TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

20:28 | 13/12/2022
(LĐTĐ) Ngày 13/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị đánh giá triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đến năm học 2022 - 2023 tại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).
TP.HCM: Khám sức khoẻ miễn phí cho 1.200 công nhân KCN Hiệp Phước Xuyên đêm theo chân những người rút hồ sơ hưởng BHXH một lần ở TP. Hồ Chí Minh Thưởng Tết cho công nhân ở một số doanh nghiệp khu vực phía Nam

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và đại diện các cục, vụ chức năng, lãnh đạo Sở GD&ĐT 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ rất khó của toàn ngành hiện nay là việc triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đây là việc lớn, khó với nhiều nội dung công việc mà ngành đã và đang triển khai.

Chương trình GDPT 2018 bắt đầu từ 2019, hoàn thiện vào năm 2025, với tính chất rất lớn, mới, nên sau mỗi năm cần có đánh giá sơ kết. Trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 vẫn còn tình trạng chưa có sự thống nhất trong cách hiểu về chương trình, mỗi nơi có những sáng tạo, điểm vướng, khó khăn khác nhau.

TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung vào các nội dung như: trao đổi về khó khăn trong quá trình triển khai, việc triển khai cơ sở vật chất, các điều kiện khác; việc đổi mới phương pháp, đánh giá; việc dạy các môn tích hợp; một số các nội dung chuyên sâu; những vấn đề về văn hoá học đường, an toàn trường học. Các đại biểu cần thẳng thắn trao đổi, cùng nhau nhìn rõ những mặt tích cực, những tồn tại để cùng tìm giải pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, hiện nay TP.HCM đang gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình GDPT 2018. Vì là địa phương có tỷ lệ học sinh tăng hằng năm cao nên việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày đang gặp khó khăn lớn.

Hiện tại, ở bậc tiểu học, có 74% học 2 buổi/ngày, có những quận huyện chỉ đạt trên 20% học 2 buổi/ngày. Thêm vào đó, còn sự mâu thuẫn trong việc dạy dạy 2 buổi/ngày. Một số trường dạy 2 buổi/ngày ở chương trình cũ vẫn được hưởng kinh phí từ việc dạy buổi hai. Trong khi đó, các lớp 1, 2, 3 dạy chương trình GDPT 2018 (bản thân chương trình này là dạy 2 buổi/ngày) nên không được bồi dưỡng thêm.

Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết, nếu 2 buổi/ngày xác định tối thiểu là 7 buổi, thì những buổi học còn lại có thể xã hội hóa các hoạt động khác trong nhà trường, để có thêm nguồn thu cho giáo viên, học sinh tăng cường các hoạt động để đáp ứng theo nhu cầu của phụ huynh.

“Nếu chúng ta không có quy định rõ ràng bao nhiêu buổi trong tuần, thì sẽ rất khó tham mưu cho UBND TP.HCM ban hành định mức ngoài học phí có thể thu thêm, đáp ứng nhu cầu học đa dạng ngoài giờ học chính khóa”, ông Nguyễn Văn Hiếu nói thêm.

TP.HCM gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM phát biểu tại Hội nghị.

Một khó khăn khác là giờ nghĩa vụ của giáo viên tiểu học. Ông Hiếu cho biết, giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc là giáo viên bộ môn, nếu tính như giáo viên tiểu học thì họ dạy rất nhiều lớp, nhiều sổ sách công việc hành chính xung quanh giờ dạy... nên rất cực.

Trong khi đó, giáo viên tiểu học dạy nhiều môn tính buổi, nếu tính 2-3 tiết nghĩa vụ trong tuần là hợp lý. Việc xem giáo viên bộ môn như giáo viên tiểu học khiến thành phố rất khó tuyển dụng, tuyển được thì khó giữ chân.

Ngoài ra, ông Hiếu mong rằng, Bộ GD&ĐT tiếp tục kiến nghị để có chế độ phụ cấp ưu đãi cho giáo viên, nhất là giáo viên vùng sâu vùng xa và giáo mầm non. Trong đó, có thể tăng 100% cho phụ cấp ưu đãi cho mầm non; giáo viên tiểu học tăng 50%, giáo viên THCS-THPT tăng 40% để khuyến khích, giữ chân nguồn nhân lực này.

Tại Hội nghị, ông Lê Hoàng Dự, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong việc áp dụng chương trình GDPT 2018 là thiếu giáo viên. Hiện, giáo viên ngoại ngữ, tin học để dạy từ lớp 3 bị thiếu rất nhiều. Tỉnh đã khẩn trương tuyển dụng, nhưng nguồn tuyển rất khó.

Tương tự, ông Phạm Ngọc Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện Tây Ninh đang thiếu 1.100 giáo viên, trong đó giáo viên mầm non đang thiếu trầm trọng. Nguồn tuyển dụng không có, nhất là các vùng sâu vùng biên giới của tỉnh này càng khó khăn trong tuyển dụng. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên mỹ thuật, âm nhạc, tiếng Anh các cấp đều thiếu.

Minh Tuấn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này