Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ "cổ nhất" Thủ đô

15:34 | 01/03/2025
Khu tập thể nằm tại số 1A Hàm Tử Quan (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là khu tập thể bằng gỗ đã tồn tại hơn nửa thế kỷ. Cho đến nay, khu tập thể ấy đã xuống cấp nghiêm trọng do không thể tu sửa. Trong khi người dân còn đang “mắc kẹt” với các quy định, chính sách di dời để ngỏ, hằng ngày họ vẫn đang phải đối mặt với những nguy hiểm rình rập.
Thông tư 29: Giáo viên, học sinh và phụ huynh đã sẵn sàng như thế nào? Lộn xộn tại các nhà ga đường sắt Nhổn - ga Hà Nội

​​Xuống cấp nghiêm trọng

Những món đồ cổ có tuổi đời lâu dài với giá trị lịch sử, hoặc giá trị thẩm mĩ cao luôn là là thứ đáng trân trọng và được nhiều người săn đón. Nhưng liệu sinh hoạt và sống trong “nhà cổ” có hấp dẫn như vậy ?

Khu nhà bằng gỗ số 1A Hàm Tử Quan nằm trong 19 khu tập thể gỗ tại địa bàn phường Chương Dương, Hà Nội là một khu "nhà cổ". Từ bao năm nay, khu nhà này vẫn nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Nhưng kế hoạch là trên giấy còn thực tế thì hoàn toàn khác.

Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Khu "nhà cổ" số 1A Hàm Tử Quan từ lâu nay đã nằm trong diện giải phóng mặt bằng.

Khu nhà được xây dựng khoảng những năm 1954 - 1960, có diện tích 1.300m2 với 2 tầng cùng 24 gian dành cho cán bộ, viên chức Bộ Giáo dục. Những căn hộ được xây theo dãy khoảng chục phòng, mỗi phòng có diện tích chỉ từ 10m2 - 18m2. Tầng hai của khu nhà có lan can bằng khung gỗ, sàn cũng bằng gỗ, tường được phủ vữa lên khung gỗ, tre hoặc phủ cót ép bên ngoài.

Tồn tại hơn 70 năm, khu tập thể cũ gắn liền với ký ức của bao thế hệ. Lớp lớp người đã sinh ra và trưởng thành từ nơi này. Trải qua hơn nửa thế kỉ, những ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến đời sống mà còn ảnh hưởng tới tính mạng của người dân.

Sống trong sợ hãi

Trong những căn nhà chưa đầy 20m2, các trụ cột, cầu thang, mái ngói đã mục rữa, những thanh sắt ép chặt han gỉ. Mỗi bước chân lên cầu thang không thể tránh khỏi tiếng “cọt kẹt” của thời gian. Những ngày nắng, khu tập thể này giống như một “cái lò” đối với người dân sống bên trong. Mặc dù vậy, những hộ dân sống ở tầng 1 lại phải chịu đựng không gian sống ẩm thấp, bốc mùi vì không có ánh sáng mặt trời. Trong mỗi căn nhà chỉ từ 10m2 này không có nhà vệ sinh, cũng không có khu bếp. Những người dân vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh chung và nấu ăn tại bên ngoài hành lang, hoặc trước cửa nhà.

Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Hành lang khu tập thể chật hẹp, đầy đồ đạc chắn lối đi và không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.
Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Những ván gỗ mối mọt.
Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Những cánh cửa lung lay.
Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Những mảng tường bong tróc.
Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Người dân buộc phải nấu ăn ngoài hành lang.

Trải qua vài chục năm không thể tháo dỡ, các hộ dân đã phải “chắp vá” căn nhà của mình bằng tất cả mọi thứ có thể. Theo ghi nhận, dãy nhà đã xuống cấp trầm trọng, sàn nhà, lan can trở nên mục nát, các trụ gỗ đỡ chính bị mối mọt, nhiều căn nhà đã bị tốc mái, phía trước mái hiên chằng chịt dây điện. Vào mùa mưa bão hay những ngày thời tiết cực đoan, cả khu tập thể nơm nớp trong những hiểm nguy rình rập bất cứ lúc nào.

Ra đi hay ở lại, bài toán định cư chưa có “lời giải”

Khu tập thể này đã được lên kế hoạch tháo dỡ và di dời từ 20 năm trước để tái định cư cho người dân, nhưng không hiểu vì một lý do nào đó mà đã bị “quên lãng”.

Năm 2003, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề xuất thanh lý, bán lại cho các hộ dân. Khi đó, cả khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng khiến Thành phố phải thuê đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát. Kết quả đánh giá ở mức cực kỳ nguy hiểm, buộc phải phá dỡ.

Tại khu nhà số 1A, việc thu hồi và giải phóng mặt bằng khá bất cập bởi các tòa nhà cao tầng mọc xung quanh, khiến khu nhà bị lọt thỏm ngay trong con ngõ nhỏ với lối ra vào chật hẹp. Được biết, khu nhà tập thể số 1A đã từng xảy ra những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, vấn đề vệ sinh, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, dẫn đến một vài hộ dân cư phải di dời đến nơi khác sống theo con cháu. Một số căn hộ cũng đóng cửa, một số khác được học sinh sinh viên thuê với giá rẻ. Tuy nhiên, những căn nhà còn lại vẫn chưa thể di dời bởi người dân không đủ điều kiện kinh tế, nên vẫn buộc phải ở lại sống chung với những mối nguy hiểm luôn chực chờ.

Nỗi khổ của người dân sống ở khu tập thể xây bằng gỗ
Mong muốn lớn nhất của người dân là được Nhà nước nhanh chóng thu hồi và tái định cư để đảm bảo cuộc sống.

Đối với các khu nhà gỗ còn lại, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm đã ban hành Thông báo thu hồi đất, Quyết định thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và Tổ công tác; tổ chức họp dân để thông báo thu hồi đất, kế hoạch tiến độ thực hiện, các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư và các văn bản pháp lý liên quan việc thu hồi đất. Dự kiến đến hết năm 2025 sẽ di chuyển toàn bộ các hộ dân tại các khu nhà gỗ còn lại trên địa bàn phường Chương Dương. Hiện tại, chỉ còn số ít cư dân ở lại khu tập thể số 1A Hàm Tử Quan. Có lẽ, mong muốn lớn nhất của những người dân là được Nhà nước nhanh chóng thu hồi và tái định cư để họ sớm có cuộc sống ổn định, giải thoát khỏi tình cảnh “đi không được, ở cũng không xong”.

Đức Anh - Kim Quyên

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này