Mùng 5 Tết: Thị trường hàng hóa dồi dào, sức mua cầm chừng

18:52 | 14/02/2024
(LĐTĐ) Mùng 5 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội đều đã mở cửa và hoạt động bình thường, tuy nhiên sức mua’ vẫn cầm chừng, giá ổn định.
Thị trường thực phẩm ngày cận Tết giá ổn định, hàng hóa dồi dào Nguồn cung hàng hóa dồi dào sau kỳ nghỉ Tết, không có sự tăng giá bất thường Hàng hóa tại các siêu thị vẫn đầy ăm ắp dù sức mua đã tăng 30%

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao động Thủ đô, ngày mùng 5 Tết, người dân đã bắt đầu trở lại thành phố để chuẩn bị cho ngày đi làm đầu năm mới. Bởi thế, các chợ truyền thống, siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội hầu hết đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Mùng 5 Tết: Thị trường hàng hóa dồi dào, sức mua cầm chừng
Thị trường rau xanh dồi dào, sức mua giảm so với mọi năm.

Cũng như mọi năm, sau Tết, rau xanh là mặt hàng được tiêu thụ mạnh nhất. Do có sự chuẩn bị sẵn nên tại các chợ dân sinh, hệ thống bán lẻ nguồn cung rau xanh dồi dào, giá cả tương đối ổn định. Ghi nhận tại chợ Hà Đông cho thấy, giá rau cải bắp vào khoảng 10 nghìn đồng/kg; su hào có giá từ 7 - 10 nghìn đồng/củ; cà rốt 10 - 12 nghìn đồng/kg; súp lơ xanh 10 - 15 nghìn đồng/cái; rau cần 10 nghìn đồng/bó; cải cúc 5 - 7 nghìn đồng/bó…

Trong khi đó, mặt hàng thịt dù khá dồi dào nhưng sức mua giảm, mức giá được giữ ổn định so với dịp trước Tết Nguyên đán 2024. Cụ thể: Thịt lợn thăn có giá từ 140 - 160 nghìn đồng/kg; thịt gà lông 115 - 140 nghìn đồng/kg; thịt bò thăn loại 1 có giá từ 280 - 320 nghìn đồng/kg. Ngoài ra, cá cũng là mặt hàng thực phẩm tươi sống được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, nhưng giá chỉ tăng nhẹ, đơn cử như cá chép có giá 75 - 85 nghìn đồng/kg; cá trắm trắng có giá từ 75 - 80 nghìn đồng/kg...

Mùng 5 Tết: Thị trường hàng hóa dồi dào, sức mua cầm chừng
Các hệ thống siêu thị bán lẻ đã mở cửa trở lại, nguồn cung hàng hóa dồi dào.

Theo chị Nguyệt, một tiểu thương bán rau tại chợ Hà Đông, ngày mùng 5 Tết, các mặt hàng rau xanh đổ về chợ khá dồi dào, giá cả tương đối ổn định, tuy nhiên, sức mua giảm chỉ bằng 1/2 so với mọi năm.

“Sức mua giảm chủ yếu là do nhiều người đã mua sắm dự trữ từ trước Tết. Cùng với đó, năm nay khí hậu khá thuận lợi nên các mặt hàng rau xanh rất dồi dào, do vậy giá cả không tăng so với mọi năm”, chị Nguyệt cho hay.

Ngoài các mặt hàng thực phẩm tươi sống, giá hoa, quả cũng ổn định. Mặc dù ngày mùng 5 Tết năm nay trùng với ngày lễ Valentine (ngày lễ Tình nhân 14/2) nhưng hoa hồng chỉ có giá 10 - 15 nghìn đồng/cành; hoa cúc 7 - 10 nghìn đồng/bông; hoa baby có giá từ 120 - 150 nghìn đồng/bó…

Mùng 5 Tết: Thị trường hàng hóa dồi dào, sức mua cầm chừng
Thị trường hoa tươi khá trầm lắng dù mùng 5 Tết đúng vào ngày Valentine 14/2.

Trước đó, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2024, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị hàng trăm ngàn tấn sản phẩm hàng hoá, ước tổng giá trị khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng khoảng 15% so với thực hiện dịp Tết năm 2023.

Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024 này, đã có hơn 1.300 điểm bán hàng của các đơn vị phân phối, bán lẻ đăng ký mở cửa bán hàng trở lại, phục vụ nhân dân từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 5 Tết. Từ ngày mùng 6 Tết trở đi, các hệ thống hoạt động bình thường phục vụ nhân dân.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này