Nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” lao động

08:43 | 02/04/2024
(LĐTĐ) Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động (LĐ) để phục vụ sản xuất, chính vì thế một trong những nhiệm vụ quan trọng với các doanh nghiệp này là tuyển lao động vào làm việc, gắn với tăng phúc lợi và các quyền lợi khác.
Tăng cơ hội kết nối, thúc đẩy phát triển thị trường lao động Hàng nghìn chỉ tiêu với quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng

Tăng phúc lợi

Các công ty trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoạt động trong lĩnh vực may mặc như: Công ty TNHH Meraki FW (KCN Đồng An), Công ty TNHH Motomotion (KCN Mỹ Phước 3), Công ty TNHH Soul Gear ViNa (KCN Mỹ Phước II), mỗi DN đang tuyển từ 200 - 500 lao động (LĐ). Để thu hút nguồn LĐ, các đơn vị này đã đưa ra nhiều chế độ cho người lao động (NLĐ) như mức thu nhập ổn định, cấp nơi ở cho NLĐ. Tuy nhiên đến nay các đơn vị này vẫn chưa tuyển dụng được đủ số lượng LĐ theo nhu cầu.

Nhiều doanh nghiệp vẫn “khát” lao động
Thời gian qua, nhiều DN vẫn đang gặp khó khăn trong tuyến dụng lao động.

Tương tự, để mở rộng sản xuất, Công ty TNHH May mặc Bowker Việt Nam (KCN Đồng An, tỉnh Bình Dương) đang tuyển dụng 1.500 công nhân may cùng hàng trăm vị trí việc làm khác như thợ máy, bảo trì máy, kiểm hàng, đóng gói. Về chế độ ưu đãi, với LĐ mới sau một tháng làm việc sẽ được thưởng 1 triệu đồng/người và hỗ trợ đi lại 400.000 đồng/người/tháng cho LĐ ngoài tỉnh. DN cũng thông báo thưởng cho NLĐ giới thiệu công nhân may đến làm việc tại DN mình.

Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Hwaseung Vina, chuyên sản xuất giày thể thao có trụ sở tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cần tuyển 25.000 LĐ nhưng đến nay chỉ mới tuyển được hơn 1.000 LĐ. Hiện DN này đang tiếp tục tuyển thêm 1.000 LĐ phổ thông với mức lương từ 6,7-10 triệu đồng/tháng. Ngoài ra để tuyển dụng LĐ, DN này còn đưa ra chính sách hỗ trợ công nhân mới 2 triệu đồng/người, LĐ có kinh nghiệm, tay nghề hỗ trợ thêm 500.000 đồng.

Chưa dừng lại ở đó, để có đủ LĐ cho hoạt động sản xuất, DN này còn “thưởng” cho mỗi công nhân 500.000 đồng nếu giới thiệu thêm được một LĐ mới. Tương tự, Công ty TNHH Dệt may Eclat Việt Nam, đóng tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai cũng đang tuyển 2.000 LĐ phổ thông chuyên về may mặc. Thế nhưng dù đã tích cực “tìm kiếm” nhưng trong quý I vừa qua, đơn vị mới tuyển được gần 1.000 LĐ.

Tại ngày hội Việc làm năm 2024 vừa diễn ra ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có 25 DN tham gia với nhu cầu tuyển trên 5.000 LĐ, trong đó LĐ phổ thông chiếm hơn 96%. Một số DN khác cũng có nhu cầu tuyển 2.000 LĐ phổ thông. Dù các DN đã đưa ra nhiều chính sách và quà tặng để khuyến khích công nhân vào làm việc nhưng có khoảng 150 LĐ được tuyển dụng. Bên cạnh LĐ phổ thông, LĐ kỹ thuật cũng đang được các DN “săn đón” nhưng lượng LĐ đến tìm việc cũng rất ít ỏi.

Theo một số DN, nguyên nhân thời gian qua các DN khó tuyển dụng LĐ là do NLĐ không đáp ứng các yêu cầu của DN đưa ra. Bên cạnh đó, hiện có sự dịch chuyển từ LĐ khu vực chính thức sang khu vực phi chính thức nên chưa quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng của các DN. Mặt khác, do thời gian mất việc kéo dài trong năm 2023, nhiều NLĐ rời khỏi đô thị về lại các tỉnh và họ cũng đã tìm được việc làm ở quê nhà. Mặt khác, nhiều lao động thất nghiệp đã ở tuổi ngoài 35 nên rất khó xin việc, vì sức khỏe không đảm bảo, kỹ năng làm việc hạn chế.

Kết nối giữa cung cầu

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối việc làm, triển khai thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm cho NLĐ. Cùng với đó, tổ chức các sàn giao dịch việc làm để kết nối DN và NLĐ. Để tạo điều kiện cho các DN tìm kiếm nhân lực, đảm bảo kế hoạch sản xuất, trung tâm đã tăng cường tổ chức các sàn việc làm hàng tháng và nắm bắt tình hình LĐ, thông tin tuyển dụng của DN để có giải pháp kết nối cung - cầu LĐ.

Ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh Bình Dương cho biết, do nhu cầu mở rộng, tái sản xuất, đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều DN đang cần tuyển dụng với một lượng LĐ khá lớn. Bên cạnh ngành may và giày da, điện tử vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng, do đó sẽ có nhiều cơ hội việc làm cho LĐ, nhất là LĐ phổ thông.

“Từ đầu năm 2024 đến nay, trung tâm DVVL tỉnh đã tổ chức tư vấn việc làm cho 23.474 LĐ; giới thiệu việc làm cho 16.486 người và số giới thiệu được việc làm ổn định cho 8.269 người”, ông Nguyễn Thanh Phương chia sẻ.

Trong khi đó theo thông tin từ Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương, nhằm đáp ứng cung cầu LĐ trong quý II/2024 cho các DN trên địa bàn, đơn vị tiếp tục mở các phiên giao dịch định kỳ, các buổi tư vấn kỹ năng tìm việc, cập nhật chính sách cho DN; liên hệ các DN để thực hiện liên kết LĐ với các tỉnh còn nguồn LĐ. Song song đó, trung tâm tiếp tục phát triển các kênh tư vấn giáo dục việc làm cho LĐ và DN như Facebook, Zalo, các nhóm việc làm…

Về giải pháp dài lâu cho bài toán LĐ, theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh Bình Dương, các ngành trong công tác hướng nghiệp cần có sự phân luồng học sinh sau trung học, tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức giảng dạy chương trình phù hợp để đào tạo nguồn LĐ.

Các địa phương có lượng khu công nghiệp có nhu cầu sử dụng số LĐ lớn cần đẩy mạnh xây dựng chính sách việc làm trên nguyên tắc có tính dự báo; tham mưu điều chỉnh chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho NLĐ. Ngoài ra, DN cũng cần xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ đủ hấp dẫn để giữ chân NLĐ trong khu vực DN, nhất là những bất cập về tiền lương.

Trong khi đó, theo đại diện Trung tâm DVVL tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến các DN và NLĐ chưa “về một nhà” là do nhiều DN tuyển dụng mức lương bình quân không cao; DN cần tuyển LĐ trẻ từ 35 tuổi trở xuống để đào tạo, trong khi LĐ lớn tuổi thì phải có tay nghề. Ngoài ra, nhiều DN vẫn chưa đáp ứng được phúc lợi như nhà trọ, trường học cho con em NLĐ; không ít DN trả lương theo sản phẩm, nên NLĐ không mặn mà.

Còn theo một số đơn vị tuyển dụng LĐ trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai, nguyên nhân thiếu hụt lao động phổ thông trong những tháng đầu năm 2024 là do trước đó nhiều DN thiếu đơn hàng sản xuất, không bảo đảm thu nhập, một lượng lớn công nhân lao động đã về quê hoặc tìm được việc làm ổn định ở lĩnh vực khác. Cùng với đó, sự phát triển công nghiệp từ các tỉnh trong những năm gần đây phần nào làm hạn chế lao động phổ thông xin việc ở tỉnh xa.

Thành Đồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này