Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm

19:06 | 18/11/2022
(LĐTĐ) Mới đây, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thạch Thất đã ban hành Công văn số 2081/UBND-KT yêu cầu UBND các xã, thị trấn; các ngành, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện tăng cường triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn huyện.
Triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát phòng, chống bệnh Cúm gia cầm Triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng, chống chủng vi rút cúm gia cầm lây sang người Việt Nam xuất hiện ca cúm A (H5) trên người sau hơn 8 năm không ghi nhận

Trước đó, theo thông tin của Bộ Y tế, trong tháng 10/2022 đã có 1 trường hợp người nhiễm vi rút cúm gia cầm, chủng A (H5) tại tỉnh Phú Thọ, sau hơn 8 năm Việt Nam không có trường hợp người tử vong hoặc nhiễm vi rút cúm A (H5); nâng tổng số người nhiễm vi rút cúm gia cầm A (H5) tại Việt Nam lên 128 trường hợp trong giai đoạn từ năm 2003 đến tháng 10/2022.

Riêng trên địa bàn thành phố Hà Nội, tính đến cuối tháng 10/2022, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra tại một số hộ tại 3 huyện (Ba Vì, Phúc Thọ, Phú Xuyên), tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 16.397 con.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống cúm gia cầm
Các địa phương cần tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia cầm (Ảnh minh họa).

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm kịp thời, hiệu quả, UBND huyện Thạch Thất yêu cầu UBND các xã, thị trấn, các ngành, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm huyện triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp.

Trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức tiêm vắcxin phòng bệnh cúm gia cầm, bảo đảm tỉ lệ đạt trên 80% tổng đàn gia cầm tại thời điểm tiêm; thường xuyên rà soát, tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh và chưa được tiêm phòng.

Chủ động giám sát dịch bệnh, nhất là tại các khu vực có ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo.

Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương. Tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Quyết liệt ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng bệnh là chính, áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm; không vứt xác gia cầm chết ra ngoài môi trường.

Để phòng chống cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:

1. Không giết, mổ, sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

2. Không buôn bán, sử dụng thịt, trứng và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

3. Không ăn tiết canh, không ăn thịt, trứng gia cầm chưa được chế biến kỹ.

4. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo kịp thời cho chính quyền địa phương.

5. Nếu xuất hiện các biểu hiện cúm có liên quan đến tiếp xúc với gia cầm, đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

K.Tiến

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này