Kỹ năng mềm và ngoại ngữ vẫn là hạn chế của sinh viên

13:32 | 21/04/2015
Việc làm luôn là một trong những vấn đề bức xúc không chỉ đối với bản thân sinh viên (SV), mà ngay cả đối với gia đình, nhà trường và xã hội. Với mong muốn tạo điều kiện cho SV có cơ hội tiếp cận thị trường lao động, tìm được việc làm đúng chuyên môn, doanh nghiệp có thể lựa chọn, tuyển dụng những nhân sự năng động và giỏi nghề, vừa qua, “Ngày hội việc làm năm 2015” diễn ra tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (ĐHCN) .
Kỹ năng mềm: Yếu tố quan trọng của nghề thu mua
Kỹ năng nghề nghiệp của lao động Việt vẫn còn khoảng trống
Sẽ thành lập Trung tâm Đánh giá năng lực ngoại ngữ quốc gia

Cần nâng cao kỹ năng mềm

Tại ngày hội việc làm, chia sẻ với chúng tôi về thực trạng nguồn lao động mới từ SV, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng, trình độ và chuyên môn của SV hiện nay đã được cải thiện. Tuy nhiên, phần lớn SV mới ra trường quá tự tin vào khả năng của bản thân, về giá trị của bằng cấp, từ đó dẫn đến việc họ thất bại trước nhà tuyển dụng. Chị Ngọc chuyên viên tuyển dụng của Cty Ô tô Trường Hải chia sẻ: “Công ty chúng tôi có rất nhiều cơ hội cho SV ứng tuyển, từ thợ cho đến kỹ thuật, chuyên viên… Đến ngày hội việc làm chúng tôi hi vọng sẽ tìm kiếm được những ứng viên tốt, và cũng hội tụ đầy đủ những kỹ năng cần thiết đáp ứng được nhu cầu của Cty. Tuy nhiên, qua quá trình tư vấn cũng như tiếp nhận hồ sơ, tôi thấy các bạn SV hiện nay phần chuyên môn đã được nâng cao, nhưng các kỹ năng mềm còn thiếu. Nếu tuyển dụng chắc chắn chúng tôi phải đào tạo lại”.

Không chỉ chị Ngọc, mà chị Thơm chuyên viên tuyển dụng của Cty Panasonic cũng cho hay, nhiều bạn SV còn khá xa lạ với thực tế công việc, thiếu kiến thức và kinh nghiệm. Bởi thế, nhiều bạn SV đã tốt nghiệp cũng như sắp tốt nghiệp thường loay hoay với những dự định, tính toán về công việc. Thậm chí có nhiều bạn lại ngại phải làm những công việc đơn giản, nhàm chán.

Kỹ năng mềm và ngoại ngữ vẫn là  hạn chế của sinh viên
Ngày hội việc làm một trong những cơ hội lớn giúp sinh viên tìm kiếm cơ hội cho mình

“Hiện nay SV chúng em học theo chương trình tín chỉ, với 30% thời gian học ở trường, và 70% ở nhà. Với chương trình học như vậy chúng em nhiều thời gian để thực hành. Tuy nhiên, cơ sở vật chất tại trường đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu học, cũng như chưa sát với thực tế. Chính vì thế sau khi tốt nghiệp ra trường, chúng em thiếu tự tin vào bản thân, và phần lớn vẫn phải đào tạo lại khi được tuyển dụng”, bạn Lành SV khoa Cơ khí tâm sự.
cung và cầu vẫn xa vời

Thực tế, việc SV mới ra trường khó tìm được việc làm đúng chuyên môn do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân chính là do hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN gặp khó khăn, nhu cầu tuyển dụng lao động bị thu hẹp. Đối với các cơ quan, tổ chức nhà nước, nhu cầu tuyển dụng công chức, viên chức ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng. Bởi thế, không chỉ với các trường đại học ngoài công lập, ngay cả các trường đại học công lập có danh tiếng, không phải sinh viên nào tốt nghiệp ra trường cũng có ngay được công việc như mong muốn.

Một nguyên nhân khác, việc có thêm nhiều cơ sở đào tạo (trường cao đẳng, đại học) ra đời dẫn đến số lượng sinh viên được đào tạo ở cùng các ngành, chuyên ngành ngày càng nhiều, dẫn đến cung vượt cầu. Việc có được việc làm hay không, liên quan rất nhiều đến phẩm chất, năng lực, trình độ, kỹ năng của người được đào tạo. Thực tế cho thấy, số lượng ứng viên đăng ký dự tuyển hàng năm để tìm việc làm khá đông, song số người đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng còn rất hạn chế.

Trước những thách thức nêu trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo và bản thân các SV phải có cách nhìn nhận mới về vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp. “Chúng tôi đến hội chợ việc làm với mong muốn sẽ tìm được nguồn lao động có trình độ. Với nguồn lao động có trình độ cty sẽ không phải mất quá nhiều thời gian vào việc đào tạo chuyên môn mà chỉ đào tạo thêm về kỹ năng mềm. Đặc biệt, việc bằng cấp không phải là vấn đề cty quá chú trọng. Thế nhưng, ngoại ngữ mà cụ thể là tiếng Anh, là điều kiện bắt buộc phải có. Để bắt kịp với sự phát triển của khoa học, cũng như muốn vươn ra được thế giới, các bạn SV phải tự trang bị cho mình vốn ngoại ngữ cần thiết”, chị Thơm cty Panasonic chia sẻ.

Hiểu được sự cần thiết của tiếng Anh trong quá trình xin việc, thế nhưng rất nhiều SV vẫn không thể trang bị cho mình được vốn kiến thức này, và khi ngồi vào bàn tuyển dụng nhiều bạn SV đã phải lắc đầu ngao ngán. Bạn Lê Trường – SV khoa Công nghệ Thông tin cho biết: “Nhiều cty hiện nay khi tuyển dụng thường yêu cầu lao động phải thông thạo Tiếng Anh. Rất nhiều công việc phù hợp với bọn em nhưng chỉ vì rào cản ngoại ngữ mà bỏ lỡ cơ hội việc làm. Ngay bản thân em cũng vậy, ngoại ngữ vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết. Hy vọng ngày hội việc làm này bọn em sẽ tìm được những công việc phù hợp, tuy nhiên thực tế sẽ rất khó cho những SV chưa chuẩn bị đầy đủ những kỹ năng, nghiệp vụ cần thiết”.

Để khắc phục những hạn chế này, cũng như để nguồn cung đáp ứng được cầu, sinh viên cần phải nâng cao nhận thức về việc học tập, rèn luyện, từ đó xác định động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Qua đó, SV không chỉ cần tích lũy về kiến thức mà cần phải rèn luyện những kỹ năng khác như thực hành, sáng tạo, năng động và nâng cao phẩm chất đạo đức. Khi đã trang bị đủ những kỹ năng cần thiết, thì hẳn nhiên việc đối diện với các nhà tuyển dụng sẽ trở nên dễ dàng.

Đạt Đỗ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này