Ước mơ trở thành luật sư của cô gái dân tộc Mông 3 lần bị “kéo vợ”

12:51 | 18/03/2024
(LĐTĐ) Khi bố hỏi: “Con có muốn không?”, Sùng Thị Sơ bật khóc nức nở: “Bố cứu con, con không muốn đâu, con muốn được về nhà”. Những lời cầu cứu trong lần thứ 3 bị kéo về nhà một chàng thanh niên lạ làm vợ đến bây giờ Sơ vẫn không thể quên...
Người “giữ hồn” văn hóa dân tộc Mông ở cao nguyên trắng Bắc Hà Về Hoà Bình xem lễ hội Gầu Tào của dân tộc Mông Chàng trai người Mông “thắp lửa” du lịch cộng đồng

Sùng Thị Sơ sinh năm 2002, là một cô gái dân tộc Mông lớn lên tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Gia đình đông anh em, khó khăn nhưng cô không ngừng phấn đấu, vươn lên. Hiện tại, Sùng Thị Sơ sắp hoàn thành năm thứ 4 trường Đại học Luật Hà Nội. Không chỉ có thành tích học tập tốt, Sùng Thị Sơ còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động ngăn ngừa tảo hôn, kêu gọi các cô gái trẻ biết bảo vệ mình và chống lại các hủ tục lạc hậu. Sau đây là cuộc trò chuyện của phóng viên (PV) với bạn Sùng Thị Sơ.

Ước mơ trở thành luật sư của cô gái dân tộc Mông 3 lần bị “kéo vợ”
Sùng Thị Sơ sắp hoàn thành năm 4 trường Đại học Luật Hà Nội.

PV: Thời gian qua, câu chuyện về 3 lần thoát khỏi việc bị “kéo vợ” của Sùng Thị Sơ khiến nhiều người cảm phục. Bạn có thể chia sẻ thêm về câu chuyện của mình?

Sùng Thị Sơ: Tục “kéo vợ” vốn là nét đẹp văn hóa, thể hiện tự do hôn nhân, mưu cầu hạnh phúc của những đôi trai gái yêu nhau nhưng bị ngăn cản, ràng buộc bởi sính lễ. Tuy nhiên, tập tục hiện nay đang bị biến tướng, khiến nhiều cô gái trẻ đang tuổi đến trường bỗng dưng thất học, phải lấy chồng khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Bản thân tôi đã trải qua 3 lần bị “kéo vợ”, lần nào nghĩ lại cũng khiến mình ám ảnh. Lần đầu tiên diễn ra vào năm tôi học lớp 8, còn lần thứ hai thì chỉ cách đúng 1 ngày trước khi nhập học lớp 10, và lần thứ 3 là thời điểm ôn thi tốt nghiệp Trưng học phổ thông Quốc gia. Trong đó, ở lần thứ 3 là lần tôi không thể quên nhất.

Khoảng tháng 5/2020, khi đang ở nhà học, có một thanh niên lạ đến rủ đi chơi nhưng tôi từ chối. Thấy không ai ở nhà, thanh niên này cùng một người nữa kéo tôi lên xe máy. Tôi bị lấy điện thoại, kẹp giữa hai người, không thể vùng vẫy, phản kháng. Tối hôm đó, tôi bị bắt phải ngủ cùng người lạ nhưng tôi đã giằng co, phản kháng quyết liệt.

Sáng hôm sau, khi nghe mẹ thanh niên này nhắc đến chuyện xuống ruộng phun thuốc, tôi đã xin để được đi cùng và năn nỉ để được trả lại điện thoại. Lúc đấy, biết đây là cơ hội duy nhất để trốn thoát, tôi đã gọi cho bố và bố hỏi: “Con có muốn hay không?”, tôi khóc nức nở: “Bố ơi cứu con, con không muốn đâu, con muốn được về nhà”. Bố tôi đã đứng ra nói chuyện với gia đình họ thì đến lúc đó bạn nam kia mới quyết định chở tôi về nhà.

Ước mơ trở thành luật sư của cô gái dân tộc Mông 3 lần bị “kéo vợ”
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Sùng Thị Sơ (ở giữa) còn tích cực tham gia nhiều hoạt động xã hội.

PV: Cảm xúc của bạn trước những định kiến, lời dị nghị của dân làng khi bị “kéo vợ” tới 3 lần mà vẫn chưa lấy chồng?

Sùng Thị Sơ: Hàng xóm nói ra nói vào nhiều lắm, người ta bảo tôi lấy chồng đi, 3 lần bị kéo như thế rồi còn từ chối làm gì. Với họ, trước sau gì cũng phải lấy chồng, học cao cũng vô ích. Thực ra, khi bắt đầu đi học cấp hai rồi cấp ba, tôi đã bị mọi người soi mói, có một cái nhìn tiêu cực và không mấy ủng hộ. Bởi vì chưa có một đứa con gái nào ở bản, đi học đến cấp ba hết, thậm chí là đại học. Chưa kể là bị “kéo vợ” tới 3 lần.

Khoảng thời gian ấy không chỉ kinh khủng đối với tôi mà cũng rất kinh khủng đối với bố mẹ tôi nữa. Bố mẹ tôi mới là người chịu tổn thương nhất trong những lần mà tôi trốn thoát, cũng như trước những lời dị nghị của dân làng. Tuy nhiên, đây cũng chính là động lực lớn với tôi. Mặc kệ mọi người nói gì, mình hãy cứ sống vì mình thôi và đừng quá quan tâm đến lời người khác nói.

PV: Việc trải qua 3 lần bị “kéo vợ” tác động như thế nào đến việc bạn lựa chọn theo học ngành luật?

Sùng Thị Sơ: Lý do mà tôi lựa chọn theo học ngành luật vì muốn có những kiến thức về pháp luật để bảo vệ bản thân mình cũng như những người xung quanh mình. Sau khi trải qua 3 lần bị “kéo vợ” như vậy, tôi biết hành vi của họ đã trái pháp luật rồi, nhưng lúc đó lại không có sự hiểu biết nhất định nào để có thể đưa họ ra trước pháp luật.

Hơn hết, tôi rất muốn bảo vệ những người phụ nữ ở địa phương. Nhiều người có hoàn cảnh rất khốn khổ, người phụ nữ bị bạo hành nhưng không có ai đứng ra để bảo vệ họ, thậm chí họ chọn cách rời xa thế giới này vì ở đường cùng và không có ai giúp đỡ cả. Động lực để tôi chọn học luật cũng xuất phát từ những trải nghiệm, hoàn cảnh sống và môi trường xung quanh.

Ước mơ trở thành luật sư của cô gái dân tộc Mông 3 lần bị “kéo vợ”
Sùng Thị Sơ có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình học tại Trường Đại học Luật Hà Nội.

PV: Là một người trẻ rất tích cực trong việc tham gia các hoạt động liên quan đến vấn đề tảo hôn, bạn có thể chia sẻ thêm về mong muốn của bản thân khi tham gia các hoạt động đó?

Sùng Thị Sơ: Khi tham gia bất kỳ một hoạt động nào, tôi cũng đều có mong muốn riêng. Tôi nhận thấy ngoài hiểu biết về pháp luật cần phải có những trải nghiệm liên quan đến các hoạt động tảo hôn mà mình tham gia. Ước mơ của tôi không chỉ là trở thành luật sư mà còn muốn góp phần tạo nên sự thay đổi tư duy, nhận thức của mọi người về tục “kéo vợ”, mặc dù đây là một điều không hề dễ dàng. Hiện nay đang là thời đại 4.0, chúng ta cần phải làm gì đó để thay đổi một cách văn minh hơn.

PV: Những chuyện đã trải qua có làm thay đổi suy nghĩ hoặc quan điểm của bạn về hôn nhân và gia đình không?

Sùng Thị Sơ: Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã có suy nghĩ rằng, sau này, tôi sẽ lấy một người chồng mà người ta đường đường chính chính đến nhà cưới hỏi chứ không phải theo kiểu là họ sẽ bắt mình ngay lúc đêm khuya như vậy. Kể cả nếu là người mình thực sự yêu, mà họ cưới tôi theo cái cách thức “kéo vợ” thì chắc chắn tôi sẽ từ chối. Tôn trọng, bình đẳng và cùng phát triển là những điều mà tôi luôn mong muốn ở cuộc sống hôn nhân sau này. Từ trước đến nay, tôi vẫn luôn giữ vững suy nghĩ đó.

Một số thành tích, hoạt động nổi bật của Sùng Thị Sơ:

- Nhận bằng khen của Ủy ban Dân Tộc tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu.

- Đạt giải Nhất Cuộc thi viết về những trải nghiệm của người phụ nữ.

- Trở thành Phó ban Nhân sự, thành viên Quốc gia Ban Tham vấn Thanh Niên của Tổ chức Plan International Việt Nam.

- 1 trong 2 Đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Nepal).

- 1 trong 15 thành viên Đông Nam Á của Quỹ Spark thuộc Quỹ Trẻ em Toàn cầu.

- Đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến Thanh Niên Tiên Phong của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc, Bàn tròn Thanh Niên về phát triển số 16 của Liên Hợp Quốc.

Mai Trang - H.Duy (Thực hiện)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này