Tạo điều kiện cho học sinh Tiểu học được học các môn tự chọn

16:27 | 03/09/2022
(LĐTĐ) Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục tiếp tục tăng cường quán triệt thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về đổi mới giáo dục Tiểu học và tiếp tục thực hiện đảm bảo an toàn trường học trong phòng, chống dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kiên trì chất lượng giáo dục.
Cần xem xét bổ sung đối tượng học sinh được hưởng cơ chế hỗ trợ học phí Mức đóng BHYT học sinh, sinh viên năm học 2022-2023 Chính sách nhân văn, cụ thể hóa chủ trương coi "giáo dục là quốc sách hàng đầu"

Năm học 2022-2023, cấp Tiểu học triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với học sinh lớp 1, 2, 3; học sinh lớp 4 và lớp 5 học theo Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành (ban hành năm 2006).

Trên cơ sở Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT giao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục Tiểu học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục đối với lớp 4 và lớp 5 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh để chủ động tiếp cận với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tạo điều kiện cho học sinh Tiểu học được học các môn tự chọn
Các nhà trường vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. (Ảnh minh họa)

Theo đó, các nhà trường điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục Tiểu học, phù hợp với đối tượng học sinh các vùng miền, địa phương; từng bước đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh trên nguyên tắc bảo đảm yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng và phù hợp điều kiện thực tế.

Các nhà trường rà soát, tinh giản những nội dung chồng chéo, trùng lặp giữa các môn học, giữa các khối lớp trong cấp học và các nội dung quá khó, chưa thực sự cấp thiết đối với học sinh Tiểu học; sắp xếp, điều chỉnh nội dung dạy học theo các chủ đề học tập phù hợp với đối tượng học sinh; không cắt xén cơ học mà tập trung vào đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho nhẹ nhàng, tự nhiên, hiệu quả nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục, nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở Tiểu học.

Đặc biệt, các nhà trường tổ chức dạy học cho học sinh lớp 5 để học sinh được chuẩn bị học lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cần chú trọng rèn luyện các kỹ năng và tạo tâm thế cho học sinh lớp 5 sẵn sàng học lớp 6.

T.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này