Viện Kiểm sát khẳng định có đủ bằng chứng các bị cáo đã thông đồng để "bán rẻ" khu đất 43ha

20:54 | 24/08/2022
(LĐTĐ) Chiều 24/8, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) cùng 27 bị cáo khác liên quan vụ án "đất vàng" Bình Dương. Tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã đối đáp lại với bị cáo, luật sư và các bên liên quan.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về hoạt động công đoàn trong bối cảnh hội nhập Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương bị đề nghị mức án từ 9-10 năm tù Cựu Bí thư Bình Dương: Bản thân rất đau lòng và không cố tình dung túng sai phạm

Trước đó, luật sư Nguyễn Thành Công (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Minh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty 3-2), luật sư Đinh Anh Tuấn bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương (con rể bị cáo Nguyễn Văn Minh), luật sư Phan Trung Hoài và một số luật sư khác có ý kiến cho rằng: Tổng Công ty 3-2 thuộc quyền sở hữu của Tỉnh ủy Bình Dương không phải là doanh nghiệp Nhà nước; hành vi của các bị cáo không đáp ứng mặt khách quan trong cấu thành tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Viện Kiểm sát khẳng định có đủ bằng chứng các bị cáo đã thông đồng để
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đối đáp lại lập luận của Luật sư tại Tòa.

Đối đáp lại, Viện Kiểm sát cho rằng quan điểm này thể hiện sự "nhận thức chưa đầy đủ", do đó cần thiết phân tích trên các phương diện: Quá trình phát triển doanh nghiệp và nguồn vốn; chủ sở hữu và thực tế hoạt động.

Cụ thể, quá trình hình thành, phát triển về nguồn gốc vốn điều lệ của Tổng Công ty 3/2 là vốn có nguồn gốc ngân sách Đảng và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Xét về nguồn gốc ngân sách Đảng nói chung, ngoài nguồn đảng phí của đảng viên và các khoản thu khác thì chủ yếu hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước.

Tiền thân của Tổng Công ty 3/2 là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé, được thành lập năm 1982, bởi Tỉnh ủy Sông Bé (sau này tách thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước), là đơn vị kinh tế của tỉnh, chịu sự quản lý mọi mặt của Tỉnh ủy, đồng thời chịu sự quản lý Nhà nước của ban nhân dân tỉnh.

Tháng 10/2010, qua nhiều lần đổi tên và chuyển đổi mô hình, doanh nghiệp trở thành Tổng Công ty 3/2 hoạt động theo mô hình công ty mẹ, công ty con, do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Trong suốt 40 năm hoạt động, phát triển, Tổng Công ty 3/2 được xác định "có mọi nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp nhà nước khác", nguồn vốn chủ yếu hình thành từ ngân sách Nhà nước. Vì vậy nên, lập luận bào chữa của các luật sư là không phù hợp.

Đối với quan điểm không có chứng cứ để chứng minh vai trò chủ mưu, trực tiếp thực hiện tội phạm của bị cáo Nguyễn Văn Minh trong hành vi phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí", Viện Kiểm sát khẳng định, bị cáo Nguyễn Văn Minh là người đứng đầu doanh nghiệp, chịu trách nhiệm chính trước pháp luật và là chủ sở hữu về quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tại các công ty đối tác, công ty liên doanh có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh vừa là người tham gia trực tiếp điều hành, vừa là người có mối quan hệ, ảnh hưởng chi phối đối với người thực tế quản lý, điều hành những doanh nghiệp đó.

Trên cương vị người đứng đầu doanh nghiệp, để thực hiện hành vi chuyển nhượng trái pháp luật toàn bộ khu đất 43ha và 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú sang cho tư nhân, bị cáo Nguyễn Văn Minh đã chủ trương, trực tiếp thực hiện và chỉ đạo thực hiện nhiều hành vi trái quy định của pháp luật, quy định của điều lệ tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp.

Sau khi phân tích các chứng cứ, đại diện Viện Kiểm sát khẳng đinh, có đầy đủ chứng cứ xác định bị cáo Nguyễn Văn Minh và các bị cáo thuộc Tổng Công ty 3-2 không có quyền bán khu đất 43ha nêu trên, nhưng các bị cáo đã thông đồng với các bị cáo thuộc Công ty Âu Lạc vì động cơ vụ lợi, cố tình làm trái quy định của pháp luật và chủ trương của chủ sở hữu, thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thỏa thuận trái quy định của pháp luật gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Về lập luận bị cáo Trần Văn Nam (cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương) do tin tưởng vào tham mưu của cấp dưới nên đã ký các văn bản sai phạm, dẫn đến việc áp giá đất từ năm 2006 cho thời điểm năm 2012. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng điều này không có cơ sở, bởi ông Nam đã làm Phó Chủ tịch tỉnh Bình Dương phụ trách lĩnh vực đất đai từ năm 2010. Chính bị cáo Nam là người ký ban hành bảng giá đất hàng năm làm căn cứ để thu tiền sử dụng đất, khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất.

“Bị cáo là người có hiểu biết pháp luật, có trình độ, năng lực về quản lý nhà nước, kinh qua nhiều vị trí công tác, được bổ nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý quan trọng và cụ thể năm 2012. Bị cáo lãnh đạo, quản lý lĩnh vực đất đai thì không thể nói rằng bị cáo không hiểu biết, chỉ tin theo đề xuất của cấp dưới mà ký văn bản trái quy định pháp luật”, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này