Thị trường Hàn Quốc rộng mở: Doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội?

13:36 | 02/06/2015
Mới đây, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã  được ký kết, sau hơn 8 năm đàm phán. Với cam kết mở cửa lớn từ phía Hàn Quốc, liệu doanh nghiệp Việt Nam có tận dụng được cơ hội, biến ưu đãi thành thành quả kinh tế?
Các doanh nghiệp GTVT "sống khỏe" sau cổ phần hóa
Tìm phương án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Những quy định khiến doanh nghiệp vận tải kêu khó!

Theo VKFTA, Hàn Quốc tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 95,4% số dòng thuế. Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội nhờ các cam kết mở cửa của Hàn Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng cắt bỏ hơn 90% dòng thuế đối với sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc. Các lĩnh vực kinh doanh được hưởng ưu đãi của Hàn Quốc là ô tô, hàng điện tử, dệt may; các loại sản phẩm được hưởng ưu đãi gồm chất dẻo, sắt thép, cáp điện, đồ điện gia dụng, xe từ 3.000 phân khối trở lên. Các mặt hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi gồm hoa quả nhiệt đới, tỏi, gừng, thịt lợn, mật ong và tinh bột ngọt khoai tây. Trước đó, có những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam phải chịu mức thuế cao lên đến 420%.

Thị trường Hàn Quốc rộng mở: Doanh nghiệp Việt có tận dụng được cơ hội?
Ảnh minh họa

Đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, cơ hội đã đến với thủy sản Việt Nam. Trong các mặt hàng thủy sản, tôm Việt Nam đang được Hàn Quốc nhập khẩu số lượng lớn, chiếm gần 46% tổng giá trị nhập khẩu của nước này. Đặc biệt, sau khi VKFTA được ký kết, mức thuế suất ưu đãi tại thị trường Hàn Quốc sẽ giúp tăng sức cạnh tranh và giá bán của sản phẩm tôm tại nước này. Trng khi đó, Hàn Quốc cam kết sẽ miễn thuế mặt hàng tôm của Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần lên mức 15.000 tấn/năm. Không chỉ giảm thuế, cam kết còn giảm thiểu các hàng rào phi thuế. Theo đại diện VASEP, cánh cửa vào thị trường Hàn Quốc đã rộng mở hơn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đòi hỏi về an toàn thực phẩm sẽ khắt khe hơn, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm và đổi mới hoạt động kinh doanh, khai thác lợi thế VKFTA mang lại.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) cho hay, kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam vào Hàn Quốc sẽ tăng mạnh khi được giảm thuế. Hiện nhiều sản phẩm gỗ của Việt Nam đang chịu mức thuế nhập khẩu 5-7%, cá biệt một số loại bị đánh thuế 10% khi xuất sang thị trường này. Bên cạnh đó, thuế thiết bị sản xuất gỗ cũng giảm, doanh nghiệp Việt Nam sẽ nhập máy móc chất lượng hơn, thay thế cho hàng nhập từ Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc trước đây. Tuy nhiên, đại diện VIFORES cũng nhận thấy thách thức lớn khi sản phẩm gỗ Hàn Quốc sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam với giá cạnh tranh.

Công bằng mà nói, VKFTA thực sự đã mở rộng cánh cửa cho DN Việt trên thị trường Hàn, tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội, lợi thế để chiếm lĩnh thị trường hay không lại là vấn đề hoàn toàn khác. Đây là thách thức không nhỏ đối với doanh nghiệp Việt, ngay cả việc cạnh tranh trên “sân nhà”. Vì vậy, không có con đường nào khác là DN Việt Nam phải vươn lên, tìm mọi giải pháp để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì mới có cơ hội phát huy được thế mạnh. Bài học về hội nhập trong thời gian vừa qua khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ký các hiệp định thương mại tự do với các nước ASEAN, hiệp định thương mại tự do của ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ, Nhật Bản, New Zealand,…là một minh chứng.

Ông Hong Sun, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại VN cho biết, DN VN muốn thâm nhập thị trường Hàn Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản cần lưu ý. Hàn Quốc là thị trường cũng khá cầu kỳ về vấn đề kiểm dịch. Nếu nói về chất lượng, hàng VN vẫn chưa có sức cạnh tranh tốt như hàng từ Thái Lan hay một số nước khác đã được nhập vào Hàn Quốc từ lâu. VN nên có một DN, hay xí nghiệp nào đó thu mua, chế biến rồi xuất đi. Nông dân VN sản xuất nhiều nhưng chưa có một DN đủ tầm để giao dịch quốc tế và đảm bảo hàng chất lượng và sản lượng. Muốn cạnh tranh và xuất khẩu vào Hàn Quốc thì phải chuẩn bị thật tốt. Các DN VN cần hợp tác với một số Cty có thế mạnh của Hàn Quốc về nông nghiệp; chỉ có Cty VN thôi thì khó vượt qua được hàng rào kiểm dịch của nước này.

Hà Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này