Làng nghề chủ động phòng ngừa “bà hỏa”

12:32 | 15/12/2022
(LĐTĐ) Cuối năm là thời điểm nhu cầu mua bán các loại hàng hóa tăng cao, đây là cũng là thời điểm các làng nghề hoạt động hết công suất, nguy cơ cháy nổ luôn thường trực. Đặc biệt, hầu hết các hộ kinh doanh ở làng nghề hiện nay đều hoạt động với mô hình nhà ở kết hợp xưởng sản xuất.
Ngăn chặn “bà hỏa” dịp cuối năm Ngăn chặn “bà hỏa” tại các làng nghề

Sản xuất nhộn nhịp dịp cuối năm

Những năm qua, hoạt động sản xuất ở các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất cho người dân các huyện ngoại thành Hà Nội. Thế nhưng, trước sự phát triển của các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề sản xuất mộc, tái chế phế liệu nhựa, sản xuất chăn ga, gối đệm, tái chế bông vải sợi... đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao, nhất là thời điểm cuối năm khi lượng sản xuất hàng hóa lớn và thời tiết hanh khô. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hàng nghìn cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề truyền thống ở các huyện: Thường Tín, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Phú Xuyên...

Làng nghề chủ động phòng ngừa “bà hỏa”
Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền công tác phòng chống cháy nổ tại địa phương.

Hầu hết các hộ sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư. Đáng nói, công tác phòng cháy, chữa cháy và những nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất cập, nhất là ở một số làng nghề mộc. Bởi tại các làng nghề mộc, trong quá trình sản xuất, một lượng lớn mùn cưa, vỏ bào, vụn gỗ được tích tụ lâu ngày, tạo thành những đống lớn, khi gặp lửa dễ bắt cháy.

Bên cạnh đó, một số hộ còn sử dụng sơn, hóa chất tạo màu cho sản phẩm kết hợp với dung môi dễ cháy nổ như xăng, cồn để pha chế. Hơn nữa, diện tích nhà xưởng chủ yếu quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, máy móc, thiết bị dây điện không được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Các hộ sản xuất mộc nằm liền kề nhau, bởi vậy, khi xảy ra cháy nổ rất dễ cháy lan sang các hộ xung quanh. Các tuyến đường giao thông trong thôn nhỏ hẹp, các phương tiện xe cứu hỏa khó tiếp cận.

Ghi nhận tại làng nghề mộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất (Hà Nội), mặc dù công tác phòng cháy, chữa cháy luôn được cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo sát sao, song công tác phòng cháy và ý thức chấp hành quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy của một số hộ dân còn hạn chế. Thậm chí, nhiều hộ dân không có thiết bị, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy hoặc có nhưng để lâu, không sử dụng được.

Anh Nguyễn Văn Viên (một chủ sản xuất đồ mộc tại Chàng Sơn) cho biết: “Gần đây, nhiều xưởng gỗ trên địa bàn được đầu tư rất lớn, tuy nhiên vẫn xảy ra cháy gây thiệt hại rất lớn, nguyên nhân chủ yếu vẫn là nguy cơ chập điện. Hơn nữa, hiện nay, tại địa phương có rất nhiều gia đình làm gỗ tự phát, nhỏ, lẻ; cháy xưởng lại có thể lan ra nhiều xưởng khác. Dịp cuối năm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra nhộn nhịp hơn khiến nguy cơ cháy nổ cũng cao hơn”.

Anh Đỗ Văn Tuấn (Bí thư Chi bộ thôn 3, xã Chàng Sơn) cũng nhận định, hiện nay nguy cơ cháy nổ tại các làng nghề là khá cao, nhất là dịp cuối năm: “Tại thôn 3 hiện nay có hơn 700 hộ thì có đến hơn 400 hộ làm nghề mộc. Không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền, hằng năm, Ủy ban nhân dân xã tổ chức tập huấn, ký cam kết về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các lực lượng chức năng cũng thường xuyên chỉ đạo các thôn thường xuyên rà soát, nắm bắt thông tin, tình hình để chủ động có biện pháp phòng cháy, chữa cháy”.

Chủ động phòng ngừa từ cơ sở

Có thể thấy, hiện nay, tại các làng nghề, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy luôn được lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, Công an phối hợp với chính quyền các địa phương chú trọng kiểm tra tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Phối hợp với các địa phương mở nhiều lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề.

Làng nghề chủ động phòng ngừa “bà hỏa”
Cơ sở sản xuất của ông Nguyễn Văn Trúc luôn chủ động các biện pháp phòng, chống cháy nổ. Ảnh: Kim Tiến

Là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống, tại huyện Thường Tín, các cơ quan chức năng cũng như người dân luôn nhận thức rõ vai trò công tác phòng cháy, chữa cháy và những nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ cao ở các làng nghề. Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy… luôn tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng cháy, chữa cháy, xây dựng kế hoạch, tổ chức thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy cho từng khu vực làng nghề. Chủ động tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các hộ sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy; tổ chức ký cam kết không vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy tới các hộ sản xuất.

Đơn cử, tại huyện Thường Tín, ông Nguyễn Văn Trúc - chủ cơ sở sản xuất gỗ Nhân Hiền (xã Nhân Hiền, huyện Thường Tín), chia sẻ, tại cơ sở sản xuất, nguyên liệu sử dụng để sản xuất cũng là nguyên liệu dễ cháy, tuy nhiên độ bắt lửa lại thấp, không cao như bông, vải. “Tại cơ sở sản xuất, chúng tôi đã có ý thức phòng cháy từ lâu. Theo đó, tôi đã mua bình, bột để những nơi dễ nhận biết, dễ lấy, nếu có xảy ra cháy nổ thì có thể sẵn sàng sử dụng. Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy từng xảy ra trên địa bàn xã những năm trước, tôi luôn nhắc nhở các lao động sau khi hết giờ làm việc phải ngắt cầu giao trước khi đóng cửa ra về. Hằng năm, kiểm tra hệ thống đường dây điện; quy định nhắc nhở mọi người khi vào xưởng không được sử dụng thuốc lá hoặc đem vật dụng dễ gây cháy nổ vào xưởng”, ông Trúc nhấn mạnh.

Công tác phòng cháy, chữa cháy nói chung và công tác phòng cháy, chữa cháy ở các làng nghề nói riêng không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm để bảo đảm tài sản, tính mạng của gia đình, xã hội. Việc đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các làng nghề dịp cuối năm còn góp phần đảm bảo cho người dân đón Tết an toàn; giữ gìn an ninh trật tự và phát triển kinh tế, xã hội./.

An toàn phòng chống cháy nổ tại các làng nghề đang là vấn đề đáng quan tâm. Việc nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy không chỉ bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mà còn bảo đảm an toàn, an ninh, phát triển làng nghề, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Kim Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này