Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 32 khóa XII

10:44 | 14/12/2022
(LĐTĐ) Sáng nay (14/12), Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức phiên họp lần thứ 32 khóa XII. Đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Hội nghị.
Công đoàn cần tăng cường giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng chính sách cho công nhân Tập trung nguồn lực hỗ trợ lao động mất việc, giảm việc Đề xuất xem xét có gói hỗ trợ cho người lao động bị mất việc, giảm việc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết: Hội nghị kỳ này sẽ cho ý vào 5 nội dung.

Khai mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 32 khóa XII
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị.

Cụ thể, Hội nghị sẽ cho ý kiến vào Báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết số 10b của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ khóa XI về “Nâng cao hiệu quả công tác pháp luật của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới”. Theo đồng chí Nguyễn Đình Khang: Công tác pháp luật của Công đoàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn Việt Nam; chủ động giải quyết những thách thức đặt ra cho tổ chức Công đoàn trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định tự do thế hệ mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ngay sau khi ban hành nghị quyết, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo, hướng dẫn triển khai tới Công đoàn các cấp. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn, Công đoàn ngành, LĐLĐ các tỉnh, thành phố đã xây dựng kế hoạch, tổ chức quán triệt trong đội ngũ cán bộ Công đoàn chủ chốt, cán bộ Công đoàn chuyên trách và ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện. Đồng thời, tuyên truyên, phổ biến nâng cao hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, người lao động, giúp cán bộ Công đoàn, đoàn viên, người lao động nhận thức rõ hơn về quyền hạn và nghĩa vụ của mình.

Từ thực tế trong công tác chỉ đạo, tổ chức, triển khai thực hiện, đồng chí Nguyễn Đình Khang đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch nghiên cứu thảo luận, cho ý kiến về những kết quả sau 5 năm thực hiện nghị quyết, đối chiếu với những mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, đồng thời đề xuất các giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Về Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn, theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Đây nội dung rất quan trọng, do vậy đề nghị các đồng chí Ủy viên Đoàn Chủ tịch thảo luận thật kỹ, nhất là 3 dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn sửa đổi và các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Công đoàn, về: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động; hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam; hoàn thiện các quy định của pháp luật Công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.

Hai nội dung trên sẽ được trình xin ý kiến Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 12, diễn ra ngày 16/12 tới.

Bên cạnh đó, kỳ họp lần này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng sẽ cho ý kiến vào 3 nội dung thuộc thẩm quyền, gồm: Quy chế tổ chức và hoạt động Cung văn hóa, nhà văn hóa lao động; báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động số 13 của Tổng Liên đoàn thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Đề án Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam.

B.D

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này