Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

15:58 | 02/06/2015
Hôm qua (1/6) Quốc hội đã tiến hành thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII: Nên đưa cả thu quỹ vào luật
Miễn nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp
Xác định những việc cần làm ngay

Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM), dẫu hai dự thảo luật trên đã có nhiều thay đổi về mặt nội dung so với kỳ họp thứ 8, song trong dự thảo lần này sự minh bạch giữa trách nhiệm của Trung ương và địa phương vẫn chưa rõ ràng. Vì vậy, vấn đề đặt ra làm thế nào để có sự minh bạch từ ngân sách cho đến quyền hạn, trách nhiệm của Trung ương, chính quyền địa phương. Cụ thể cần làm rõ cái gì là ủy quyền, cái gì là phân quyền, cái gì là phân cấp. Làm rõ để khi một vấn đề xảy ra ở địa phương, đại biểu biết cái này nên chất vấn ông chủ tịch tỉnh hay chất vấn ông bộ trưởng.

Đại biểu Trần Du Lịch cho biết, chúng ta cần một nền hành chính thống nhất nhưng hiện nay quản lý theo kiểu đồng nhất. Thống nhất phải là những nguyên tắc, còn mô hình tổ chức tùy thuộc vào đặc điểm nông thôn, thành thị, quy mô. Một tỉnh 4 triệu dân, diện tích mấy chục ngàn hecta khác tỉnh 1 triệu dân hay diện tích chỉ có mấy trăm ha. Nhưng hiện tại khi tỉnh này có sở này ngành kia thì địa phương khác cũng như vậy. Khi tổ chức mô hình quản lý mà đồng nhất, không tính đặc điểm cũng như một loại lưới muốn bắt mọi loại cá. Đây là vấn đề cần xem xét.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch muốn nâng cao chất lượng cơ quan hành pháp, cơ quan hành chính công từ cấp Trung ương đến địa phương cần phải quy định lại trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, sở, ngành. Ví dụ sở là cơ quan quản lý nhà nước chứ không phải chỉ làm tham mưu cho UBND. Nâng trách nhiệm thì sở không đẩy việc lên UBND và không có chuyện phó chủ tịch tỉnh biến thành một cấp. Đây là quan điểm về mặt tổ chức và trách nhiệm phải thuộc về người đứng đầu. Khi xảy ra vụ việc dù có cấp phó phụ trách thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị vẫn phải chịu, hay ở bộ là Bộ trưởng chịu trách nhiệm. Còn cứ để như hiện nay thì bao nhiêu phó cũng không đủ. Dự luật quy định khung số lượng phó để hạn chế nhưng muốn bớt thì là phải thay cơ chế trách nhiệm.

Là một cán bộ ngành nội chính, đại biểu Nguyễn Thái Học (Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên) cho rằng mục đích của việc sửa Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương là nhằm nâng cao hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Vì vậy, muốn hoạt động của Chính phủ, bộ, ngành, UBND các cấp có hiệu quả phải thực sự công khai, minh bạch. Một khi điều hành minh bạch (trừ các nội dung liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật quốc gia) thì dân sẽ giám sát được. Cạnh đó, luật phải quy định cụ thể trách nhiệm người đứng đầu.

Thực tế thời gian qua, trong báo cáo của Chính phủ năm nào cũng có câu “kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm” trên nhiều lĩnh vực. Ngay trong cải cách hành chính nhà nước chưa nghiêm, tài chính ngân sách chưa nghiêm, đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa nghiêm… Như vậy trách nhiệm có hay không và nếu có thì ở đâu, người nào, lại chưa rõ. Bên cạnh đó, một số đại biểu QH cũng đề nghị Luật cần quy định số lượng cấp phó ở cấp Chính phủ, Bộ, Ngành, UBND, Sở.

Hà Lê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này