Đi qua mùa Vu Lan

12:58 | 09/08/2022
(LĐTĐ) Tháng bảy âm lịch đã tới với những cơn mưa rả rích giọt ngắn giọt dài. Vào dịp này, các ngôi chùa gần xa trên mọi miền Tổ quốc đều tổ chức Đại lễ Vu Lan. Trong bầu không khí trang nghiêm thanh tịnh, tất cả cùng chánh niệm nghe các quý thầy phát tâm từ bi, giảng về sự tích lễ Vu Lan.
Mùa Vu Lan đặc biệt Rằm tháng 7 đặc biệt ở Thủ đô Lễ Vu Lan nhớ về một thuở nhuộm răng, ăn trầu

Theo truyền thuyết, lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ của Tôn giả Mục Kiền Liên. Ngài là một trong mười vị đệ tử xuất chúng của Đức Thế Tôn. Theo kinh Phật Vu Lan, Tôn giả Mục Kiền Liên sau khi đã tu luyện được Lục Thông, Tuệ Nhãn liền tưởng nhớ đến mẹ của mình. Ngài đã dùng Tuệ Nhãn soi thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ rất đói khổ. Quá đau xót, Tôn giả Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ và được Đức Thế Tôn dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ. Chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”. Tôn giả Mục Kiền Liên đã thực hành theo lời dạy của Đức Thế Tôn và mẹ của Ngài đã thoát được cảnh ngạ quỷ.

Đi qua mùa Vu Lan
Ảnh minh họa

Từ đó, trong Phật giáo lưu truyền một tục lệ, vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm, tất cả mọi người đều đến chùa tham dự lễ Vu Lan báo hiếu. Tại Đại lễ này, những người con cùng thắp nén tâm hương, phóng sinh tích đức, thả hoa đăng cầu nguyện cha mẹ hiện hữu được an lành hạnh phúc trong cuộc sống nhân sinh và cha mẹ nhiều đời trước được siêu sinh tịnh độ. Sau này, không chỉ ngày rằm, mà ngay khi bước vào tháng bảy âm lịch, mọi người đều tinh tấn bội phần trong tích đức, hành thiện để sám hối và báo hiếu đấng sinh thành.

Bạn đã bao giờ tự hỏi: “Bao lâu rồi mình chưa về thăm cha mẹ?”. Đôi khi, chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy áp lực của mưu sinh và lãng quên thể hiện lòng biết ơn với đấng sinh thành. Nếu bạn bận rộn và cách xa về khoảng cách địa lý, hãy gọi điện thoại cho cha mẹ của mình. Tôi tin rằng, tình thân vẫn luôn ấm áp và bền chặt bởi những nụ cười, tình thương mến được trao cho nhau qua những cuộc điện thoại thấy hình.

Tôi đã từng được tham dự Đại lễ Vu Lan tại Hà Nội. Hôm đó, rất đông đạo hữu thập phương cùng tụ hội về. Giữa mênh mang sông nước, từng hàng hoa đăng lung linh được thắp lên cùng lời khấn nguyện của những người con dành cho cha mẹ và người thân yêu. Giây phút đó, hòa cùng nhạc thiền du dương, muôn hàng lệ tuôn rơi trên khuôn mặt của rất nhiều người... Lúc này, không phân biệt thứ bậc, thành phần trong xã hội, họ nương vào nhau, cùng nghĩ tới công ơn đấng sinh thành cũng như sám hối về những lỗi lầm mình đã phạm phải. Có những người khóc nấc nghẹn ngào khi nghĩ về những lời nói, việc làm khiến cha mẹ đau lòng. Lại có người nức nở vì nuối tiếc khi chưa một lần nói ra lời yêu thương thì bậc sinh thành đã về miền mây trắng. Chiều dần buông, những ngọn đèn hoa đăng lấp lánh dập dờn trên sông tựa như bao muộn phiền, sám hối được thả trôi đi thật nhẹ nhàng.

Chúng ta đang cùng đi qua mùa Vu Lan... Xin hãy để lòng biết ơn, tình thương yêu, sự bao dung được lan tỏa nhẹ nhàng trong tâm mỗi người. Cuộc đời tưởng dài nhưng thật ra chỉ như giấc mộng và đều tuân theo luật vô thường. Xin hãy nói lời yêu thương với cha mẹ trước khi quá muộn.

Tường Vy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này