Khi Đảng gần dân - Kỳ cuối: Tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng

16:03 | 20/11/2023
(LĐTĐ) Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm “nhiều vai” ở cơ sở đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền. Chỉ số lòng tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với Đảng tăng lên; công tác phát triển đảng viên được đặc biệt quan tâm, nhất là ở thôn, bản, khu phố có ít đảng viên.
Góc nhìn đa chiều từ nơi gần dân nhất Nữ cán bộ hòa giải gần dân, sát cơ sở

Nâng cao vai trò, trách nhiệm

Trong quá trình thực hiện Kế hoạch số 109-KH/TU về “Tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24/9/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội”, có thể thấy, việc tinh giản, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ không chuyên trách thôn, tổ dân phố đã giảm bớt sự cồng kềnh trong tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở.

Đặc biệt, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy chính quyền cơ sở; phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy chi bộ và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy chi bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ sở...

Khi Đảng gần dân - Kỳ cuối: Tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng
Với sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm “nhiều vai” ở cơ sở đã góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Ông Lại Viết Bang trước đây là Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 11 phường Trung Tự, quận Đống Đa, hiện nay, ông là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận. Theo ông Bang, việc triển khai thực hiện hoàn thiện mô hình tổ chức hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư thời gian qua tạo được sự thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ quận, phường đến cơ sở.

Trong đó, hiệu quả hoạt động của đội ngũ Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng ban Công tác Mặt trận luôn nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Hầu hết các vấn đề quan trọng tại Tổ dân phố đã được chi bộ, chính quyền chỉ đạo, giải quyết kịp thời...

“Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố có điều kiện sâu sát thực tế, nắm bắt tình hình chính trị tư tưởng, việc chấp hành chính sách pháp luật của cán bộ, đảng viên và nhân dân tốt hơn... Từ đó, có sự chỉ đạo, điều hành phù hợp, sát thực tiễn, đảm bảo tính khả thi cao. Quan trọng hơn, vì Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố là người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ nên không xảy ra tình trạng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm hoặc đổ lỗi cho người khác khi không hoàn thành nhiệm vụ…”, ông Lại Viết Bang nhấn mạnh.

Cùng chung quan điểm, ông Phạm Văn Hà, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban công tác Mặt trận Khu dân cư số 3, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, cho biết, việc nhất thể hóa chức danh Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận không chỉ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của bộ máy chính quyền ở địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các khu dân cư, tổ dân phố nói riêng và ở phường, quận nói chung…

“Đặc biệt, trước đây, đối với những nơi Tổ trưởng Tổ dân phố chưa là đảng viên sẽ gặp những khó khăn nhất định trong việc tiếp thu, triển khai thực hiện chủ trương, Nghị quyết của cấp trên tại các khu dân cư. Sự thống nhất và chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chi bộ, Bí thư Chi bộ, của Tổ dân phố chưa cao… Không những vậy, còn khiến vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở còn hạn chế…”, ông Hà bày tỏ.

Việc người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thôn, Tổ dân phố chủ động nắm bắt toàn diện tình hình chung, tiếp thu tinh thần chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, giải quyết kịp thời các vấn đề, mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở... đã góp phần tạo sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân". Từ đó, nhiều chủ trương mới, việc khôi phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, của địa phương cũng thực hiện thành công. Nổi bật phải kể đến dự án đường Vành đai 4, chương trình nông thôn mới, hay trước đó là công cuộc chống Covid-19...

Gỡ khó để hoàn thành mục tiêu

Trên thực tế, trong những năm qua các địa phương trên địa bàn Hà Nội đã chú trọng thực hiện tốt công tác lựa chọn nhân sự bảo đảm về trình độ, năng lực, phẩm chất, tác phong và uy tín. Nhờ vậy đội ngũ cán bộ ở cơ sở đã thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo chính trị, trung tâm đoàn kết.

Nói về những khăn khi tham gia công tác kiêm nhiệm, bà Vũ Thị Thanh Bình, Bí thư Chi bộ số 11 kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố số 27, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, bày tỏ: “Mặc dù có những ưu điểm nhất định nhưng khi hợp nhất Bí thư Chi bộ kiêm Tổ trưởng Tổ dân phố chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Hiện nay, Chi bộ cũng như Tổ dân phố có quá nhiều công việc. Từ đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh… đến cách sinh hoạt tại khu dân cư. Do vậy, tô hi vọng rằng, sẽ có thêm các chế độ chính sách, tạo điều kiện cho những người tham gia công tác kiêm nhiệm”.

Bên cạnh khối lượng công việc từ cơ sở lớn thì việc phần lớn các đồng chí cán bộ ở cơ sở là đảng viên lớn tuổi cũng là một khó khăn. Bởi các đảng viên lớn tuổi có ưu điểm là tâm huyết, trách nhiệm nhưng cũng có những hạn chế như không nhanh nhạy, linh hoạt bằng người trẻ. Ví dụ cụ thể nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền. Các đồng chí cao tuổi sẽ rất khó tiếp cận, làm tốt được việc này và vẫn phải cần người khác hỗ trợ nhiều.

Khi Đảng gần dân - Kỳ cuối: Tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng
Bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự thì việc có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút người có trình độ, năng lực tham gia công tác ở cơ sở là cần thiết.

Còn tại các huyện ngoại thành, hầu hết cán bộ thôn đều sống dựa vào nghề nông hoặc đi làm thêm bên ngoài vì phụ cấp thấp, kể cả hợp nhất các chức danh thì thu nhập cũng không cao. Do đó, nhiều cán bộ không đồng ý kiêm nhiệm vì công việc quá nhiều, trách nhiệm cao, mà thu nhập không đáp ứng nhu cầu cuộc sống.

Do vậy, ở các địa phương, từ những khó khăn trên, ở nhiều nơi đã thực hiện linh hoạt, chọn được người có đủ năng lực, trình độ, trách nhiệm và sự tín nhiệm của người dân thì thực hiện. Đồng thời, tiếp tục duy trì thực hiện tinh giản bộ máy cán bộ thôn, bản, tổ dân phố thông qua hợp nhất một số chức danh.

Ông Trần Hồng Kông, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên, cho biết, hiện nay, trên địa bàn xã Hồng Minh có 9 thôn, trong đó, có 9 đồng chí Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận; trong 9 Trưởng thôn thì có 3 đồng chí là đảng viên, còn lại 6 đồng chí là quần chúng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hồng Minh cũng cho rằng, việc hợp nhất Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn hoặc Trưởng ban công tác Mặt trận, trong đó, ưu tiên Trưởng thôn là đảng viên có ưu điểm là đồng nhất công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ nên hiệu quả công việc cao hơn. Tuy nhiên, cái khó là không phải thôn nào cũng tìm được người có đủ năng lực, trình độ, tinh thần trách nhiệm để kiêm nhiệm hai chức danh này.

Có thể thấy, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự thì việc có thêm những cơ chế, chính sách cụ thể như nâng mức phụ cấp, hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng... để thu hút những người có trình độ, năng lực tham gia công tác ở cơ sở là điều cần thiết.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này