thất nghiệp

Theo ông Đào Trọng Thi sở dĩ sinh viên đang chưa tìm được việc làm như hiện nay nếu xét về mặt số lượng là tồn đọng lũy kế từ các năm trước để lại. Ví dụ những năm trước, số lượng đào tạo sinh viên lớn, nhưng đến khi một số lứa sinh viên ra trường lại gặp đúng lúc nền kinh tế lâm vào tình cảnh khó khăn; số lượng DN giải thể lớn, tiêu thụ hàng hóa kém dẫn đến số lượng DN thành lập mới ít hơn số lượng DN tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản, bởi thế sinh viên ra trường tìm việc làm càng khó khăn.

Sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều: Một phần do quy hoạch yếu

Còn nguyên nhân chủ quan theo ông Đào Trọng Thi, ngoài yếu tố chất lượng đào tạo nhiều nơi chưa đáp ứng được thực tiễn của xã hội, yêu cầu của cộng đồng DN, cơ quan, phải kể đến công tác quy hoạch và dự báo chưa tốt.

Ví dụ, chưa bao giờ hệ thống các trường đại học, cao đẳng nhiều như hiện nay. Ngoài ba trung tâm lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng thì tỉnh, thành nào cũng có trường đại học, cao đẳng. Nhưng điều đáng nói là chương trình đào tạo na ná nhau. Ở đâu cũng đào tạo ngành công nghệ thông tin, luật, quản trị kinh doanh… mà quên đi điều kiện tự nhiên, hạ tầng kinh tế của mỗi vùng miền.

Lẽ ra, ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long các nhà giáo dục phải có quy hoạch xem vùng này thì sinh viên cần học những ngành gì và các trường phải mở những ngành gì. Tương tự các vùng Đông Nam Bộ, Bắc Bộ cũng thế. Một khi có quy hoạch rõ ràng thì nhu cầu đào tạo sẽ khác, sinh viên ra trường cũng dễ tìm việc làm hơn. “Nói một cách ngắn gọn, các trường đang đào tạo theo khả năng, lợi thế mà không tính đến chuyện đào tạo để đáp ứng được thị trường lao động. Như vậy là rời rạc và người đi học cũng không tính sau khi mình học xong sẽ làm được việc gì”, ông Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Mùa tuyển sinh mới đang đến gần, ông Đào Trọng Thi khuyến cáo mỗi bậc phụ huynh, mỗi học sinh cần biết thế mạnh của mình để hướng thi cử. Bên cạnh đó, bản thân phụ huynh nếu không hiểu biết, dự báo về thị trường lao động, xu thế phát triển của nền kinh tế thì nên tham vấn những người thân trong gia đình để tư vấn cho các em nên thi vào những ngành, nghề gì, học gì để có cơ hội việc làm. Không nên có tư duy cố vào đại học rồi tính sau như thế sẽ rất khó khăn khi ra trường…

Tuệ Giang- V. Hải
(Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này