“Siết” tín dụng, thị trường bất động sản được thanh lọc?

10:31 | 18/08/2022
(LĐTĐ) Các chuyên gia phân tích, việc siết tín dụng bất động sản (BĐS) là cơ hội để thị trường này điều chỉnh nhịp tăng trưởng về đúng giá trị thật của nó. Nhờ đó, sản phẩm BĐS đem lại giá trị thực và đồng nghĩa với việc có điều kiện để lên ngôi trở lại. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thêm nguồn vốn để săn các phân khúc giá tốt.
Đưa thị trường bất động sản vào ổn định Thị trường bất động sản: Căn hộ lên ngôi, đất nền trầm lắng

Thời điểm “vàng” để chấn chỉnh thị trường

Một vấn đề nổi cộm nhất hiện nay đối với thị trường BĐS được các nhà đầu tư quan tâm là việc kiểm soát tín dụng. Bởi tín dụng là một trong những "nút thắt" đối với thị trường bất động sản hiện nay, việc giải quyết tín dụng được xem là vấn đề ưu tiên.

“Siết” tín dụng, thị trường bất động sản được thanh lọc?
Các dòng BĐS phục vụ nhu cầu thật sẽ lên ngôi.

Đề cập đến thông tin này, tại diễn đàn Bất động sản 2022: “Những vùng đất tiềm năng” tổ chức tại Hà Nội ngày 16/8 vừa qua, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia Cấn Văn Lực cho rằng, nền kinh tế phục hồi khá đã tạo cơ hội phát triển lĩnh vực BĐS và xây dựng. Cùng với đó, các yếu tố khác như quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư công được quan tâm, thúc đẩy.

Về chiến lược phát triển nhà ở giai đoạn năm 2021 - 2030, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, cần hết sức tỉnh táo và làm rõ nghĩa, rõ nét về nhà ở xã hội. “Làm theo phong trào sẽ hết sức nguy hiểm. Nếu làm theo tư duy xin cho cũng sẽ vô cùng nguy hiểm. Mà nhà ở phải phù hợp với thu nhập của người dân mới là quan trọng”, tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Ngoài ra, các vấn đề pháp lý liên quan đến BĐS, nhà đất đã và đang được tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được lành mạnh hóa; tín dụng BĐS được nắn dòng. Lãi suất, tỷ giá cơ bản khá ổn định dù chịu áp lực tăng mạnh. Ông Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng, đây là thời điểm vàng để chấn chỉnh thị trường, bởi hai năm qua, rất nguy hiểm khi nhà nhà, người người đầu tư đất đai.

Ngoài ra, trong giai đoạn này, kinh tế thế giới và Việt Nam phục hồi còn nhiều bấp bênh, tác động đến thương mại, đầu tư và du lịch, BĐS, giá cả tăng, nguồn cung chưa dồi dào. Công tác kiểm tra, rà soát thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn. Do đó, các công ty BĐS cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi, các nghị quyết gần đây của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Nên chú trọng phục hồi xanh, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, đón đầu xu hướng mới. Cũng cần thích ứng tốt trong việc quản lý thay đổi, quản lý rủi ro, cùng với đó là đầu tư trung và dài hạn, thay vì kinh doanh theo kiểu lướt sóng.

Dòng bất động sản phục vụ nhu cầu thật sẽ lên ngôi

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group Nguyễn Thọ Tuyển, có nhiều nguyên nhân tiêu cực ảnh hưởng đến thị trường BĐS hiện nay. Các yếu tố lần lượt được nhắc đến là mặt bằng, tín dụng, chuỗi cung ứng và lạm phát. Thực tế, gần đây, mặt bằng giá BĐS đã tăng khá nhanh. Thành phố Hà Nội có những dự án đất nền phía Tây đang được giao bán với mức giá từ 30 - 35 triệu đồng lên đến trên 100 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng ngừng giải ngân do hết room tín dụng, ngay cả khi chủ đầu tư đang triển khai các dự án đã ký hợp đồng mua bán. Điều này vô hình chung đang ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản của thị trường và khả năng chi trả của nhà đầu tư. Song, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chiến tranh, giao thông quốc tế bị cản trở, dẫn đến giá cả hàng hoá, vật tư, lạm phát trên toàn thế giới tăng cao, góp phần đẩy giá BĐS.

Trong khi đó, dòng tiền dễ dãi vào thị trường không còn, thị trường lại bị chi phối bởi tính pháp lý, nhất là chủ trương bỏ khung giá đất. Bởi lẽ, việc bỏ khung giá đất hiện chưa có một giải pháp nào cụ thể nào cho các chủ đầu tư, nhà đầu tư có thể nhìn thấy để thực thi. Vì thế, dịch vụ thẩm định giá sẽ khó có thể định giá theo giá chung của thị trường. Điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Về những yếu tố ảnh hưởng đến thị trường BĐS ở thời điểm hiện tại, Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group cho rằng, thứ nhất, do nguồn cung khan hiếm. Mặt khác, vài năm trở lại đây, nguồn cung phần lớn nằm ở phân khúc nghỉ dưỡng và đất đấu giá các tỉnh. Việc không có nhiều sản phẩm mới được hình thành ở các thành phố lớn đang là tình trạng phổ biến.

Yếu tố thứ hai được đề cập đến là do nguồn cầu tăng cao. Cụ thể, sau 2 năm cơn sốt thị trường BĐS, người mua nhà khó có cơ hội đầu tư. Thay vào đó, nhiều người đợi cơ hội giảm giá để mua. Nhưng điều đó không xảy ra khiến nhu cầu bị nén lại và tăng lên.

Thứ ba là do nhu cầu đầu tư bị bão hoà, đầu cơ lướt sóng không còn, nhà đầu tư khó tìm thấy thị trường tiềm năng đặc biệt là trong bối cảnh tín dụng siết chặt. Yếu tố thứ tư được nhắc tới là loạn giá. Trong khi thị trường sơ cấp đi ngang hoặc tăng, nhưng nhiều dự án khuyến mại thêm cho người mua nhà. Còn thị trường thứ cấp lại có khả năng giảm giá ở vài nơi có nền giá cao, khi dòng tiền dễ dãi không còn giá khó tăng.

Cuối cùng là do thanh khoản của thị trường cục bộ, các sản phẩm phục vụ nhu cầu ở thực có tính thanh khoản cao, các sản phẩm mua đi bán lại sôi động. Trong khi đó, sản phẩm phục vụ nhu cầu đầu tư chậm lại, sản phẩm cầu đầu cơ bị mất thanh khoản.

Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thọ Tuyển, thời điểm này là lúc các dòng BĐS phục vụ nhu cầu thật sẽ lên ngôi. Đó là chung cư, khu công nghiệp, phụ trợ khu công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển. Còn BĐS đầu cơ - dựa vào quy hoạch, phân lô tách sổ,... để đầu cơ thổi giá sẽ “hết đất diễn” vì pháp lý siết chặt, dòng tiền không còn dễ dãi.

Riêng đối với dòng BĐS "triệu đô" sẽ nghỉ ngơi một thời gian nữa. Vì đây là những BĐS nghỉ dưỡng có tổng giá trị cao, hoặc các siêu biệt thự nội đô có giá vài triệu đô la.

“Nếu như 6 tháng trước, các biệt thự 30 - 60 tỷ đồng tăng lên 100 tỷ đồng/căn chỉ sau vài tháng, thì rõ ràng bây giờ sẽ không có chuyện tăng giá như vậy. Thanh khoản sẽ chậm lại, nhà đầu tư không dễ xuống tiền”, ông Nguyễn Thọ Tuyển nhận định. Thay vào đó, nhóm thị trường tiềm năng hiện nay và thời gian tới được vị chuyên gia này nhắc đến là ở những đô thị lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; những phủ thủ công nghiệp như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, Long An; thủ phủ du lịch, nghỉ dưỡng như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận, Vũng Tàu…

Chủ tịch Hội đồng quản trị BHS Group cho rằng, hiện tại, thị trường BĐS đang trong giai đoạn thanh lọc rất mạnh để chọn ra những dòng BĐS tiềm năng, những chủ đầu tư đủ tiềm lực và đi đúng hướng, những địa phương có lợi thế bền vững.

“Những ai đang tham gia vào thị trường BĐS lúc này sẽ cần phải am hiểu hơn, mất nhiều thời gian nghiên cứu hơn để có những quyết định chính xác hơn. Tiền không tự nhiên sinh ra mà chuyển từ túi người này sang túi người khác. Cuộc chơi không dành cho tất cả mọi người như trong thời gian vừa qua nữa", vị chuyên gia nhấn mạnh./.

Quang Linh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này