Nông dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng hoa và cây ăn quả

18:53 | 09/11/2022
(LĐTĐ) Ngay khi trở về từ quân ngũ, ông Bùi Văn Hiệp (quê tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh) đã nung nấu quyết tâm gắn bó với nông nghiệp sạch. Sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, đến nay, mô hình của ông Hiệp đã đưa lại nguồn thu nhập chính cho gia đình. Ông Hiệp cũng nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của huyện Mê Linh và thành phố Hà Nội trong phong trào sản xuất, kinh doanh.
Phát triển kinh tế nông nghiệp và bảo vệ môi trường bền vững Chinh phục “nông nghiệp số” để làm giàu

Chia sẻ về hành trình gắn bó với nông nghiệp của mình, ông Hiệp cho biết, năm 2016, ông tham gia vào Hợp tác xã Việt Doanh với vai trò là Phó Giám đốc Hợp tác xã. Hợp tác xã Việt Doanh khi đó chuyên trồng các loại rau, củ an toàn tại thôn Thường Lệ (xã Đại Thịnh). Tuy nhiên, khi đó, địa bàn xã Đại Thịnh được quy hoạch thành đô thị nên diện tích đất sản xuất bị thu hẹp. Cũng bởi vì lý do này mà nhiều xã viên của Hợp tác xã Việt Doanh đã đi tìm sản xuất mới để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Nông dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ trồng hoa và cây ăn quả
Ông Hiệp bên vườn hồng xiêm xoài đang cho thu hoạch tại thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.

Mang theo tình yêu với nông nghiệp sạch, ông Hiệp đã mạnh dạn đi tìm vùng đất mới để thỏa tình yêu với nông nghiệp sạch. Sau một thời gian lặn lội tìm kiếm, ông thấy được những tiềm năng phát triển nông nghiệp tại vùng đất giáp sông Cà Lồ thuộc thôn Kim Tiền, xã Kim Hoa, huyện Mê Linh. Dẫn phóng viên đi tham quan mô hình cây ăn quả và hoa, ông Hiệp say mê giới thiệu những thành quả của ông sau 6 năm canh tác trên mảnh đất vốn không ai nghĩ rằng có thể sản xuất.

Theo ông Hiệp, hiện tại, ông đang có khoảng 2ha đất trồng hoa và cây ăn quả, trong đó, diện tích đất trồng hoa cúc là 1ha; 1ha còn lại trồng cây ăn quả gồm ổi và hồng xiêm. Tính đến thời điểm hiện tại, mô hình trồng hoa, cây ăn quả của ông Hiệp đã mang lại thu nhập cho gia đình từ 700 tới 800 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí đầu tư) và mang lại công ăn việc làm cho từ 4 tới 5 lao động thường xuyên trên địa bàn xã Kim Hoa.

Để có được những “trái ngọt” trên là cả sự cố gắng, phấn đấu và tinh thần không ngại khó khăn của ông Hiệp. Vừa nhâm nhi chén trà nóng, ông Hiệp vừa hồi tưởng về thời điểm 6 năm trước khi ông bắt đầu khởi nghiệp với 2 bàn tay trắng. Thời điểm đó, gia đình vừa làm nhà nên tiền vốn cũng cạn. Khi đó, ông phải vay mượn tiền của anh em bạn bè và vay vốn từ các hội của huyện để có nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Khi giải quyết xong vấn đề vốn thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao cho phù hợp và tiết kiệm chi phí cũng là câu hỏi lớn với ông. Trong đó, khó khăn nhất là công cuộc khai hoang, đầu tư hệ thống đường điện, nước tưới tiêu…Thời điểm đó, vùng đất này chỉ toàn cỏ dại; đất đai mấp mô không bằng phẳng. Theo đó, vợ chồng ông phải thuê máy móc san lấp và thuê hàng chục nhân công dọn dẹp cỏ. Chi phí thuê nhân công mỗi ngày lên tới 2 triệu đồng.

“Từ khi thuê đất đến nay chưa khi nào tôi có suy nghĩ sẽ bỏ cuộc. Mới đầu, bà con trong thôn thấy lạ vì tôi thuê đất ở nơi 1 năm có 2 đợt ngập. Nhưng may mắn là từ năm 2017 tới nay mới bị ngập lụt 2 lần gây thiệt hại tới cây cối. Mặc dù có buồn vì thất thu, nhưng tôi không nản lòng mà bắt đầu trồng thay thế các cây hỏng. Tôi tự động viên bản thân rằng tiềm năng đất còn nhiều nên mình phải cố gắng vượt qua khó khăn. Tôi cũng nghĩ rằng chỉ cần chịu thương, chịu khó thì trời cũng không phụ lòng người.”- ông Hiệp chia sẻ.

Để có nguồn thu nhập thường xuyên từ mô hình, ông Hiệp đã có cách làm sáng tạo khi trồng xen canh các loại rau, cây ngắn ngày với cây ăn quả. Ban đầu ông Hiệp lấy ngắn nuôi dài, khi cây ăn quả còn nhỏ ông trồng các loại rau như súp lơ, hành tây, hoa cúc… Rau sẽ được trồng xen canh với cây ăn quả, hoa cúc sẽ trồng ở khu riêng. Sau khi cây ăn quả lớn, ông Hiệp bỏ dần các loại rau và tập trung chăm sóc cho cây ăn quả. Cùng đó, ông Hiệp cũng tiếp tục khai hoang để trồng xen canh một số loại cây ăn quả như mít, táo và một số loại rau ăn lá để có thêm nguồn thu.

Ông Hiệp cũng là người ham học hỏi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm. Được sự quan tâm của Hội Nông dân và Phòng kinh tế huyện Mê Linh, ông cũng đã tham gia các lớp tập huấn để học hỏi thêm kinh nghiệm. Cùng đó, ông cũng nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm trồng cây ăn quả, hoa cho các đoàn khách tham quan để nhân rộng mô hình kinh tế hiệu quả.

Chia sẻ về định hướng phát triển mô hình sau này, ông Hiệp cho hay: “Theo đúng lịch trình tôi rất mong muốn được đầu tư khuôn viên trải nghiệm gắn với du lịch giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay tôi cũng gặp khó khăn do chỉ còn hơn 3 năm nữa là hợp đồng thuê đất với người dân sẽ hết hạn. Do đó tôi rất mong muốn được thuê đất lâu dài của người dân địa phương để đầu tư phát triển theo hướng du lịch giáo dục, từ đó có thêm nguồn kinh tế cho gia đình và góp phần phát triển du lịch địa phương”.

Bằng sự chịu thương, chịu khó và tinh thần không chịu khuất phục khó khăn, ông Bùi Văn Hiệp đã trở thành một tấm gương nông dân sản xuất giỏi của huyện Mê Linh. Với những cố gắng, nỗ lực trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Hiệp đã vinh dự nhận được Giấy khen của Hội nông dân huyện Mê Linh vì đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu các giai đoạn 2017- 2019 và 2019 - 2021; Giấy khen của UBND huyện Mê Linh vì có thành tích trong công tác Hội và phong trào nông dân giai đoạn 2015 - 2020; Giấy chứng nhận đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Thành phố năm 2021; Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội vì đạt thành tích trong sản xuất, kinh doanh năm 2021.

Lương Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này