Sức sống mới ở vùng đất trũng

14:45 | 09/09/2023
(LĐTĐ) Vốn được coi là "rốn lũ" của toàn thành phố Hà Nội, Thanh Trì là vùng đất trũng, khó canh tác. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới (NTM), Thanh Trì đã vượt qua mọi khó khăn, thực hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả trên vùng đất trũng, để ngày nay xanh hơn, đẹp hơn, khang trang hơn.
Hà Nội thẩm định 2 xã nông thôn mới nâng cao của huyện Mê Linh Huyện Hoài Đức phấn đấu thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao Huyện Thanh Trì: 100% xã “về đích” nông thôn mới

Phát triển nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả

Tại xã Đại Áng, nghề làm nón truyền thống đã có lúc tưởng rằng mai một vì thị trường có nhiều thay đổi. nhưng nhờ có các chủ trương trong phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn triển khai thời gian qua mà nghề làm nón của người dân Vĩnh Thịnh đã phục hồi trở lại.

Ông Nguyễn Bá Ky, Bí thư Chi bộ thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng cho biết: “Năm 2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận thôn Vĩnh Thịnh là thôn có làng nghề truyền thống làm nón lá. Đặc biệt là SEA Games 22 được tổ chức ở Hà Nội và huyện Thanh Trì được chọn là huyện đăng cai tổ chức một số môn thi đấu, việc quảng bá sản phẩm nón lá càng được nhiều nơi biết đến. Hình ảnh nón lá được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin điện tử”.

Nông thôn mới nâng cao "mọc" lên từ vùng đất trũng
Từ vùng đất trũng, nông thôn Thanh Trì ngày nay đã được phủ xanh bởi các thửa ruộng lớn

Anh Nguyễn Bá Luân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ nhiệm HTX Nón lá Vĩnh Thịnh cho biết, từ khi thành lập đến nay, HTX đã chủ động tìm hiểu thị trường, hướng dẫn người dân sáng tạo nhiều mẫu mã, kích thước nón lá theo nhu cầu sử dụng và thị hiếu khách hàng. Thông qua các chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu, hội chợ thương mại của huyện Thanh Trì, của Thành phố; các trang mạng điện tử; xã Đại Áng đã đưa sản phẩm nón lá đến với người tiêu dùng trong nước, quốc tế và được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã.

Tiếp đó, làng nghề may thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề Hà Nội” từ đầu năm 2023. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng làng nghề may Vĩnh Trung vẫn không ngừng phát triển. Làng nghề may Vĩnh Trung có 225 hộ sản xuất, trong đó có 25 cơ sở lớn, 200 hộ sản xuất nhỏ lẻ, hàng năm sản xuất trên 5 triệu sản phẩm, thu nhập bình quân ước đạt 2,5 tỷ đồng/cơ sở/năm đối với cơ sở sản xuất lớn và trên 900 triệu đồng/hộ/năm đối với các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Các cơ sở đều ứng dụng thiết bị máy móc thực hiện công việc theo dây chuyền hiện đại. Với mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả hợp lý, các sản phẩm của làng nghề ngày càng khẳng định được chỗ đứng trên thị trường.

Bà Nguyễn Thị Hường, Trưởng thôn Vĩnh Trung cho biết: “Bắt nhịp với xu thế thị trường, những người thợ nơi đây không chỉ dừng lại ở việc nâng cao tay nghề, mà đã có rất nhiều gia đình, hộ sản xuất nhỏ, phát triển mô hình kinh doanh để trở thành những cơ sở tên tuổi trên thị trường”.

Sức sống mới ở vùng đất trũng
Nón lá Vĩnh Thịnh trở thành sản phẩm làng nghề được nhiều người biết đến

Chính quyền xã Đại Áng đã có những hoạch định cụ thể để phát triển nghề may như động viên nhân dân đa dạng hóa sản phẩm, bảo đảm chất lượng, mẫu mã đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường làng nghề; xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu mở rộng liên doanh, liên kết sản xuất để sản phẩm làng nghề có thể cạnh tranh với thị trường. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Đại Áng còn là vựa nuôi trồng thủy sản của thành phố Hà Nội. Vùng đất trũng năm nào với thu nhập khó khăn với bình quân đầu người chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm, thì nay, nhờ chủ trương dồn ô đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã tạo đòn bẩy cho người dân phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh, đưa khoa học kỹ thuật mới vào canh tác.

Cũng nhờ việc tạo điều kiện cho người nông dân tích tụ ruộng đất để có ô, thửa lớn, mở ra hướng canh tác mới mà nhiều mô hình nông nghiệp giá trị cao đã lần lượt được hình thành trên mảnh đất Thanh Trì. Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao là một trong những mô hình điển hình về hướng thâm canh hiện đại, hiệu quả của huyện Thanh Trì.

Là đơn vị đi đầu trong phương pháp trồng rau thủy canh nhà màng, trang trại Hải Đăng (xã Yên Mỹ) đã thực hiện mô hình này với hiệu quả cao, giảm chi phí nhân công và cho ra sản phẩm sạch, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, chủ trang trại Hải Đăng, chỉ với 300m2 nhà màng thuỷ canh, mỗi vụ có thể cho thu hoạch khoảng 500kg rau sạch. Ngoài ra, việc sử dụng màng phủ cũng giúp rau màu và cây trồng tránh khỏi sự tấn công của sâu bệnh.

Mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh giúp người trồng tiết kiệm được diện tích trồng, nước tưới, và đặc biệt là dinh dưỡng. Mô hình có tính đột phá rất cao, đặc biệt là với những khu vực mà địa hình, đất đai, thời tiết cũng như nguồn nước còn nhiều bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Sức sống mới ở vùng đất trũng
Mô hình trang trại kết hợp du lịch sinh thái mang lại thu nhập cao cho người dân

Trang trại đã đầu tư máy móc thiết bị, áp dụng khoa học công nghệ, thực hiện chuỗi sản xuất khép kín để chế biến nông sản thành nhiều loại: cây nông sản, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng. Toàn bộ sản phẩm của trang trại đều đạt chuẩn IZO22000 và IZO14001. Không chỉ đi trước, đón đầu trong thực hiện các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, Hải Đăng còn được đánh giá là một trong những địa điểm sinh thái hấp dẫn nhất của huyện Thanh Trì, và là một trong những điểm đến trải nghiệm hấp dẫn của Hà Nội.

Còn xã Đông Mỹ, một trong những xã NTM nâng cao của huyện Thanh Trì thời gian qua đã mở ra hướng phát triển mới. Những cánh đồng trũng của xã cũng thay da đổi thịt với những mô hình nông nghiệp, thủy sản mang lại giá trị cao. Người nông dân không còn quá vất vả mà đời sống ngày càng khấm khá lên.

Ông Phạm Văn Tĩnh, người dân xã Đông Mỹ cho biết: “Ngày xưa vùng này rất trũng, mưa là lụt, lúa bấp bênh, nên chủ trương của chính quyền chuyển đổi cơ cấu từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản đã cho thu nhập ổn định và cao hơn”.

Xã Đông Mỹ có 140 ha đất nông nghiệp, năm 2022 theo đánh giá chung của xã, kết quả nông nghiệp sau dồn điền, đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi cho thấy thu nhập bình quân sản phẩm lên đến trên 200 triệu đồng/1ha canh tác.

Sức sống mới ở vùng đất trũng
Nông thôn rực rỡ hơn sau những đổi thay

Tại vùng đất trũng, thấp của huyện Thanh Trì cách đây 10 năm, người dân loay hoay với đủ loại cây trồng nhưng vẫn vất vả quanh năm. Nhưng từ khi có chủ trương dồn điền đổi thửa, các ô thửa nhỏ dồn thành mảnh ruộng lớn mở ra cơ hội đưa cây trồng mới vào canh tác. Giờ đây những cánh đồng lớn xuất hiện ngày một nhiều ở Thanh Trì đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế đa dạng, hiệu quả cho người dân.

Lấy người dân làm chủ thể

Theo kế hoạch của huyện Thanh Trì, đến hết năm 2025 sẽ có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, tuy nhiên với sự vào cuộc quyết liệt, quá trình triển khai có trọng tâm, trọng điểm của toàn thể chính quyền và nhân dân, đến nay Thanh Trì đã hoàn thành NTM nâng cao tại 15/15 xã, đi trước kế hoạch 2 năm mục tiêu đề ra. Kết quả hôm nay là cả chặng đường dài huyện đã nỗ lực, tập trung nâng cấp các tiêu chí hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân. Sau hơn 10 năm thực hiện mô hình NTM, một Thanh Trì hiện đại, khang trang, sạch đẹp, xứng tầm đô thị đang dần hiện hữu.

Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao, các xã của huyện Thanh Trì đều khai thác được những lợi thế riêng để phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ vậy, đến nay Thanh Trì đã trở thành huyện tốp đầu của Thành phố trong xây dựng NTM nâng cao. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng để địa phương tiếp tục thực hiện xây dựng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh, nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Sức sống mới ở vùng đất trũng
Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao góp phần nâng cao giá trị nông nghiệp

Đặc biệt, năm 2022 huyện Thanh Trì có bứt phá quan trọng trong thực hiện chương trình NTM nâng cao thông qua việc triển khai đồng bộ tất cả các kế hoạch, giải pháp. Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chủ tịch huyện Thanh Trì cho biết, để có được kết quả trong thực hiện nông thôn mới, huyện xác định vai trò và sự vào cuộc của người dân là vai trò then chốt, chính quyền mang tính thúc đẩy và tạo động lực.

Thời gian qua, chính quyền huyện Thanh Trì đã triển khai đồng bộ kế hoạch, giải pháp để tuyên truyền vận động người dân; cụ thể hóa bằng các phần việc phù hợp với khả năng và điều kiện của từng địa bàn dân cư để tất cả người dân đều có thể vào cuộc.

Và cũng chính nhờ sự quyết liệt, nhất quán trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của huyện Thanh Trì mà đến nay người dân đã được thụ hưởng nhiều cơ sở hạ tầng hiện đại, có nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Thanh Trì thực hiện kép 2 nhiệm vụ chính trị quan trọng là: Đầu tư xây dựng huyện thành quận, xã thành phường; Xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với phương châm "Vừa làm vừa rút kinh nghiệm", huyện Thanh Trì đã phát huy sức mạnh, vai trò chủ thể của các tầng lớp nhân dân và của hệ thống chính trị trong xây dựng NTM. Nhờ vậy, năm 2021, thành phố Hà Nội đã công nhận xã Liên Ninh - xã đầu tiên của huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao.

Sức sống mới ở vùng đất trũng
Từ vùng đất trũng huyện Thanh Trì đã mọc lên những xã NTM mới nâng cao

Năm 2022, huyện Thanh Trì đã chỉ đạo quyết liệt 14 xã còn lại triển khai đồng bộ các giải pháp hoàn thiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tập trung vào các tiêu chí chưa đạt như: Hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao chất lượng phát triển kinh tế, môi trường, giáo dục đào tạo, các thiết chế văn hóa, cải cách hành chính, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự,…

Cùng với đó, huyện Thanh Trì cũng xây dựng các đề án cụ thể như đề án củng cố sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng môi trường sống giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế, huyện đã kè 32 ao hồ trong khu dân cư kết hợp với đường hoa, cây xanh. Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đô thị đạt 97%.

Nhờ đó, kinh tế địa phương đã đạt mức tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 70 triệu đồng. Giá trị sản phẩm trên đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 252 triệu đồng/1 ha, tăng 7 triệu đồng/ha so với năm 2020.

Với sự cố gắng, nỗ lực vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn, ngày 18/4/2023, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ra quyết định công nhận 14 xã trên địa bàn huyện Thanh Trì đạt chuẩn NTM nâng cao. Cùng với xã Liên Ninh đã cán đích NTM từ năm 2021, đến nay, 15/15 xã của huyện Thanh Trì đã được công nhận xã chuẩn NTM nâng cao, về đích trước 2 năm và vượt chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.

Bảo Thoa - Thanh Hồng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này