Bài toán khai thác “tài nguyên” vỉa hè: Vừa để thông thoáng, vừa có nguồn thu

13:10 | 27/02/2025
Sau hơn 1 năm thí điểm, việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè dù còn tồn tại nhiều ý kiến nhưng bước đầu cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực đó là công tác quản lý được đề cao, các tuyến phố cũng trở nên sạch đẹp hơn chứ không chỉ đơn thuần là thu phí cho thuê.
Hà Nội khảo sát, nghiên cứu cho thuê vỉa hè tại 123 tuyến phố Công khai, minh bạch trong quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố

3 nguyên tắc của đề án

“Đề án quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Hà Nội” được UBND thành phố giao Sở Xây dựng Hà Nội chủ trì thực hiện đã hoàn thành các khâu khảo sát công phu, kỹ lưỡng. Hiện, Đề án đang được lấy ý kiến phản biện xã hội của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học cũng như chính quyền các địa phương trong diện thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công, 3 nguyên tắc xây dựng Đề án Quản lý, khai thác, sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn thành phố Hà Nội là lòng đường và hè phố được sử dụng cho mục đích chính là phục vụ giao thông. Hè phố phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến.

Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố ngoài mục đích giao thông phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoặc chấp thuận. bảo đảm đúng mục đích và phạm vi cho phép.

Bài toán khai thác “tài nguyên” vỉa hè: Vừa để thông thoáng, vừa có nguồn thu
Sở Xây dựng Hà Nội cùng các chuyên gia tư vấn đã khảo sát toàn diện hiện trạng, kết cấu hè phố.

Căn cứ vào số lượng các tuyến phố đề xuất của 17 quận, huyện, thị xã, Viện Khoa học công nghệ và kinh tế xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cùng các chuyên gia tư vấn đã khảo sát toàn diện hiện trạng, kết cấu hè phố tại 273 tuyến phố, với 468 đoạn tuyến và 899 hè phố

Từ kết quả khảo sát cùng bài học tham khảo cả trong nước và quốc tế, Đề án thiết lập 6 nhóm tiêu chí sử dụng hè phố. Trong đó, tiêu chí đầu tiên là hè phố phải có chiều rộng tối thiểu 3m trở lên để đáp ứng cho người đi bộ và bố trí hạ tầng kỹ thuật, một phần để kinh doanh và trông giữ phương tiện. Đối với khu phố cổ, cho phép hè phố có chiều rộng nhỏ hơn 3m được kinh doanh trong thời gian tổ chức không gian đi bộ hoặc thời gian khác được UBND quận cấp phép.

Tổ soạn thảo cũng đã đề xuất 9 mô hình trong quản lý, khai thác và sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nhằm bảo đảm tính khả thi, khả dụng và là cơ sở để áp dụng trên địa bàn thành phố, trong đó ưu tiên tập trung tại khu vực phố cổ, phố cũ. 9 mô hình này được thiết kế dựa trên các tiêu chí khu phố cổ có hè phố nhỏ hơn 3m; các hè phố có bề rộng 3-4,5m; 4,5-6m; 6-7,5m và trên 7,5m.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho biết, khi triển khai, các địa phương căn cứ hiện trạng thực tế hoặc bất cập phát sinh để điều chỉnh, bảo đảm tính linh hoạt. Về thu phí, tổ soạn thảo nghiên cứu kỹ, dựa trên căn cứ của Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về việc ban hành một số quy định thu phí, lệ phí trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mức thu phí cụ thể sẽ được các quận, huyện triển khai chi tiết trong quá trình thực hiện.

Ngoài ra, UBND cấp huyện cũng sẽ lấy ý kiến các hộ dân thuộc biển số nhà khu vực cấp phép kinh đoanh để bảo đảm đồng thuận và có ưu tiên cho người dân đã kinh doanh ở vị trí đó. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các tập thể, cá nhân, Sở Xây dựng đang hoàn thiện Đề án để trình UBND thành phố.

Vai trò của chính quyền cơ sở

Theo ông Vũ Hào Quang, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Tổng hợp và Phân tích Dư luận xã hội, Ủy ban Mặt trật Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, từ lâu người dân Hà Nội đã sử dụng vỉa hè lòng đường làm nơi buôn bán, kinh doanh, tuy nhiên chưa có quy định có tính toàn diện và đồng bộ để quản lý hiệu quả vấn đề này. Thậm chí có tới 22,43% tuyến phố có tình trạng khai thác sử dụng trái phép để trông giữ xe trái phép gây mất an toàn giao thông và trật tự an ninh Thành phố

“Hiện tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để buôn bán và làm các loại dịch vụ khác nhau vẫn xảy ra thường xuyên gây bức xúc trong nhân dân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vẻ đẹp, tính thanh lịch văn minh của người Hà Nội”, ông Vũ Hào Quang nhấn mạnh.

Để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đề nghị Đề án phải nêu rõ thời gian thực hiện thí điểm; cần phân cấp kiểm tra xử lý vi phạm và nói rõ chi tiết của bãi để xe.

Đại diện đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện Đề án, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Trịnh Hoàng Tùng cho biết, trên cơ sở dự thảo Đề án, quận Hoàn Kiếm đã xây dựng bộ tiêu chí cơ chế quản lý để triển khai tới từng phường và công khai tới nhân dân. Quận cũng sẽ áp dụng công nghệ số vào việc cấp phép, thu phí điện tử; sẽ phân theo các nhóm: Hè trông giữ xe, phố kinh doanh dịch vụ…; xác định diện tích sử dụng cho từng tuyến phố và công khai rộng rãi đến người dân.

Trước mắt, quận sẽ triển khai thí điểm 6 tháng tại phố Quang Trung, phường Trần Hưng Đạo sau đó sẽ rút kinh nghiệm và triển khai rộng trên địa bàn.

Về các nội dung trong đề án, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng chia sẻ về quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo thành phố Hà Nội đó là quản lý, khai thác có hiệu quả nhằm xây dựng các tuyến phố văn minh đô thị chứ không phải mục đích thu phí thuê kinh doanh. Từ cơ sở này, rõ ràng vai trò quản lý, kiểm tra, giám sát và triển khai của chính quyền cơ sở càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Trần Tuấn Dũng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này