Thước đo cải cách hành chính từ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp

11:12 | 29/09/2023
(LĐTĐ) Với quyết tâm thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhiều quận, huyện của thành phố Hà Nội đã đưa vào áp dụng những sáng kiến giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi làm thủ tục hành chính. Những nỗ lực đó góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền.
Mô hình chính quyền đô thị mang lại hiệu quả trong quản lý Nhà nước đối với Thủ đô Nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân Tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp

Kỳ 1: Những mô hình, sáng kiến vì dân

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỏi - đáp thủ tục hành chính; mở rộng các mô hình như “Ngày thứ sáu xanh”, “Một hồ sơ, ba kết quả”, “Ngày thứ tư tốc ký”…; ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện cải cách trên môi trường điện tử… là những sáng kiến thiết thực mà nhiều đơn vị, địa phương trên địa bàn Hà Nội đang triển khai để rút ngắn thời gian và thuận lợi cho người dân.

Mang lại thuận tiện cho người dân

Từ đầu năm 2023 đến nay, Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hai Bà Trưng đã triển khai nhiều mô hình, sáng kiến trong cải cách thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hiệu quả nhất. Trong đó phải kể đến những sáng kiến như: “Ngày thứ tư tốc ký” của Phòng Tư pháp và “Một hồ sơ, ba kết quả” của Văn phòng Hội đồng nhân dân (HĐND) và UBND quận.

Thước đo cải cách hành chính từ sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp
Trưởng bộ phận “một cửa” quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hường giới thiệu mô hình sáng kiến “Một hồ sơ, ba kết quả” cho công dân.

Chị Dương Thị Thanh Trà, chuyên viên Văn phòng HĐND và UBND cho biết, từ khi quận áp dụng các mô hình, sáng kiến mới thì hiệu quả công việc tăng cao, người dân thì cảm thấy rất hài lòng vì thủ tục được giải quyết nhanh hơn, tiết kiệm được thời gian đi lại.

“Việc áp dụng các mô hình này tăng việc cho công chức nhưng người dân được hưởng lợi và chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ người dân. Vì thời gian rút ngắn nên chúng tôi phải sắp xếp thời gian khoa học hơn để có thể hoàn thành hồ sơ theo quy định. Mỗi cán bộ, công chức tại đây cũng phải trau dồi kiến thức, kỹ năng cũng như kinh nghiệm làm việc, sự phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn để có thể hoàn thành tốt công việc”, chị Trà chia sẻ.

Chia sẻ về ý tưởng của mô hình sáng kiến “Một hồ sơ, ba kết quả”, bà Nguyễn Thị Thu Hường, Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND, Trưởng bộ phận “một cửa” quận cho biết, sớm nhận thức vai trò của hộ kinh doanh trong quá trình đổi mới, phát triển trên địa bàn quận nói riêng và toàn thành phố Hà Nội nói chung, Văn phòng HĐND và UBND đã tham mưu UBND quận triển khai thực hiện việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính liên thông cùng cấp “Một hồ sơ, ba kết quả”. Cụ thể, thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hộ kinh doanh.

“Mô hình sáng kiến này góp phần tạo thuận lợi cho người dân đến bộ phận “một cửa” giải quyết thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí, giúp cho công tác giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện nhanh chóng kịp thời, nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính, phát huy tối đa hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, mang lại sự hài lòng cho người dân”, bà Hường chia sẻ.

Với sáng kiến này, thay vì việc người dân phải thực hiện lần lượt từng thủ tục hành chính sau khi chờ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, mới tiếp tục thực hiện được thủ tục hành chính đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm như hiện nay, người dân chỉ cần một lần nộp hồ sơ tại bộ phận “một cửa” quận, sẽ nhận về 3 kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Trong đó, cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 15 ngày làm việc xuống còn 13 ngày làm việc. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, đăng ký thuế và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc lĩnh vực y tế: Rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ 20 ngày làm việc xuống còn 18 ngày làm việc.

Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm
Việc triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến mới giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hường, việc áp dụng mô hình sáng kiến “Một hồ sơ, ba kết quả” là tiền đề để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Đồng thời, thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước gắn với chuyển đổi số, hướng đến nền hành chính phục vụ. Mô hình sáng kiến kinh nghiệm trên được thực hiện từ ngày 1/8/2023 tại bộ phận “một cửa” của UBND quận. Đến thời điểm hiện tại, quận đã có 11 hồ sơ thực hiện theo mô hình này.

Cùng với sáng kiến “Một hồ sơ, ba kết quả”, quận Hai Bà Trưng còn thực hiện sáng kiến “Ngày thứ tư tốc ký” của Phòng Tư pháp; sáng kiến “Giải pháp đẩy mạnh chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, hướng tới chính quyền điện tử, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và công tác cải cách hành chính tại UBND phường Bạch Đằng”; sáng kiến “Thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước qua việc sử dụng mã QR code trên địa bàn phường Lê Đại Hành”; mô hình “phục vụ tại nhà áp dụng đối với thủ tục hành chính lĩnh vực chứng thực chữ ký cho người cao tuổi, người khuyết tật và người có công với cách mạng” của UBND phường Vĩnh Tuy.

Sau thời gian triển khai thực hiện các mô hình, sáng kiến trên giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại cho người dân, giúp cho công tác giải quyết hồ sơ hành chính được thực hiện nhanh chóng. Đồng thời, góp phần nâng cao năng lực trách nhiệm của cán bộ, công chức, về chuyên môn nghiệp vụ, về kỹ năng xử lý công việc cũng như tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân.

Không ngừng đổi mới, sáng tạo

Cùng với đó, nhiều quận, huyện, thị xã cũng áp dụng các sáng kiến mang lại sự thuận tiện cho nhân dân. Điển hình, UBND quận Cầu Giấy triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỏi - đáp thủ tục hành chính; UBND huyện Hoài Đức triển khai thực hiện thí điểm và thí điểm mở rộng Mô hình “Ngày thứ 6 xanh” trên địa bàn huyện đã đạt được hiệu ứng lan tỏa, theo đó rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; việc ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cải cách hành chính tại quận Hoàn Kiếm…

Trong tháng 5 vừa qua, UBND quận Cầu Giấy đã ra mắt ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính (chatbot). Việc làm này tạo thuận lợi cho người dân và giúp hơn 22.000 doanh nghiệp trên địa bàn quận tiếp cận thủ tục hành chính nhanh hơn.

Sáng kiến trên được quận Cầu Giấy triển khai khi nhận thấy nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính cho công dân vướng mắc nhiều nhất lại là ở khâu hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ. Quận triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ hỏi - đáp thủ tục hành chính, giúp người dân tiếp cận một cách dễ dàng với dịch vụ công, đồng thời tạo tiền đề cho việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào nhiều lĩnh vực khác trên địa bàn quận.

Lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm
Để trải nghiệm AI chatbot, người dân có thể truy cập Cổng thông tin điện tử quận Cầu Giấy: http://caugiay.hanoi.gov.vn.

Qua ứng dụng này, công dân hoàn toàn có thể hội thoại với AI chatbot để truy vấn thông tin cần thiết, giảm thời gian chờ đợi cho người dân, cung cấp thông tin và hỗ trợ một cách thuận tiện, chính thống, giúp cải thiện trải nghiệm của người dân với các dịch vụ công. Ứng dụng này cũng giúp quận tiết kiệm chi phí vận hành, giảm tải công việc cho cán bộ công chức, giúp cán bộ công chức tập trung vào các vấn đề phức tạp hơn.

Tại quận Hoàn Kiếm, sáng kiến trong công tác cải cách hành chính cũng được quan tâm đẩy mạnh. Quận đang duy trì hiệu quả hoạt động của Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính thông qua nhóm Zalo “Tổ công tác Kiểm soát thủ tục hành chính Hoàn Kiếm” gồm các cán bộ đầu mối đại diện các phòng chuyên môn, UBND các phường. Triển khai Hệ thống biên lai điện tử tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả quận, 18 phường. Qua đó, các phường rút ngắn thời gian tổng hợp, báo cáo, giảm thiểu khả năng thất thoát, mất hồ sơ giấy tờ, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và tổ chức trong việc giải quyết thủ tục hành chính.

Huyện Hoài Đức, huyện Mê Linh hiện đang thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “Ngày thứ ba xanh” đối với một số thủ tục hành chính. Quận Long Biên ban hành bộ Chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các trường học công lập thuộc quận và bộ Tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Hàng loạt sáng kiến thiết thực, mang lại hiệu quả trong thực tiễn đã được thành phố Hà Nội biểu dương, tuyên truyền, nhân rộng. Các sáng kiến đã giúp các địa phương cải thiện và đạt Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS cao. Điển hình như quận Hoàn Kiếm lần lượt có Chỉ số PAR Index và Chỉ số SIPAS là 96,08% và 98,51%; quận Long Biên là 94,46% và 99,27%; huyện Thanh Trì đạt 93,85% và 96,31%... Cùng với đó, việc nhân rộng các mô hình có hiệu quả tạo thành không khí thi đua xây dựng các sáng kiến, mô hình mới, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Hà Phong

(Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này