Đừng vội tin lời rao “mở bán những căn hộ cuối cùng”

13:45 | 05/05/2015
Mặc dù thị trường bất động sản đã hoạt động nhộn nhịp hơn trước,  nhiều dự án được tung ra thị trường với chính sách khuyến mãi hấp dẫn, tuy nhiên, cũng có chủ dự án sử dụng thủ thuật PR để đẩy hàng tồn.
Có nên mua căn hộ xây thô?
Dự án tai tiếng, căn hộ đại hạ giá tỷ đồng vẫn ế
Căn hộ cao cấp liệu đã về giá trị thực?

Thực tế, sau mỗi lần mở bán căn hộ, các chủ dự án đều công bố lượng sản phẩm được khách đặt mua rất lớn. Không ít dự án, chỉ sau một thời gian ngắn công bố mở bán, đơn vị phân phối và chủ đầu tư đã thông báo… hết hàng, như dự án FLC 36 Phạm Hùng, dự án 283 Khương Trung, dự án Scitech Tower Hồ Tùng Mậu… Cùng đó là không ít dự án rao “mở bán những căn hộ cuối cùng”, “mở bán đợt cuối” khiến cho thị trường càng trở nên sôi động, thậm chí đã có người vội gom tiền, vay lãi cao trong thời gian ngắn để mua bằng được căn hộ “cuối cùng”.

Chị Thu Thủy (Cầu Giấy) cho biết, giữa năm 2014, khi một dự án lớn của chủ đầu tư uy tín ở Hà Nội chào bán đợt cuối, gia đình chị chưa kịp thu tiền về đã phải vay lãi ngoài để đặt cọc mua một căn vì sợ hết hàng. Bằng đi một thời gian, dự án này lại tiếp tục rao bán những căn hộ cuối. “Lúc đó nhà tôi mới té ngửa, rằng căn hộ cuối chỉ là chiêu trò để bán hàng chứ không phải sắp hết. Chiêu này đánh vào tâm lý người tiêu dùng rất hiệu quả nhưng tôi nghĩ chỉ được vài lần thôi. Người tiêu dùng sẽ phát hiện ra được ngay. Như vậy thì chiêu trò này sẽ không còn giá trị”- chị Thủy chia sẻ.

Đừng vội tin lời rao  “mở bán những căn hộ cuối cùng”
Để kích cầu, nhiều chủ đầu tư đưa ra hình thức khuyến mãi hấp dẫn hoặc rao bán “những căn hộ cuối cùng” . Ảnh minh họa

Điều này là có cơ sở, khi mới đây, một dự án căn hộ cao cấp ở Hà Đông chào bán trở lại trên thị trường, khiến không ít người cảm thấy ngỡ ngàng bởi dự án đã bán và đi vào hoạt động từ lâu mà vẫn còn hàng trăm căn hộ tồn kho. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho rằng, việc chủ đầu tư liên tục mở bán những căn hộ cuối cùng thực chất chỉ là một chiêu thức bán hàng. Việc công bố “mở bán đợt cuối” dễ tạo cảm giác dự án sắp hết hàng, không mua ngay sẽ lỡ. “Do vậy, người mua cần tìm hiểu thông tin về dự án và cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư, chứ không nên vội tin hoàn toàn vào lời rao bán, vì người bán hàng nào cũng phải nói tốt về sản phẩm của mình”- ông Thành nhấn mạnh.

Theo Bộ Xây dựng, tính đến 20/3/2015, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 70.703 tỷ đồng, giảm 57.845 tỷ đồng (giảm 45%) so với quý I/2013. Tính đến 20/3/2015 tổng số tồn kho bất động sản tại Hà Nội khoảng 9.006 tỷ đồng, giảm 8.054 tỷ đồng (giảm 47%) so với quý I/2013. Trong khi đó, có 88 dự án đăng ký điều chỉnh cơ cấu căn hộ, tăng 14 dự án so với cuối năm 2014, với số lượng căn hộ ban đầu là 36.113 căn hộ xin điều chỉnh thành 49.199 căn hộ, tăng 13.086 căn hộ. Có 62 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tăng thêm 2 dự án so với cuối năm 2014 với quy mô 41.769 căn hộ.

Công ty tư vấn Savills mới đây cũng đưa ra dự báo, nguồn cung căn hộ sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Đến cuối năm 2015, thị trường Hà Nội sẽ có14.000 căn hộ từ 22 dự án được mở bán. Với những căn hộ có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 chủ yếu tập trung ở khu vực ngoài vành đai 3, những căn hộ có mức giá 20-30 triệu đồng/m2 thì thường nằm ở khu vực giữa vành đai 2 và 3. Còn lại, những căn hộ có mức giá từ 30 triệu đồng/m2 trở lên chủ yếu tập trung trong vành đai 2.
Điều này cho thấy, nguồn cung của thị trường căn hộ dồi dào, không có chuyện khan hàng và càng khó có thể tăng giá trong năm nay. Vì thế, dẫu thực sự có là “đợt mở bán những căn hộ cuối cùng” thì người tiêu dùng cũng không lo hết hàng.

Lê Mai

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này