Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: “Các trạm thu phí đặt quá dày đặc”

09:45 | 28/05/2015
“Tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc. Phải kiên quyết dẹp bỏ các trạm thu phí đã xây sai quy định, không thể bắt dân phải đóng phí”.
Dân bức xúc vì quá nhiều trạm thu phí
Trạm thu phí tiếp tục mọc như nấm
Lập trạm thu phí BOT từ ngân sách Nhà nước: Đừng để phí chồng phí
TPHCM bị "bịt chặt" bởi các trạm thu phí
Tuýt còi trạm thu phí Bãi Cháy bán vé sai quy định

Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã cho biết như vậy bên hành lang Quốc hội sáng nay 27/5.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: “P
Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển: “Phải kiên quyết dẹp bỏ các trạm thu phí đã xây sai quy định” (ảnh: NH).

Thưa ông, theo phản ánh của dư luận, trên một số tuyến đường hiện nay, các trạm thu phí quá dày đặc. Là Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ông đón nhận thông tin này thế nào?

Các dự án BOT cầu đường đúng là đã giải quyết được rất nhiều khó khăn khi thiếu vốn mà nhu cầu vận tải ngày một tăng lên. Tuy nhiên cử tri băn khoăn và báo chí nêu rất nhiều về việc quy định 70 km mới có một trạm thu phí nhưng hiện nay nhiều nơi không tuân thủ khoảng cách này. Tôi có đi qua khu vực Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM thì thấy vị trí trạm thu phí đặt quá dày đặc.

Có ý kiến nói do đặc thù nên các trạm xây gần nhau, tôi không đồng ý. Luật là là luật, chính chúng ta đặt ra luật nên chúng ta phải tuân thủ.

Nhưng cái này cũng có nguyên nhân là các trạm này đã xây dựng từ rất lâu rồi, trước khi có quy định trạm thu phí phải cách nhau 70 km. Vậy thì thực tiễn như vậy, quy định luật như thế kia, theo tôi phải quy hoạch lại.

Quy hoạch lại bằng cách nào, thưa ông?

Nếu như các trạm thu phí đó được xây trước khi có quy định thì nhà nước phải tính toán xử lý bằng cách mua lại các trạm thu phí bằng nguồn lực của ngân sách để đảm bảo được khoảng cách 70 km theo đúng quy định của pháp luật.

Đây phải xem là một nguyên tắc, bởi bản thân các trạm thu phí xây theo quy định cũ là không sai. Nhưng sau đó nhà nước đưa ra quy định khác thì phải chấp nhận điều tiết, quy hoạch lại thì mới giải tỏa được. Còn nếu cứ để vậy, dân thì kêu mà pháp trị không nghiêm được.

Nhưng muốn thế phải có nguồn lực tài chính. Mọi người dân sẽ cảm thấy thỏa mãn. Còn nguồn lực ở đâu thì chúng ta phải tính toán mà không chỉ tính toán ở khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương mà phải tính toán trên cả nước. Không ai khác nhà nước phải là trọng tài đứng ra làm việc này.

Vậy với các trạm xây sau này thì sao?

Tất nhiên là kiên quyết dẹp bỏ, đã xây sai quy định thì không thể bắt dân phải đóng phí. Tương tự là các trạm thu phí đang thu phí oan của người dân, không đi trên tuyến đường đó mà vẫn phải đóng thì cũng phải điều chỉnh ngay. Đây là việc phải làm ngay lập tức vì nó xảy ra ở không ít nơi.

Còn câu chuyện thu phí oan, thu sai thì phải điều chỉnh ngay. Nó xảy ra rất nhiều và nhà nước phải điều chỉnh ngày, làm ngay lập tức.

Nhân đây tôi cũng nói thêm là ở nhiều nước họ không cần quy định khoảng cách vì có đủ trang thiết bị để thu phí, đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, rất công bằng.

Nhiều trạm đã thu phí oan nhiều năm của người dân, có buộc phải trả lại cho dân?

Nói thật đó là chuyện không tưởng, biết làm sao mà trả lại. Giờ chỉ lo chấm dứt ngay việc thu phí oan đó. Còn chuyện “hồi tố” để trả lại tiền tôi nghĩ chắc chỉ nói... cho vui.

Đề cập tới ý kiến phản ánh của nhân dân, cử tri về việc thu phí BOT trên các tuyến đường quá cao, trạm thu phí đặt dày đặc, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Bạc Liêu cho rằng: Đúng là thời gian qua có quá nhiều thông tin phản ánh liên quan đến tình trạng thu phí và bố trí các trạm thu phí đường bộ bất hợp lý, nhất là trên các tuyến đường bộ được đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Có đoạn đường chỉ 500km mà có đến 10 trạm thu, có địa phương chỉ với 150km đường mà có tới 3 trạm thu phí, như thế là hơi nhiều.

Qua tiếp xúc cử tri, chúng tôi cũng nhận thấy vấn đề phí BOT tham gia giao thông hiện là một gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải cũng như người dân, nhiều cử tri mong muốn đại biểu Quốc hội có ý kiến trước Quốc hội về vấn đề này. Việc Chính phủ yêu cầu báo cáo về vấn đề này cho thấy, Chính phủ đã lắng nghe ý kiến người dân, cử tri để có giải pháp điều chỉnh phù hợp. Tôi cho rằng, với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên môn, cơ quan cấp phép đầu tư các tuyến đường giao thông BOT phải cân nhắc tính toán làm sao để dự án thực hiện đầu tư sát với chi phí, suất đầu tư, tránh lạm dụng, nâng suất đầu tư cao rồi từ đó nâng mức phí quá sức chịu đựng với tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng bởi phí này.

Cơ quan có thẩm quyền ngay từ khi kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc phải có điều khoản yêu cầu họ tuân thủ quy định này, phải tính toán hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người thụ hưởng. Cự ly để đặt trạm thu phí cũng phải được giám sát thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia giao thông.

Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã đưa ra giải pháp là áp dụng kỹ thuật trạm thu phí không dừng, nhờ đó đã giảm được bức xúc của người tham gia giao thông về thời gian song về chi phí thì vẫn không giảm. Vấn đề này cần phải được cân nhắc một cách thấu đáo để đảm bảo việc thu phí phải phù hợp được với sức chịu đựng của người dân, tránh để người dân phải chịu quá nhiều gánh nặng với quá nhiều loại phí khác nhau.

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này