Du lịch phải khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn

08:51 | 01/06/2023
(LĐTĐ) Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ nằm ở chính sách thị thực mà quan trọng nhất là phải chú trọng đồng bộ các giải pháp.
Tiềm năng phát triển du lịch Yên Mỹ Sa Pa - “thiên đường” nghỉ mát đáng đi nhất hè này

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trước đại dịch Covid-19 (năm 2019), du lịch đã đóng góp gần 10% GDP cả nước, đây là một con số ấn tượng. Sau đại dịch, du lịch đang từng bước phục hồi. Năm 2022 có sự bùng nổ về du lịch nội địa với hơn 100 triệu lượt khách trong nước. Du lịch nội địa được xác định như bệ đỡ của ngành Du lịch khi Việt Nam chưa phát triển mạnh được du lịch quốc tế.

Du lịch phải khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn
Ảnh minh họa: BT

Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt cũng chứng minh du lịch đã bắt đầu trở lại trạng thái bình thường. Và 4 tháng đầu năm nay, thống kê chưa đầy đủ cho thấy cả nước đã có khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, điểm mới đó là ngoài thị trường truyền thống đã bắt đầu xuất hiện các thị trường tiềm năng, tạo điều kiện cho chúng ta đạt được mục tiêu đề ra.

Tại Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Phát biểu thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong lãnh đạo, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 08 năm 2017 khẳng định quyết tâm phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gần đây nhất, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Nghị quyết về phát triển 6 Vùng chiến lược của đất nước, trong đó cũng đề cập rất kỹ các hoạt động du lịch và coi du lịch là một trong những thế mạnh phát triển.

Chính nhờ quan điểm lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, chính quyền các cấp, du lịch đã phát triển tương đối tốt và từng bước tiếp cận được tiêu mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Ở góc độ là bộ quản lý Nhà nước về du lịch, Bộ VHTTDL đã tổ chức nhiều phiên làm việc, khảo sát, điều tra nắm bắt và đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tổ chức 2 hội nghị là Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và Hội nghị toàn quốc về du lịch lần thứ 3. Các thảo luận tại hội nghị cho thấy nhiều điểm nghẽn, trong đó có 2 điểm nghẽn quan trọng trong phát triển du lịch, đó là về hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư phát triển du lịch khi Việt Nam chưa có khâu đột phá; và thứ hai là về chính sách thị thực cho khách du lịch.

Từ chỗ xác định điểm nghẽn, các đại biểu Quốc hội và trực tiếp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội khi làm việc với Bộ VHTTDL đã yêu cầu Bộ phải tham mưu cho Chính phủ để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp này xem xét, tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý trong vấn đề thị thực. Và nếu Luật sửa đổi được thông qua, sẽ giải quyết căn bản tình trạng khó khăn mà ngành Du lịch đang gặp phải.

Nói thêm về sự cần thiết của việc xây dựng luật, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc sửa đổi sẽ góp phần giải quyết vấn đề điểm nghẽn trong thể chế chính sách để phục hồi, phát triển du lịch, tạo điều kiện cho công dân nước ngoài đến Việt Nam du lịch, đầu tư. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin để cấp thị thực điện tử là tất yếu và cần thiết phải đưa vào luật.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc nâng hạn thị thực điện tử, cấp thị thực điện tự, giấy chứng nhận tạm trú… tăng số lượng quốc gia cấp thị thực điện tử là phù hợp và nằm trong lộ trình, bước đi, có tính cân đối. Và hy vọng, việc nâng thời hạn thị thực điện tử (từ không quá 30 ngày lên không quá 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần, nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú) sẽ giúp du khách thấy được chính sách phù hợp của Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho du lịch phục hồi và sớm đạt mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nhấn mạnh, để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ nằm ở chính sách thị thực, bởi thị thực chỉ là một yếu tố, quan trọng nhất là phải đồng bộ các giải pháp. Trước hết từ hạ tầng du lịch phải được quan tâm đầu tư một cách tương ứng, sản phẩm du lịch vẫn phải là cái gốc và sản phẩm du lịch phải dựa trên nguồn tài nguyên văn hoá của đất nước, của từng địa phương. Bộ VHTTDL khuyến nghị mỗi địa phương phải có một sản phẩm độc đáo về du lịch, luôn luôn phải làm mới các sản phẩm du lịch của mình. Đồng thời, dịch vụ du lịch cũng phải thực sự chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, cũng phải quan tâm chú ý đến nguồn nhân lực du lịch. Sau đại dịch Covid-19 đã phát sinh rất nhiều vấn đề khó, đặc biệt là thiếu hụt nguồn nhân lực. Nếu không chú trọng nhân lực thì dịch vụ của chúng ta không thể chuyên nghiệp, sức cạnh tranh sẽ khó. Nếu đồng bộ các giải pháp, du lịch sẽ thực hiện vai trò là một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần cụ thể hoá các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương về phát triển ngành kinh tế tổng hợp này.

Diệp Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này