Bao phủ an sinh xã hội tới người khuyết tật

07:35 | 22/09/2022
(LĐTĐ) Là đối tượng yếu thế, việc làm bất ổn định, thu nhập, đời sống khó khăn, việc tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) càng trở nên cần thiết đối với người khuyết tật. Thế nhưng trên thực tế, việc tham gia BHXH cũng như được tiếp cận các chính sách an sinh xã hội khác của người lao động khuyết tật vẫn còn nhiều rào cản.
Thúc đẩy cơ hội việc làm cho người khuyết tật Mở rộng cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Khó tiếp cận bảo hiểm xã hội

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện nay, cả nước có hơn 6,4 triệu người khuyết tật, trong đó có hàng triệu người khuyết tật, trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng, chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Bộ LĐTBXH đánh giá, mặc dù có những thành tựu quan trọng trong công tác trợ giúp người khuyết tật, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về kinh tế, hạ tầng, cơ sở xã hội, chưa thể đáp ứng thỏa đáng nhu cầu nguyện vọng của người khuyết tật. Vẫn còn nhiều người khuyết tật sống trong cảnh nghèo, cận nghèo, sức khỏe hạn chế, thiếu việc làm và cuộc sống phụ thuộc vào trợ giúp của gia đình và xã hội.

Bao phủ an sinh xã hội tới người khuyết tật
Bao phủ an sinh xã hội là một chính sách nhân văn. Ảnh: Nguyễn Hoa.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như vậy, việc tham gia BHXH càng trở nên cần thiết đối với người lao động khuyết tật, tuy nhiên, trên thực tế, điều này còn rất nhiều khó khăn. Hiện chưa có thống kê cả nước có bao nhiêu người lao động khuyết tật tham gia BHXH, nhưng khảo sát nhanh của Hội Người khuyết tật Hà Nội cho thấy, những người lao động khuyết tật làm việc trong các công ty lớn ký hợp đồng lao động và có liên kết với Hội Người khuyết tật Hà Nội thì 100% doanh nghiệp đóng BHXH và thực hiện đầy đủ chế độ. Còn những người khuyết tật làm việc cho các công ty nhỏ, cơ sở sản xuất tư nhân hoặc lao động tự do không có sự hỗ trợ tư vấn, kết nối từ Hội thì quyền lợi BHXH khó được bảo đảm.

Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động khuyết tật khó tiếp cận BHXH mà trước hết là bắt nguồn từ sức khỏe, tính chất nghề nghiệp, công việc của người khuyết tật. Theo đó, do hạn chế về mặt thể chất, phần đông người lao động khuyết tật chỉ có thể làm việc trong các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, mô hình gia đình, khu vực phi chính thức, công việc đơn giản, thu nhập thấp, làm theo thời vụ… nên ít được quan tâm đóng BHXH bắt buộc.

Trao đổi tại tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật - từ chính sách đến thực tiễn” được tổ chức mới đây tại Hà Nội, bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng cho biết: “Do khiếm khuyết trên cơ thể, sức khỏe hạn chế, đa số người lao động khuyết tật có năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao, số ngày công lao động không được nhiều, khiến thu nhập (lương) đạt thấp, trung bình 3 triệu đồng/người/tháng,thậm chí nhiều người chỉ đạt từ 1 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng, không đạt mức lương tối thiểu để tham gia BHXH bắt buộc. Còn nếu tham gia BHXH tự nguyện thì họ sẽ không còn tiền nuôi sống bản thân”.

Một nguyên nhân nữa là do nhận thức của người sử dụng lao động khuyết tật và chính bản thân người khuyết tật chưa đầy đủ, chưa chủ động tham gia BHXH để bảo đảm an sinh cho chính bản thân khi về già. Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó trưởng Ban Thanh niên, Hội Người khuyết tật Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều người khuyết tật là đối tượng bảo trợ xã hội đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế nên khi làm việc cho các công ty tư nhân họ không chú trọng tham gia BHXH đồng thời do thu nhập chưa cao nên không ít người lao động khuyết tật chưa sẵn sàng với việc trích lương đóng BHXH.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Khánh, phía các công ty tư nhân cũng chưa hiểu rõ trách nhiệm cần hỗ trợ người khuyết tật tham gia bảo hiểm và đóng hỗ trợ cho họ theo quy định hiện hành của Luật BHXH. Đối với các Hợp tác xã do chính người khuyết tật sáng lập và làm chủ có vốn ít, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh thu thấp nên khó kham được việc đóng BHXH cho người lao động khuyết tật mức hơn 20,5%, tính theo lương tối thiểu vùng.

Bảo đảm quyền lợi BHXH cho người lao động khuyết tật

Cùng với việc tỷ lệ người lao động khuyết tật tham gia BHXH chưa cao thì hiện nay, việc người lao động khuyết tật tham gia BHXH phải tuân thủ những quy định như người bình thường cũng là một khó khăn đối với người lao động khuyết tật. Được biết, hiện chưa có chính sách BHXH dành riêng cho người khuyết tật. Đa phần người khuyết tật lương thấp, vẫn phải đóng BHXH như người khỏe mạnh, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp sử dụng người khuyết tật. Ngoài ra, người khuyết tật cũng không được ưu đãi về thời gian đóng BHXH và có tình trạng trợ cấp xã hội của người khuyết tật bị cắt…

Tại tọa đàm “Quyền làm việc của người khuyết tật - từ chính sách đến thực tiễn”, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam Đinh Thị Thụy cho rằng cần phải nghiên cứu thấu đáo, giúp người khuyết tật tham gia mạng lưới BHXH tốt nhất, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Hiện tại, nhiều tỉnh, thành phố hiểu chưa đúng về việc người khuyết tật đi làm, có việc làm, có lương không được hưởng trợ cấp xã hội. Luật Người khuyết tật quy định rõ, mọi người khuyết tật đều được hưởng trợ cấp xã hội. Khi người khuyết tật nỗ lực vượt khó đi làm, họ có lương và vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp xã hội, chứ không được cắt trợ cấp xã hội đối với người khuyết tật.

Từ thực tế tạo việc làm cho người lao động khuyết tật, bà Đinh Thị Quỳnh Nga - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng đề nghị các ngành chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước có chính sách đặc thù về thực hiện BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người thu nhập thấp, trong đó có người khuyết tật, thu nhập dưới mức lương tối thiểu vùng, để họ có đủ điều kiện tham gia BHXH, đúng quy định của pháp luật và bảo vệ quyền lợi, hợp pháp, chính đáng của người lao động, của chủ doanh nghiệp đang sử dụng lao động khuyết tật hiện nay.

Theo luật sư Phạm Thu Hương - Phó Chánh Văn phòng Hội Luật gia thành phố Hà Nội, Luật BHXH chưa có quy định riêng về việc giảm tiền đóng BHXH, số năm tối thiểu mà người khuyết tật làm việc để được hưởng chế độ hưu trí. Do đó, cần có chính sách hỗ trợ, giảm tỷ lệ đóng BHXH tự nguyện cho người khuyết tật. Với trường hợp người khuyết tật đóng BHXH bắt buộc, nên có chính sách giảm thời gian đóng bảo hiểm, mở rộng quyền lợi hưởng chính sách đối với người khuyết tật về thời gian nghỉ sinh con, nghỉ ốm…

Trước thực tế từ trước đến nay, trong Luật BHXH chưa có quy định liên quan đến chính sách BHXH dành riêng cho người lao động khuyết tật, Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng BHXH thành phố Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho rằng, tới đây, Nhà nước sửa Luật BHXH nên có quy định người lao động khuyết tật tham gia BHXH bắt buộc với thời gian 10 - 15 năm và nghỉ hưu trước 10 năm so với người lao động bình thường.

Ông Nguyễn Xuân Khánh - Phó trưởng Ban Thanh niên, Hội Người khuyết tật Hà Nội thì đề xuất cần có kênh tư vấn cho người khuyết tật và các cơ chế, cách thức để người khuyết tật tự tham gia và đóng bảo hiểm tích lũy lâu dài được hưởng chế độ chính đáng của người lao động.

Bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia người khuyết tật cho biết, thời gian tới, Ủy ban Quốc gia người khuyết tật Việt Nam sẽ phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tăng cường rà soát các chính sách để có thể hỗ trợ lao động là người khuyết tật ngày càng tốt hơn, đơn cử như chính sách ưu đãi về đóng BHXH tự nguyện cho người khuyết tật, giảm thời gian đóng BHXH đối với người khuyết tật, đa dạng hóa sinh kế bền vững cho người khuyết tật.../.

Tú Anh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này