Người “giữ lửa”cho đồ chơi Trung thu truyền thống

11:57 | 29/09/2023
(LĐTĐ) Mỗi dịp Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến, người thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật vừa làm vừa dậy con cháu làm đồ chơi trung thu truyền thống. Gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến là gia đình hiếm hoi đến nay vẫn giữ nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống ở Thủ đô.
Những người giữ nét đẹp đồ chơi Trung thu truyền thống Trung thu ở Hà Nội: Tìm trăng trên phố Gìn giữ những nét đẹp của Trung thu xưa

Nhiều năm về trước, cứ mỗi dịp gần đến Tết Trung thu, người người, nhà nhà tại làng Hậu Ái, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật sản xuất đèn lồng phục vụ khách hàng, xe vào tấp nập lấy đèn ông sao, đèn cá chép và các đồ chơi truyền thống để giao đi khắp nơi.

Nhắc đến làng Hậu Ái là những người dân Hà Nội gốc và Hà Tây cũ đều biết đến nơi đây như cái nôi sản xuất đèn lồng của xứ Kinh Kỳ xưa.

Tuy nhiên, ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, đồ chơi công nghiệp gắn tiếng nhạc, màu sắc bắt mắt nhiều nên làng nghề truyền thống Hậu Ái ngày càng mai một. Hiện, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn đang ngày đêm lặng lẽ, miệt mài với nghề, nhất là mỗi dịp Trung thu.

Người “giữ lửa” thắp sáng đồ chơi trung thu truyền thống
Với bà Tuyến, đây không chỉ là nghề truyền thống gia đình mà đó là sự đam mê, yêu thích, mong muốn gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống cho thế hệ sau.

Gắn bó với nghề từ hơn nửa thế kỷ, với bà Tuyến việc làm ra những đồ chơi Trung thu không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là giữ nét văn hóa của làng trước “cơn bão” đô thị hóa. Trung bình mỗi chiếc đèn ông sao truyền thống được gia đình bán với giá 40 nghìn đồng/chiếc, trừ nguyên, vật liệu thì lãi được một nửa. Trong khi đó mỗi ngày, bà chỉ làm được từ 6-7 cái, như vậy ngày công chưa đến 150 nghìn đồng.

“Nói chung tôi lấy công làm lãi, chứ lợi nhuận không thể sống được. Lý do mà suốt mấy chục năm qua chưa khi nào tôi bỏ nghề là nhận được sự quan tâm, động viên của chính quyền và nhân dân trong xã, thôn. Gần đây, nhiều trường học ở khu vực nội thành Hà Nội cũng đã tổ chức các đoàn đưa các em nhỏ đến nhà tôi để tham quan, tìm hiểu và trực tiếp học cách làm đèn ông sao.

Đặc biệt, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Ban Quản lý phố cổ và hồ Hoàn Kiếm cũng đã mời tôi đến để giới thiệu về cách làm cũng như giá trị của đồ thủ công truyền thống với du khách”, bà Tuyến chia sẻ.

Trong lúc tranh thủ vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Tuyến kể, bà làm đồ chơi trung thu từ năm 8 tuổi, ban đầu chỉ dán giấy màu cho bố, sau lớn dần thì làm khung, rồi tự tay hoàn thiện những món đồ chơi từ đầu đến cuối. Bà vẫn nhớ ngày đầu dán những mảnh giấy màu lên đuôi con cá chép, vậy mà từ đó đến nay đã hơn 50 năm làm nghề.

“Tôi còn làm nghề này vì yêu nghề, vì giữ nghề truyền thống của làng, của tổ tiên. Tính đến tôi bây giờ là đã 3 đời làm đồ chơi trung thu truyền thống. Công việc này như một phần máu thịt của tôi”, bà Tuyến tâm sự.

Người “giữ lửa” thắp sáng đồ chơi trung thu truyền thống
Với đồ chơi truyền thống này khéo tay thôi chưa đủ mà cần sự tỉ mỉ, kiên nhẫn trong từng chi tiết nhỏ.

Bà Tuyến cho biết thêm, để làm được những sản phầm thủ công thì cần sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo tay, tuyệt đối không được đốt cháy giai đoạn. Bởi mỗi loại đồ chơi đều gắn với những câu chuyện dân gian, gắn với sự giáo dục truyền thống của cha ông ta để lại.

Chỉ tay vào ông tiến sĩ giấy vừa được hoàn thiện, bà Tuyến kể rằng, sở dĩ xưa kia trong mâm cỗ trung thu dành cho trẻ nhỏ luôn có ông tiến sĩ giấy là vì cha ông ta muốn giáo dục và mong muốn con cháu học hành giỏi giang, đỗ đạt, tương lai sáng lạng. Đi kèm với ông tiến sĩ giấy luôn có hai ông đánh gậy trông trăng đi cùng, bởi xưa đỗ tiến sĩ là ra làm quan và quan là phải có quân lính đi cùng.

Về mặt ý nghĩa là vậy, nhưng để tạo ra được sản phẩm lại không hề đơn giản. Trước đó, bà Tuyến cùng chồng phải chuẩn bị nguyên vật liệu từ tháng 5 Âm lịch. Đó là những cây nứa đạt tiêu chuẩn, rồi về chẻ nan, tạo khung rất mất thời gian, sau đó mới đến công đoạn cắt giấy.

Theo bà Tuyến, nghề làm đồ chơi trung thu không giống các nghề khác là cả năm chỉ làm việc cật lực trong vòng chưa đầy 1 tháng, giáp dịp Tết Trung thu. Để đảm bảo hàng cho khách, bà đã phải huy động chồng, con cùng hỗ trợ làm việc. Mỗi người thực hiện một công đoạn từ làm nan, cắt giấy, dán đèn,…

Người  “giữ lửa”cho đồ chơi Trung thu truyền thống
Hầu hết các sản phẩm đồ chơi Trung thu bà Tuyết làm ra phục vụ cho trường học, cơ quan làm quà tặng cho các em nhỏ.

Bên cạnh việc làm đồ chơi trung thu bán, bà Tuyến còn đón học sinh các trường tại Hà Nội đến nhà bà học làm thủ công, hoặc cũng có thể bà đến các trường để hướng dẫn các cháu thực hiện.

Với người phụ nữ này, việc làm đồ chơi Trung thu chỉ là để thỏa lòng đam mê và yêu nghề, hơn thế nữa là có nơi để giáo dục truyền thống văn hóa cho các cháu nhỏ trong thời đại 4.0. Bởi nếu ai cũng bỏ nghề, trẻ nhỏ lớn lên chỉ biết những đồ chơi hiện đại với nhiều màu sắc sặc sỡ, thì dần dần chúng sẽ không biết được ý nghĩa của chiếc đèn ông sao 5 cánh, hay ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ trông trăng…

“Tôi cảm thấy rất vui khi những năm gây đây, chính quyền các địa phương, các trường học đang dần quan tâm đến đồ chơi truyền thống. Bằng chứng là các trường học, đoàn thể khu dân cư đặt đèn lồng nhiều hơn. Ngoài ra, cũng có nhiều nơi diễn ra các hoạt động văn hóa trưng bày đèn lồng, đồ chơi truyền thống để khách đến tham quan. Đây chính là cách giáo dục thiết thực nhất và cũng là mục đích tôi hướng tới khi làm nghề”, bà Tuyến bộc bạch.

Người “giữ lửa” thắp sáng đồ chơi trung thu truyền thống
Làng Hậu Ái trước đây là thủ phủ cung cấp đèn Trung thu lớn nhất cho Thủ đô và một số tỉnh lân cận, tuy nhiên, hiện nay chỉ còn duy nhất nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vẫn đang miệt mài giữ nghề truyền thống của làng.

Là đơn vị thường xuyên cộng tác với bà Tuyến, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Giáo dục, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá, bà Tuyến luôn có những sáng tạo trên văn hóa dân gian như làm đèn con công, đèn cá chép, đèn trống… mà gần như trên các gian hàng Trung thu không thấy nữa.

“Việc bà Tuyến đến giới thiệu và hướng dẫn cách làm đồ chơi Trung thu cho du khách đã làm các hoạt động của Bảo tàng thêm phong phú, hấp dẫn. Chính những hoạt động này đã có sức lan tỏa sâu rộng để nhiều người tìm đến Bảo tàng tham quan và được đắm mình trong không gian văn hóa làng nghề truyền thống. Đấy chính là cách làm cho Bảo tàng vừa có tính tĩnh, lại có tính động”, Tiến sĩ Vũ Hồng Nhi nhấn mạnh.

Ông Trần Xuân Toàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Vân Canh cũng cho biết: “Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Vân Canh đã có kế hoạch phục hồi làng nghề Hậu Ái và rất mong muốn nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống sẽ là sản phẩm OCOP của địa phương. Tuy nhiên, do thu nhập từ nghề quá thấp, lại làm theo thời vụ nên không thu hút được người dân tham gia.

Hiện nay, chúng tôi vẫn động viên, khuyến khích đoàn thanh niên, nhà trường và các hộ gia đình đưa các cháu nhỏ đến học tập, tìm hiểu về nghề làm đồ chơi Trung thu để các em thêm hiểu, tự hào về truyền thống quê hương”, ông Trần Xuân Toàn cho hay.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này